Chiều 21/3 tại cuộc họp báo của Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 và phát triển kinh tế xã hội tại TP.HCM, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý Vận tải - Sở GTVT TP.HCM cho biết, đã tiếp nhận thông tin mà báo chí phản ánh việc nhiều sinh viên nữ "tố" bị sàm sỡ trên xe buýt trong những ngày qua.
Trên mỗi xe buýt đều có từ 3 - 5 camera, dữ liệu ghi được 7 ngày
Phía Sở GTVT TP.HCM cho biết, trên các chuyến xe đều dán số điện thoại đường dây nóng 098.186.0202 của Công an TP. Ngoài việc hành khách đi trên xe buýt có thể báo ngay cho tài xế, thì nhanh chóng liên lạc đến đường dây nóng phản ánh.
Ngoài ra, trên xe đều có hệ thống camera giám sát, việc phản ánh kịp thời sẽ giúp việc xử lý tình trạng quấy rối trên xe buýt được giải quyết triệt để hơn.
Trước đó, trên mạng xã hội các hội nhóm của sinh viên liên tục có những bài viết phản ánh, cảnh báo nhau về vấn nạn "biến thái trên xe buýt" gây hoang mang.
Các bài đăng đều được chia sẻ rộng rãi trên các nhóm, nhắc nhở cẩn thận khi đi trên xe buýt. Nhiều người cũng không tránh khỏi hoang mang khi các sự việc liên tiếp được đăng tải.
Hiện, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM đã đề nghị Phòng cảnh sát Công an TP.HCM có biện pháp xử lý nghiêm tình trạng quấy rối tình dục trên xe buýt.
Đồng thời Trung tâm cũng đang triển khai các giải pháp như tập huấn đến từng lái xe, nhân viên phục vụ về kỹ năng, cách xử lý khi có đối tượng sàm sỡ, quấy rối tình dục trên xe buýt.
Cũng tại cuộc họp chiều nay, liên quan đến câu hỏi thực hiện xã hội hóa vỉa hè ở TP.HCM, ông Hải cho hay hệ thống các vỉa hè đều được UBND TP giao cho các quận/huyện quản lý. Trong khi đó chưa có quy định cụ thể về quy chế, quy định hay giá thuê…
"Trước đây Sở GTVT cũng đã xây dựng kế hoạch trong việc xã hội hoá vỉa hè và gửi cho UBND TP. Như vậy tới đây sẽ có những quy định cụ thể hơn về vấn đề này", ông Hải nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận