Thị trường

Số phận 12 đại dự án thua lỗ ngành công thương giờ ra sao?

20/12/2023, 14:05

Đến nay, 8 dự án thua lỗ của ngành công thương đã có phương án xử lý. Một số đơn vị đã có lãi, giảm lỗ lũy kế.

Tổng doanh thu 19 tập đoàn, tổng công ty đạt hơn 1,13 triệu tỷ đồng

Ngày 20/12, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổng kết công tác năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024.

Theo báo cáo của cơ quan này, tổng doanh thu công ty mẹ của 19 tập đoàn, tổng công ty đạt hơn 1,13 triệu tỷ đồng, bằng 105,15% kế hoạch năm 2023. Lợi nhuận trước thuế đạt 53.256 tỷ đồng (không tính EVN), bằng 166,09% kế hoạch năm 2023. Số tiền nộp ngân sách nhà nước đạt 79.252 tỷ đồng, bằng 199,96% kế hoạch năm 2023.

Về doanh thu, có 14/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch.

Có 15/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế. Trong số các đơn vị không hoàn thành có VRG, VNA...

Số phận 12 đại dự án thua lỗ ngành công thương giờ ra sao? - Ảnh 1.

Sau nhiều năm "chết lâm sàng", Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) đã phục hồi, sản xuất kinh doanh bình thường, có khả năng cạnh tranh.

Về nộp ngân sách nhà nước, có 17 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch. Hai đơn vị không hoàn thành là Mobifone, Vinafood1.

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động năm nay của Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Điển hình là một số tập đoàn, tổng công ty chưa đạt chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đã giao. Một số dự án đầu tư còn chậm tiến độ triển khai và giải ngân, công tác thanh quyết toán các dự án xây dựng cơ bản kéo dài làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Việc tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp lại nhà, đất tại các tập đoàn, tổng công ty nhìn chung còn chậm so với yêu cầu đề ra. Vẫn còn tồn tại vướng mắc, khó khăn trong sắp xếp lại, xử lý nhà, đất như quy hoạch đất tại địa phương, hồ sơ giấy tờ, tranh chấp quyền sử dụng đất.

Để tháo gỡ khó khăn cho 19 tập đoàn, tổng công ty, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, năm qua, đơn vị đã xem xét, thẩm định phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ của một số tập đoàn, tổng công ty.

Theo đó, Uỷ ban đã đề nghị Bộ Tài chính có ý kiến hướng dẫn liên quan đến phương án tăng vốn điều lệ đến hết năm 2025 của Công ty mẹ PVN; tham gia ý kiến về phê duyệt mức vốn điều lệ của Công ty mẹ EVN đến hết năm 2021; xem xét và thẩm định hồ sơ về việc tăng vốn điều lệ từ nguồn thặng dư vốn cổ phần của Petrolimex; chỉ đạo VRG xây dựng phương án thông qua việc tăng vốn điều lệ của các công ty 100% vốn.

Bên cạnh đó, Ủy ban sẽ đề nghị Bộ Tài chính cho ý kiến về việc thay đổi phương án chào bán cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ của Công ty VNPT EPAY; báo cáo Thủ tướng, Phó thủ tướng Lê Minh Khái về phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2021-2025 của Công ty mẹ TKV, tăng vốn điều lệ tại Petrolimex bằng nguồn thặng dư vốn cổ phần, phê duyệt điều chỉnh vốn điều lệ của SCIC; chỉ đạo PVN hoàn thiện phương án tăng vốn điều lệ của công ty mẹ PVN...

Nhiều dự án thua lỗ đã bắt đầu có lãi

Báo cáo cũng chỉ ra kết quả hoạt động của 12 đại dự án thua lỗ ngành công thương trong những năm qua.

Theo đó, có 8 dự án, doanh nghiệp đã được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương, định hướng xử lý cụ thể. Sau khi có phương án xử lý, một số dự án, doanh nghiệp đã có lãi, giảm lỗ lũy kế, đã đóng góp cho ngân sách Nhà nước, giảm dư nợ trung hạn và dài hạn của các dự án/doanh nghiệp, bảo đảm duy trì việc làm, đời sống cho hàng nghìn lao động, góp phần ổn định chính trị - xã hội tại địa phương.

Chia sẻ về quá trình xử lý những dự án này, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho hay, các dự án này đã qua nhiều đời chính sách nên việc xử lý cần tránh những “vết xe” vướng mắc trước đây.

“Mỗi dự án cụ thể đòi hỏi giải pháp xử lý phức tạp. Ví dụ với dự án gang thép Thái Nguyên, Uỷ ban cùng tổng công ty đàm phán với nhà thầu Trung Quốc về điều kiện, khả năng xử lý”, ông Hùng nói.

Riêng với việc xử lý khó khăn của Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS), theo ông Hùng, Ủy ban phối hợp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam rà soát tài sản, chi phí tài chính đưa vào chi phí đầu tư, không đưa vào chi phí sản xuất kinh doanh. Từ đó, có hình thức phù hợp, tạo điều kiện cho DQS phục hồi, sản xuất kinh doanh bình thường, có khả năng cạnh tranh.

Điểm qua một số dự án giảm lỗ, có lãi, ông Hùng cho biết, nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 - Hải Phòng của Công ty Cổ phần DAP - Vinachem từ năm 2017 đến nay sản xuất ổn định, hàng năm có lãi và hết lỗ lũy kế từ tháng 1/2022. Dự án sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ - PVN có nhiều chuyển biến tích cực như: duy trì vận hành sản xuất khai thác tối đa, hiệu quả 27 dây chuyền sợi DTY, doanh thu bù đắp được chi phí biến đổi và có lợi nhuận trước định phí.

Các dự án, doanh nghiệp sản xuất phân bón (dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất phân đạm Hà Bắc; Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình và Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai ) duy trì sản xuất kinh doanh, từng bước nâng công suất chạy máy bình quân so với công suất thiết kế. Dù còn lỗ lũy kế nhưng từ năm 2021 đến nay, do thị trường thuận lợi (giá phân bón cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây), 3 dự án, doanh nghiệp này ước lãi 2.632 tỷ đồng vào năm 2022.

Hiện còn 3 dự án, doanh nghiệp còn lại (không tính phương án xử lý dự án nhà máy bột giấy Phương Nam do Bộ Công thương thực hiện) giao Ủy ban chỉ đạo việc xây dựng phương án xử lý gồm Tisco 2, VTM, DQS. Theo ông Hùng, đến nay, Ủy ban đã hoàn thiện phương án và tới đây sẽ trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được giao làm đại diện chủ sở hữu đối với 19 tập đoàn, tổng công ty hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 16 ngành kinh tế - kỹ thuật, bao gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1), Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước.

Ủy ban cũng giữ vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.