Cuốn sách Họa Sắc Việt, một phần dự án bảo tồn và phát triển họa tiết tranh Hàng Trống theo phương thức số hóa |
“Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc”. Dù đã đi vào đời sống văn hóa truyền thống như vậy, song tranh dân gian vẫn không tránh khỏi nguy cơ mai một. S River, một tổ chức tập hợp các bạn trẻ đam mê các giá trị truyền thống đã thực hiện ý đồ táo bạo: Tập hợp, số hóa tranh Hàng Trống để bảo tồn.
Đã phai màu
Theo ông Nguyễn Đăng Chế, nghệ nhân tranh Đông Hồ, làng Đông Hồ từng có thời làm ăn vô cùng phát đạt. Trước năm 1945, mỗi dịp Tết, thuyền buôn tứ xứ đổ về kín cả bờ sông Thiên Đức. Trong làng còn có chợ phiên một năm họp 6 lần hết sức nhộn nhịp. Cả làng đều chuyên tâm vào nghề tranh. Nay, cảnh tượng ấy chẳng còn. Chợ phiên, bến thuyền bị dẹp từ những năm 1950. Người người trong làng dần bỏ nghề tranh. Theo ông Chế, hiện giờ cả xã Song Hồ hầu hết đều chuyển sang nghề làm… hàng mã, chỉ còn duy nhất 2 gia đình làm nghề tranh là gia đình ông và ông Nguyễn Hữu Sam hiu hắt giữ lửa nghề.
Đồng cảnh ngộ đó là dòng tranh Hàng Trống. Theo nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê, tranh Hàng Trống từng có thời kỳ phát triển cực thịnh. “Nhà nhà làm tranh, bán đủ mọi loại hình từ chúc tụng (Tứ quý, Thất đồng, Phúc - Lộc - Thọ) cho tới tranh thờ (Tam phủ công đồng, Tứ phủ công đồng). Tranh Hàng Trống thời xưa cùng thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ là những vật phẩm không thể thiếu trên bàn thờ dịp Tết”, ông Khuê cho biết. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn người trên phố Hàng Trống đã chuyển qua bày bán các mặt hàng thủ công mỹ nghệ khác, chỉ còn duy nhất một gia đình (số 5 Tô Tịch) bán tranh. Số nghệ nhân giảm mạnh, tới nay chỉ còn duy nhất gia đình ông Lê Đình Nghiên.
Nguyên nhân vì đâu?
Theo PGS. TS. Trương Quốc Bình, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Hội Di sản văn hóa Việt Nam, các dòng tranh dân gian đã phải chịu tác động lớn của tập quán thưởng thức văn hóa giải trí hiện tại. “Do sự thay đổi về đời sống kinh tế, văn hóa xã hội nên thị hiếu dần dần thay đổi. Hiện giờ thú chơi tranh, sử dụng tranh dân gian không còn phổ biến. Nói gọn là cầu không còn thì cung cũng chịu ảnh hưởng theo. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm với số lượng lớn để duy trì họat động của các làng nghề không được như trước”.
Ngoài ra, ông Bình cũng chỉ ra nguồn cung giấy dó, nguyên liệu quan trọng của nghề làm tranh đang thu hẹp dần. Trước đây, ở Yên Thế (Làng Bưởi, Tây Hồ) vẫn sản xuất loại giấy này, nay chẳng còn mấy người. Ở Bắc Ninh, cả làng tranh Đông Hồ trông chờ vào một vài cơ sở ở làng Đông Cao, Thuận Thành. Hay như mộc bản, một thành phần cũng hết sức quan trọng thì theo nhà sưu tập tranh dân gian Nguyễn Thị Thu Hòa: “Phần lớn mộc bản hiện đã thất lạc hoặc không còn bảo quản được trong quá trình người dân chuyển đổi sản xuất. Trong khi đó, số lượng người khắc được mộc bản để làm tranh không còn nhiều như trước”.
Nếu tranh dân gian được nâng tầm di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc tế, mọi chuyện sẽ có thể thay đổi. Song việc này nếu muốn phải chờ tới năm… 2020. Theo quy định mới nhất, mỗi năm UNESCO chỉ xét duyệt 1 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể cho mỗi quốc gia. Tính tới năm nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã “đặt gạch xếp hàng” cho 3 loại hình là “Nghệ thuật Bài chòi miền Trung”, “Nghi lễ cúng Then của người Tày, Nùng và Thái”, “Nghệ thuật múa xoè Thái”. Theo đó, nghề tranh dân gian ở Đông Hồ, Hàng Trống phải đợi ít nhất 3 năm nữa mới tới lượt.
Số hóa để bảo tồn
Không chờ đợi lâu hơn, vừa qua S River, một tổ chức tập hợp các bạn trẻ đam mê các giá trị truyền thống đã thực hiện ý đồ táo bạo: Tập hợp, số hóa tranh Hàng Trống để bảo tồn.
Bạn Trịnh Hồng Vân, phụ trách truyền thông nhóm S River cho hay: “Nhóm đã nghiên cứu rất nhiều nguồn khác nhau, từ tài liệu sách vở cho tới các chuyên gia, nhà sưu tầm và các nghệ nhân tranh dân gian với số lượng tác phẩm lớn. Các họa tiết thu được sẽ được xử lý bằng phần mềm máy tính, số hóa thành bảng mã màu, file vector”.
Việc làm này có ý nghĩa vô cùng lớn. Trước hết, những họa tiết tranh Hàng Trống cổ sẽ được lưu trữ trên môi trường số hóa một cách toàn diện và đảm bảo chính xác so với đời thực. Nguy cơ hư hại, mai một bởi tác động vật lý như bảo quản tranh ngoài đời thực sẽ không còn. Song quan trọng hơn, theo bạn Trịnh Hồng Vân: “Cái hay của việc làm này ở chỗ các hoa văn tranh Hàng Trống sẽ có điều kiện ứng dụng vào các lĩnh vực thiết kế thời trang, đồ họa, nội thất, thủ công mỹ nghệ”. Đây là sự bổ sung vô cùng quan trọng cho nguồn tư liệu thiết kế truyền thống vốn ít ỏi hiện nay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận