Dự án cảng Liên Chiểu Đà Nẵng (phần kêu gọi đầu tư) có chi phí tính toán sơ bộ khoảng 48.300 tỷ đồng, gồm 8 bến container cho tàu từ 50.000 - 200.000 DWT, 6 bến hàng tổng hợp tàu từ 50.000 - 100.000 DWT và bến cho tàu pha sông biển, hậu phương cảng.
Trong tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đà Nẵng đề xuất phương án thực hiện kêu gọi đầu tư một lần cho toàn bộ khu bến cảng Liên Chiểu gồm 8 bến container và 6 bến tổng hợp cho giai đoạn đến năm 2050 (trong đó phân kỳ đầu tư đến năm 2030 là 2 bến container) với tổng diện tích 450ha, lượng hàng thông qua đạt khoảng 50 triệu tấn.
Đại dự án đang nhận được sự quan tâm của liên danh BRG – Sumitomo (Nhật Bản) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – Adani (Ấn Độ).
Tập đoàn 200 tỷ USD đến từ Ấn Độ
Tập đoàn Adani được thành lập bởi tỷ phú Gautam Adani vào những năm 1980. Ông Gautum Adani hiện là tỷ phú giàu thứ 16 thế giới với khối tài sản gần 84 tỷ USD và là người giàu thứ 2 tại Ấn Độ và châu Á.
Adani là tập đoàn hàng đầu Ấn Độ chuyên về cơ sở hạ tầng, năng lượng. Doanh nghiệp sở hữu 14 cảng biển tư nhân lớn nhất, 7 sân bay và chiếm 25% năng lực cảng biển Ấn Độ.
Ngoài thâu tóm các cảng biển và sân bay trong nước, Adani vào năm 2021 cũng đã tham gia phát triển và điều hành một cảng biển tại Colombo Port (Sri Lanka). Đầu năm 2022, Adani tiếp tục mua 70% cổ phần tại cảng Haifa của Israel với trị giá lên đến 1,15 tỷ USD.
Bên cạnh đó, công ty của tỷ phú Gautam Adani cũng là tập đoàn năng lượng lớn nhất Ấn Độ.
Tập đoàn Adani được thành lập bởi tỷ phú giàu thứ 16 thế giới Gautam Adani.
Mới đây, tỷ phú Adani đã tiết lộ kế hoạch tăng gần 8 lần công suất năng lượng tái tạo vào năm 2025. Để hiện thực hóa tham vọng trên, tập đoàn Adani cùng TotalEnergies của Pháp đã công bố khoản đầu tư 50 tỷ USD để xây dựng hệ sinh thái hydro xanh lớn nhất thế giới.
Không chỉ vậy, doanh nghiệp cũng đã công bố kế hoạch xây dựng một dự án 10 GW ở Morocco nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng của châu Âu.
Trong các năm qua, Adani vẫn tiếp tục khai thác than trong nước và mua lại các mỏ ở Australia, Bangladesh; Đồng thời, công bố kế hoạch rót 4 tỷ USD vào một tổ hợp hóa dầu.
Cuối năm 2022, CFO của Adani Group cho biết trong tương lai, tập đoàn sẽ đầu tư hơn 150 tỷ USD vào nhiều lĩnh vực như năng lượng xanh, trung tâm dữ liệu, sân bay, y tế... để trở thành doanh nghiệp có định giá 1.000 tỷ USD.
Năm 2023, doanh thu của tập đoàn đạt khoảng 33 tỷ USD, lợi nhuận 2,9 tỷ USD với 29.000 nhân viên trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, tập đoàn Adani đã hiện diện thông qua hai dự án năng lượng tái tạo tại tỉnh Ninh Thuận từ cuối năm 2021, bao gồm dự án điện mặt trời Adani Phước Minh, thông qua công ty con cùng tên dự án và dự án điện gió Phước Minh, liên doanh giữa Adani Group với TSV Investment.
Không dừng lại ở đó, tập đoàn Adani cũng đang bày tỏ quan tâm và mong muốn đầu tư lên tới 10 tỷ USD tại Việt Nam trong 10 năm tới về các lĩnh vực tiềm năng như: Vận tải biển, phát triển hệ sinh thái cảng biển, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng tái tạo gồm điện gió, điện mặt trời.
Đối với đại dự án cảng Liên Chiểu tại Đà Nẵng, tập đoàn này muốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật để có thể làm được hàng tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí và container với mức đầu tư dự kiến ban đầu là 2 tỷ USD.
Nhà đầu tư ngoại quen thuộc tại Việt Nam
Khác với Adani, tập đoàn Sumitomo đang là cái tên quen thuộc tại thị trường Việt Nam với hàng chục dự án có tổng mức đầu tư hàng tỷ USD.
Sumitomo được thành lập năm 1919, là tập đoàn đa ngành, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, năng lượng, thành phố thông minh, sản xuất linh kiện điện tử, tài chính.
Tổng tài sản của Tập đoàn Sumitomo đạt 77 tỷ USD trong năm 2023.
Sumitomo bắt đầu hoạt động ở Việt Nam từ năm 1955 với một văn phòng đại diện, đến năm 2007 trở thành Công ty Sumitomo Corporation Vietnam.
Trong mảng bất động sản, Sumitomo hiện tham gia liên doanh với tập đoàn BRG đầu tư khu đô thị thông minh phía bắc Hà Nội (4,13 tỷ USD). Tập đoàn này cũng đầu tư xây dựng 3 KCN tại Việt Nam, gồm: KCN Thăng Long (Hà Nội), KCN Thăng Long II (Hưng Yên), KCN Thăng Long III (Vĩnh Phúc) với quy mô trên 1.012 ha và tổng vốn đầu tư 404,1 triệu USD.
Bên cạnh đó, tập đoàn Sumitomo cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc thực hiện dự án KCN phía tây TP Thanh Hóa với diện tích 650 ha, tổng vốn đầu tư dự án khoảng 400 triệu USD. Dự án dự kiến sẽ được triển khai trong giai đoạn 2024-2025.
Ngoài ra, tập đoàn này còn là chủ đầu tư nhiều dự án tiêu biểu như: Siêu thị Fuji mart; tổng thầu xây dựng đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM (Bến Thành – Suối Tiên); tổng thầu xây dựng các nhà máy nhiệt điện Phả Lại, Duyên Hải 3 mở rộng, Phú Mỹ 2-2 và nhiều hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu khác…
Đối với mảng tài chính, Sumitomo cũng là đối tác 14 năm với Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam – Eximbank (thoái vốn năm 2022). Bên cạnh Eximbank, tập đoàn đến từ Nhật Bản cũng có mối quan hệ mật thiết với Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).
Năm 2021, VPBank đã bán lại 49% cổ phần FE Credit cho Sumitomo Mitsui. Tháng 10/2023, ngân hàng này tiếp tục bán 15% cổ phần cho Sumitomo Mitsui Banking Corporation. Tổng giá trị thương vụ khoảng 1,5 tỷ USD.
Về quy mô tập đoàn, tính đến năm 2023, tổng tài sản của tập đoàn đạt 77 tỷ USD, vốn chủ sở hữu gần 30 tỷ USD. Theo Forbes, doanh thu Sumitomo năm 2023 ở mức hơn 50 tỷ USD, lợi nhuận 4,5 tỷ USD.
Tính đến nay, tập đoàn này có mặt tại 65 quốc gia với gần 80.000 nhân viên trên toàn cầu. Doanh nghiệp có số lượng các công ty con và công ty liên kết là 900 đơn vị. Tập đoàn đang trực tiếp quản lý 9 KCN trên 6 quốc gia, phân phối 4 KCN tại các quốc gia lớn trên thế giới.
Thanh Thắng
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận