Ngày 8/5, quốc gia Trung Mỹ Nicaragua tuyên bố hủy bỏ những chính sách nhượng bộ dành cho một công ty Trung Quốc để triển khai dự án kênh đào nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương sau 10 năm khởi công xây dựng.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh nhiều chuyên gia và người dân bày tỏ phản đối gay gắt dự án được coi là “kênh đào Panama thứ hai”.
Con kênh dài 278km trị giá 50 tỷ USD (tương đương 1,3 triệu tỷ đồng), cắt ngang qua hồ Nicaragua, hồ lớn nhất Trung Mỹ. Theo tờ The Guardian, nếu được triển khai, đây là một trong những dự án xây dựng lớn nhất thế giới, lấn át kênh đào Panama trong khu vực.
Trước đó để thực hiện dự án, chính phủ Nicaragua đã nhượng quyền xây dựng kênh đào với thời hạn 50 năm cho Công ty Đầu tư Phát triển Kênh HK Nicaragua có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc), thuộc sở hữu của một doanh nhân Trung Quốc tên Vương Tịnh.
Chính phủ Nicaragua kỳ vọng kênh đào sẽ tạo ra hàng chục nghìn việc làm, kích thích tăng trưởng nền kinh tế. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định dự án kênh đào là mối nguy hiểm đối với môi trường và các cộng đồng dân cư địa phương.
Theo các nhà phân tích, khoảng 120.000 người dân sẽ buộc phải di dời để nhường chỗ cho dự án, bao gồm cả các cộng đồng Rama và Creole vốn sinh sống tại đây trước khi người châu Âu đặt chân đến.
Đồng thời, kênh đào sẽ phá hủy nguồn dự trữ nước ngọt quan trọng nhất của đất nước, phá hủy hệ sinh thái tự nhiên với 22 loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Vào năm 2014, ngay sau lễ động thổ khởi động dự án, hàng nghìn người dân Nicaragua đã tụ tập biểu tình, phản đối kế hoạch thu hồi đất, giải phóng mặt bằng thi công dự án này.
Đặc biệt vào năm 2018, cao trào biểu tình phản đối xây dựng dự án kênh đào đã bùng nổ, buộc chính phủ phải sử dụng các biện pháp mạnh nhằm ổn định tình hình. Theo Reuters, đã có 320 người thiệt mạng trong sự kiện nói trên.
Trong đó, 3 người được cho là lãnh đạo các cuộc biểu tình đã bị kết án lên tới 216 năm tù, 210 năm tù và 159 năm tù, với các tội danh liên quan đến bạo lực, khủng bố.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận