Đô thị

Xe ôm tập kết, hàng rong bán ngay trên đường sắt cửa viện Bạch Mai

17/02/2023, 10:22

Tình trạng mất trật tự ATGT khu vực hành lang đường sắt đoạn qua cổng Bệnh viện Bạch Mai tồn tại dai dẳng qua nhiều năm.

Phương tiện bủa vây hành lang an toàn đường sắt

Có mặt trên đường Giải Phóng (Hoàng Mai) những ngày gần đây, ghi nhận của PV Báo Giao thông, tại khu vực cổng Bệnh viện Bạch Mai, nhan nhản phương tiện dừng đỗ, người dân vô tư buôn bán bất chấp biển cấm được bố trí dày đặc.

Bên dưới cầu bộ hành sát hành lang đường sắt (cổng chính vào Bệnh viện Bạch Mai) không biết từ lúc nào đã trở thành điểm tập kết của xe ôm, hàng quán bán trà đá, đồ ăn. Phía dưới lòng đường kéo dài cả km là 2 - 3 hàng phương tiện ô tô, xe máy dừng đỗ tuỳ tiện, chiếm 1/3 lòng đường.

img

Đông đúc phương tiện án ngữ khu vực gần với hành lang đường sắt đoạn qua Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh Tạ Hải

"Hàng ngày có tới 5 - 6 nghìn người dân ở Hà Nội và các tỉnh tới khám hoặc nhập viện. Nơi đây lại gần với hai bến xe lớn là Giáp Bát, Nước Ngầm nên rất đông người, phương tiện qua lại. Xe máy, ô tô, hàng quán án ngữ bao lâu nay, có khi ngồi trên cả đường tàu... Chỉ cần gác tàu ngó lơ, một chuyến tàu đi qua có thể gây ra vụ tai nạn nghiêm trọng", cô Nguyễn Thị Tình - người dân trên tuyến đường khu vực Bệnh viện Bạch Mai tỏ ra lo ngại.

Chính đội ngũ xe ôm hành nghề tại đây cũng chia sẻ tâm lý lo ngại khi ở đây quá đông người ra - vào đứng ở cận kề với hành lang đường sắt.

"Tôi biết đứng ở trong khu vực hành lang đường sắt để chờ khách từ bệnh viện ra sẽ mất ATGT nhưng thấy nhiều người họ vậy nên mình cũng mang tâm lý xót ruột. Còn nhớ có một anh cùng làm xe ôm với tôi cách đây hơn một năm trước đã suýt mất mạng vì có đèn cảnh báo, nhân viên gác chắn nhắc nhở nhưng chưa nhìn thấy tàu vẫn cố chèo kéo khách...bỗng nhiên chiếc tàu từ xa tiến gần, may mắn anh này kịp phản ứng để chạy ra. Mọi người chứng kiến hốt hoảng", anh Vũ Văn Hưng hành nghề xe ôm ở đây 13 năm nói và đề xuất: Nếu không thể cấm hẳn, tôi nghĩ lực lượng chức năng có thể thiết lập các điểm an toàn cho phương tiện dừng đỗ theo hàng lối sẽ đảm bảo hơn".

Quan sát của PV Báo Giao thông, không chỉ dừng đỗ lộn xộn chiếm dụng lòng đường, hiện tại đây vẫn phổ biến tình trạng xe taxi xoá biển số hòng qua mặt camera phạt nguội và vô tư vi phạm giao thông. Chỉ trong khoảng 20 phút, PV chứng kiến hàng chục xe ô tô biển vàng đeo mào taxi xoá biển số sau xe.

Đơn cử như taxi của Sao Thủ Đô BKS: 29A - XXXXX, 30E - 80XXX... đã bôi đen vào biển số đến mức PV đến gần nhất cũng không thể nhận diện được biển kiểm soát.

Tại đây, nhiều người dân sau khi khám bệnh đã đi lên đường ray đường sắt tiềm ẩn nguy cơ TNGT trên tuyến đường dành riêng này.

Ông Nguyễn Đình Quyền - Trưởng Phòng Tham mưu tổng hợp Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết: Khu vực này tồn tại lâu, ở đây cực kỳ phức tạp. Thời gian qua chúng tôi đã làm việc với bệnh viện đề nghị cho taxi đón trả khách bên trong khuôn viên nhưng do trong bệnh viện quá chật, lượng người đến khám quá đông. Các vi phạm này vẫn được chúng tôi duy trì xử phạt. Từ ngày 13/2 chúng tôi đã lập chuyên đề xử lý các bất cập ở khu vực này.

img

Phổ biến hành vi taxi che biển số ở trên đường Giải Phóng, khu vực Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh Tạ Hải

Cần sự vào cuộc quyết liệt của địa phương

Trao đổi với PV Báo Giao thông, TS Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT cho biết, nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm hành lang ATGT đường sắt khu vực bệnh viện Bạch Mai tồn tại nhiều năm qua do lợi ích kinh tế thu được từ việc buôn bán kinh doanh xung quanh bệnh viện, nhu cầu của người dân và do sự thiếu quyết liệt của lực lượng chức năng, việc dẹp bỏ các hiện tượng này chỉ dừng lại ở các chương trình ra quân trong ngắn hạn mà không có sự giám sát chặt chẽ lâu dài để tránh sự tái phạm.

"Để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm thuộc về lực lượng công an CSGT, lực lượng giữ gìn trật tự của phường và bệnh viện, chưa có sự phối hợp thực sự tốt để ngăn ngừa tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt", TS Hiếu nhấn mạnh.

img

Đội ngũ xe ôm vô tư chờ đợi khách bên trong hành lang đường riêng của tàu - Ảnh Tạ Hải

PGS. TS Nguyễn Thị Thu Thuỷ - Chuyên gia giao thông đô thị cho rằng: "Hà Nội cần truy trách nhiện cho địa phương, giao họ quyết liệt xử lý, không có chuyện thường xuyên ra quân tồn tại vẫn nhan nhản".

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng VP luật sư Kết nối cho biết, Luật Đường sắt đã nghiêm cấm hành vi lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường sắt. Nghị định 123/2021/NĐ-CP cũng quy định hành vi để phương tiện, thiết bị, vật liệu, hàng hóa, chất phế thải hoặc các vật phẩm khác trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang ATGT đường sắt hoặc trong khu vực ga, đề-pô, nhà ga đường sắt sẽ bị xử phạt lên đến 3 triệu đồng đối với cá nhân và 6 triệu đồng đối với tổ chức.

Ông Nguyễn Đình Quyền - Trưởng Phòng TMTH Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết: "Để dẹp được cần sự vào cuộc quyết liệt của công an, chính quyền địa phương".

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng VP luật sư Tinh thông luật cho biết thêm, điểm b Khoản 1 Điều 10 Luật xử lý vi phạm hành chính còn quy định hành vi tái phạm được xem là tình tiết tăng nặng.

Tuy nhiên, quy định đã rõ ràng nhưng tình trạng lấn chiếm, vi phạm hành lang ATGT đường sắt vẫn tiếp diễn. Có thể dễ dàng thấy các hành vi như: tận dụng thành nơi giữ xe, đặt biển hiệu quảng cáo, để bàn ghế hàng ăn, nước uống, thậm chí còn bày bán các loại hàng rau củ, hoa quả, tạp hóa,…; Lòng đường trở thành điểm kinh doanh của các xe đẩy, hàng rong và thành nơi đậu xe của người mua hàng.

Sự thiếu thốn về cơ sở hạ tầng, thiếu quy hoạch, kết nối đồng bộ giữa đường giao thông, vỉa hè với các khu vực xung quanh; sự thiếu ý thức của cả người mua lẫn người bán; chế tài pháp luật thực sự vẫn chưa đủ sự răn đe,… là những nguyên nhân khiến tình trạng lấn chiếm vỉa hè, hành lang ATGT đường sắt vẫn diễn ra thường xuyên, gây đau đầu cho các cơ quan quản lý đô thị cũng như lực lượng chức năng.

“Thực tế, người dân đều nhận thức được hành vi của mình là sai quy định nhưng họ vẫn cố tình xem thường pháp luật. Việc kinh doanh buôn bán liên quan đến việc mưu sinh của mỗi người dân, nhưng sự việc này cần phải sớm khắc phục để tránh tình trạng gây mất ATGT”, luật sư Bình nhìn nhận.

Theo luật sư Bình, qua tìm hiểu, phía Công ty CP đường sắt Hà Thái đã nhiều lần thông báo với chính quyền địa phương cũng như báo cáo với các cơ quan chức năng để phối hợp giải quyết. Tuy nhiên, việc cưỡng chế, giải toả lại thuộc về thẩm quyền chính quyền địa phương và dù đã cưỡng chế nhưng một thời gian sau lại tiếp tục tái diễn như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

“Để ngăn chặn tình trạng trên, các lực lượng chức năng cần tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT cho người dân, tập trung ở các hộ sinh sống gần với tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng thuộc địa bàn các phường Hàng Bông, Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm), Điện Biên Phủ (quận Ba Đình) và tuyến đường sắt các phường Khâm Thiên (quận Đống Đa), Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng).

Ngoài ra, Công an các quận có đường sắt đi qua cũng cần chủ động, phối hợp với các đơn vị chức năng của TP, bố trí lực lượng, thường xuyên kiểm tra, giải tỏa, xử lý vi phạm tại các khu vực trên. Trọng tâm là việc kiểm tra, xử lý các hàng quán ven đường sắt, hạn chế phát sinh các điểm tụ tập đông người, chụp ảnh trên đường ray.

Tránh tình trạng sự việc diễn ra ngày càng phổ biến, ngoài việc xử phạt hành chính, nên bổ sung về mức hình phạt hành vi tái phạm và tiến tới truy trách nhiệm hình sự. Đồng thời tăng cường tuyên truyền về những quy định này để người dân năm được, có như vậy mới thể hiện được tính răn đe", luật sư Bình bày tỏ.

Đồng quan điểm, luật sư Hùng nói: "Bên cạnh tăng nặng mức xử phạt, các lực lượng chức năng trên địa bàn cần quyết liệt ra quân, xử phạt, lập chốt trực 24/24h. Ngoài ra, phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức ký cam kết chấp hành pháp luật về ATGT đối với các hộ gia đình các phường ven đường sắt; nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành cho nhân dân".

Trong khi đó, TS Hiếu đề xuất cần phải xử lý nghiêm thông qua việc thu giữ phương tiện, hàng hóa và giấy phép lái xe của các đối tượng vi phạm và tái phạm nhiều lần.

“Việc làm nghiêm, làm chặt và gia tăng hình thức xử phạt là cần thiết để mang tính răn đe. Công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm phải duy trì thường xuyên bởi việc chỉ làm rầm rộ trong thời gian ngắn và tại một vài điểm sẽ không đem lại lợi ích lâu dài và không nâng cao được ý thức, hình thành thói quen thượng tôn cho pháp luật trong nhân dân”, TS Hiếu nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.