Chồng là người tử tế nhưng không thích nói chuyện với vợ?
Kể từ khi kỹ thuật truyền thông trở nên phổ biến, nhà ai cũng có mạng wifi, mỗi người một “chú dế” nhắn tin nhoay nhoáy với người khác hoặc “nấu cháo” điện thoại không mất phí, cũng là lúc các thành viên trong gia đình không còn thời giờ nói chuyện với nhau.
Ngay cả bữa cơm tối là lúc có đủ các thành viên trong gia đình thì lại vừa ăn vừa xem tivi. Thậm chí có người vừa ăn, vừa nói chuyện hay nhắn tin với bạn bè. Ăn xong về phòng lại mỗi người một điện thoại hay laptop tiếp tục “chat chit” với người khác thì dĩ nhiên vợ chồng, con cái chia rẽ.
Xét về tâm lý con người, bao giờ nói chuyện với người khác cũng thích hơn nói chuyện với người sống cùng với mình. Nhưng… điện thoại với người khác lại có chuyện. Nói chuyện với vợ thì chán nhưng nói với người khác lại không chán. Tất nhiên cho ở với người đó cũng chỉ 3 ngày là hết chuyện. Cho nên những anh ngoại tình cứ thì thụt gặp nhau còn kéo dài nhưng đã bỏ nhà mình đến ở với người tình chỉ mươi ngày hết chuyện là muốn quay về, vấn đề là vợ có chấp nhận hay không thôi?
Một chị 34 tuổi, đã kết hôn được 8 năm, có cậu con trai 5 tuổi ngoan ngoãn, khoẻ mạnh, thổ lộ với chuyên gia tâm lý: “Gần đây tôi cảm thấy hoang mang, nhiều đêm không ngủ được. Phải thừa nhận chồng tôi là một người đàn ông tử tế, đi đâu về cũng mua cho tôi thứ này thứ nọ nhưng có một điều là anh ấy không thích nói chuyện với tôi. Về nhà anh vẫn dán mắt vào điện thoại, vợ vừa mở miệng anh ấy xua tay: “Để anh yên, anh nhức đầu lắm”.
Nhưng mới đây một người đàn ông đã đi vào cuộc sống của tôi, khuấy động trái tim tôi khi nó đã ngủ yên suốt một thời gian dài. Tôi thường hay nghĩ đến người ấy và thầm ao ước trò chuyện với người ấy. Khi nói những điều này tôi cảm thấy xấu hổ vì có gì đó không phải với chồng nhưng đó là sự thật. Tôi cố gắng không nghĩ đến người ấy mà không được. Tôi không chắc anh ấy có cảm thấy như thế về tôi không nhưng mỗi lần gặp nhau trên mạng, tôi linh cảm rằng anh ấy cũng thế.
Người ấy chẳng phải ai xa lạ mà chính là một người đồng nghiệp cùng cơ quan. Anh là phó phòng tôi, chồng tôi cũng biết. Giờ đây, tôi nghĩ rằng mình có thể đẩy mối quan hệ đó đi xa hơn nhưng tôi sợ hệ quả của việc mình làm. Tôi cảm thấy mình đang ở ngã ba của tình cảm, không biết số phận sẽ đưa đến đâu. Thú thật tôi cũng chẳng hiểu mình muốn gì và tôi có nên tiếp tục mối quan hệ tình cảm với người đó không. Tôi thành thật xin một lời khuyên”.
Người tư vấn hỏi :
- Chị có hay gặp riêng người ấy không?
- Không. Ngoài giờ làm việc ở cơ quan, chúng tôi chỉ gặp nhau trên mạng. Biết tôi thích văn thơ, một lần anh ấy cho tôi đường link bảo có một truyện ngắn rất hay của một nhà văn nổi tiếng. Tôi đọc thấy tác giả có lối viết rất lạ, thú vị nên đọc xong thấy đèn của anh sáng trên facebook liền trao đổi vài nhận xét với anh.
Chúng tôi cứ trao đi đổi lại hết chuyện này đến chuyện khác, thấm thoắt gần 2 tiếng đồng hồ. Anh bảo nói chuyện với tôi rất thích. Anh khen tôi thông minh, có những nhận xét rất tinh tế, dí dỏm. Tôi cũng thích lối nói hài hước của anh. Hoá ra cũng giống tôi, anh không nói được những chuyện đó với vợ.
Thế là từ hôm ấy tối nào chúng tôi cũng “chat” với nhau vài tiếng là thường. Không chỉ chuyện văn thơ mà cả cuộc sống đời thường. Những chuyện mà chồng tôi không bao giờ muốn nghe thì anh lại nghe một cách hào hứng. Kết thúc cuộc nói chuyện, anh thường viết: “Chúc em ngủ ngon” những con chữ rất ngọt ngào khiến tự nhiên tôi cũng viết “Ngủ ngon anh nhé”.
Những câu ngắn ngủi ấy đã từ lâu rồi không hề có trong ngôn ngữ giao tiếp của vợ chồng tôi. Một lần trước khi dừng, anh còn viết “H. em” khiến tôi đờ đẫn cả người. Tôi viết lại “N. anh” rồi tắt máy. Hôm sau ở cơ quan, lúc không có ai, anh viết cho tôi vào mảnh giấy nhỏ: “N là gì ?”. Tôi đỏ bừng cả mặt gửi lại: “Nhớ, dốt ạ”.
Tôi biết nếu cứ tiếp tục “chát” thế này, chỉ một ngày không xa nữa tôi sẽ đến với anh như một lực hút không thể nào cưỡng lại được. Bây giờ sau khi cơm nước, dọn dẹp, tắm táp xong, niềm vui duy nhất trong ngày của tôi là lên mạng, vì tôi biết lúc ấy anh đã đợi rồi. Chồng tôi không biết tôi làm gì với máy tính tuy đôi lúc có vẻ hơi ngạc nhiên khi thấy tôi ôm cái lap-top cả buổi tối. Tôi rất cần một lời khuyên khôn ngoan tỉnh táo, vì lúc này tôi đang sống trong mơ, không biết số phận sẽ đưa mình về đâu?”.
Vực lại “tổ ấm” thời 4.0
Thống kê từ một trung tâm tư vấn hôn nhân ở Hà Nội, 92% các vụ ngoại tình bị phát hiện bắt đầu từ tin nhắn điện thoại. Có lẽ chưa bao giờ hạnh phúc gia đình bị đặt trước tình thế cam go như thời đại 4.0.
Thời trước muốn nói chuyện với bạn bè, trai gái muốn tán tỉnh nhau phải hẹn hò gặp nhau ở đâu đó. Bây giờ chỉ với một cái smartphone giá rất bình dân ai cũng mua được là có thể vào messenger, zalo, viber nói chuyện thoải mái, kể cả nhìn thấy nhau cũng không mất tiền, cho nên quan hệ trong gia đình ngày một lỏng lẻo đi mà quan hệ với người ngoài lại ngày một tăng lên rõ rệt.
Các nghiên cứu cho thấy, một gia đình có hạnh phúc hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự kết nối tình cảm giữa các thành viên trong gia đình ấy, đặc biệt là tình cảm vợ chồng, cái xương sống của gia đình. Cho dù đời sống vật chất được nâng cao, nhà cửa, xe cộ, các trang thiết bị tiện nghi đủ hết, nhưng nếu vợ chồng con cái không nói chuyện với nhau, ai có cuộc sống riêng của người ấy, trong nhà không có tiếng cười vui thì giàu đến cỡ nào cũng không thể gọi đó là gia đình hạnh phúc được.
Bởi vì nói chuyện tức là chia sẻ mọi buồn vui, thể hiện sự quan tâm đến nhau, cùng nhau giải quyết những khúc mắc trong cuộc sống thì mới hiểu nhau và từ đó mới yêu thương nhau được. Tình cảm là một khái niệm trừu tượng không hiện hữu để ta nhìn thấy được, nó phải được thể hiện qua ngôn ngữ, cử chỉ. Nếu có tình cảm nhưng không thể hiện ra thì có cũng như không vì người khác không cảm nhận được.
Với sự tăng trưởng thần tốc của công nghệ thông tin, internet và điện thoại di động đang đi vào cuộc sống của hầu hết mọi gia đình. Vợ chồng ngày càng ít giao tiếp với nhau mà lại nói chuyện với người ngoài qua mạng internet nhiều hơn, là hiện tượng đáng báo động về hạnh phúc gia đình. Làm thế nào để những phương tiện thông tin hiện đại của thời 4.0 không trở thành kẻ thù của hạnh phúc gia đình mà trái lại còn giúp cho nó mặn nồng hơn là một vấn đề rất đáng quan tâm.
Như mọi hiện tượng khác bao giờ cũng có 2 mặt, công nghệ giúp cho thành viên gia đình liên lạc với nhau thuận tiện hơn, nhưng mặt khác nó cũng khiến cho quan hệ vợ chồng trở nên lỏng lẻo, tạo kẽ hở cho “kẻ thứ ba” xen vào, khiến nhiều đôi vợ chồng xích mích, ghen tuông, thậm chí tan vỡ. Một khảo sát cho biết 83% số người có điện thoại di động thường dùng cho những mục đích ngoài công việc nhiều hơn và khuynh hướng trò chuyện, hẹn hò trên internet ngày càng gia tăng.
Mỗi lần tư vấn cho mọi người xong tôi lại ngồi thừ người nghĩ về hạnh phúc gia đình thời smartphone. Nó mới chỉ là một phần của thời đại 4.0 mà đã đe dọa hạnh phúc bao nhiêu gia đình đang yên ấm. Có lẽ không có gì tốt hơn là mỗi khi trở về nhà bạn nên tắt hết điện thoại, vì đây là thời gian dành cho gia đình, khép lại các mối quan hệ khác bên ngoài cánh cửa, đừng để công nghệ thông tin đẩy bạn rơi vào bi kịch. Có những người phát hiện vợ hay chồng ngoại tình qua mạng liền tăng cường giám sát quản lý nhau.
Với các phần mềm theo dõi hiện nay, nhiều vụ ngoại tình bị bắt tại “nhà nghỉ” do có cài định vị mà người kia không biết. Có người bí mật cài chip nghe lén, đọc được tin nhắn của chồng dùng làm bằng chứng tố cáo nhau, kết quả là gia đình càng thêm rạn vỡ, dẫn đến ly hôn. Cho nên giải pháp để vượt qua những tác động của công nghệ số đến hạnh phúc gia đình là chúng ta biết sử dụng nó đúng mức, biết hạn chế nó sao cho nó không choán hết thời gian trò chuyện, giao lưu tình cảm giữa các thành viên trong gia đình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận