Không phải lần đầu
UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến người dân về Dự thảo quyết định việc sử dụng xe môtô, xe gắn máy, xe thô sơ để kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn.
Theo đó, người điều khiển các phương tiện trên để chở khách hay hàng hóa phải đăng ký với UBND phường, xã, thị trấn để xác nhận đóng dấu vào Thẻ hoạt động vận chuyển. Thẻ này do tổ chức, cá nhân tự in ấn theo mẫu.
UBND xã, phường, thị trấn được giao bố trí vị trí đón trả khách cho xe ôm và xếp dỡ hàng hóa cho xe gắn máy, xe thô sơ tham gia kinh doanh.
UBND TP Hà Nội cũng khuyến khích cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ tham gia, thành lập các tổ chức (hợp tác xã, hội nghề nghiệp) để giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong quá trình hoạt động.
Cũng theo Dự thảo, người chạy xe ôm hay chở hàng khi hoạt động phải mang theo các giấy tờ, như: giấy chứng nhận đăng ký xe, giấy phép lái xe (điều khiển xe môtô hai bánh), giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực, giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân còn hiệu lực, thẻ hoạt động vận chuyển đúng theo quy định.
Cần phải nói rằng, đây không phải lần đầu tiên UBND TP Hà Nội muốn đưa xe ôm vào khuôn khổ.
Từ cuối 2019, Sở GTVT đã từng dự thảo quy định về quản lý và sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, môtô hai bánh và các loại tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa.
Theo đó, người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe môtô hai bánh và các loại xe tương tự trên địa bàn thành phố phải mang biển hiệu (thẻ hoạt động vận chuyển) do cơ quan có thẩm quyền cấp tại vị trí ngực áo bên trái.
Những người này phải đủ 15 tuổi trở lên, có sức khỏe bảo đảm điều khiển xe an toàn; hiểu biết quy tắc giao thông đường bộ; Đăng ký với UBND phường, xã, thị trấn để được cấp biển hiệu hoạt động (thẻ hoạt động vận chuyển)...
Dự thảo cũng quy định, nếu nghỉ không hành nghề từ 30 ngày trở lên thì người vận chuyển phải gửi lại phù hiệu cho đơn vị quản lý.
Nếu mất phải có công văn báo mất có xác nhận của công an cấp xã, phường, thị trấn và báo cáo cho đơn vị quản lý biết để được hướng dẫn cấp lại biển hiệu.
Chỉ được ban hành khi người dân đồng thuận
Trao đổi với Báo Giao thông về vấn đề này, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, UBND TP Hà Nội mới đang lấy ý kiến rộng rãi, không được người dân đồng thuận sẽ không thể ban hành.
"Mục tiêu của việc cấp thẻ hành nghề với xe ôm nhằm đảm bảo trật tự ATGT, trật tự đô thị. Khi xe ôm có thẻ hành nghề, có sự nhận diện địa phương sẽ ưu tiên vị trí đón trả khách thay vì sự tuỳ tiện như hiện nay", vị này cho hay.
Cũng theo đại diện Sở GTVT Hà Nội, thị trường xe hai bánh chở khách và chở người đang phát triển rất sôi động tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành cả nước, với sự góp mặt của các hãng trong nước cũng như nước ngoài.
Với xe ôm công nghệ chở khách có Grab, Xanh, Be. Các hãng vận chuyển có GHN (Giao hàng nhanh), Giao hàng Tiết kiệm, Ahamove... Ngoài ra có lực lượng ship đồ ăn như Grabfood, Shopee Food, Go food, Befood... Đa phần các hãng đều có logo thương hiệu riêng để phân biệt và giúp người tiêu dùng nhận diện. Song, tình trạng phóng nhanh vượt ẩu, mất an toàn giao thông rất lớn. Do đó cần thiết quản lý với đội ngũ tài xế xe hai bánh.
Theo Sở GTVT Hà Nội, hiện nay, thành phố có tổng số 30 quận, huyện với 584 phường, xã, thị trấn, 839 đơn vị hành chính trực thuộc. Về phương tiện giao thông, Hà Nội hiện có 5,2 triệu xe máy, trên 1,2 triệu xe đạp, trên 11 nghìn xe đạp điện, xe máy điện (chưa kể số lượng khoảng 10-15% các phương tiện ngoại tỉnh hoạt động).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận