Thị trường

"Soán ngôi" điện than, điện khí LNG liệu có gánh nổi hệ thống?

18/09/2024, 13:15

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được yêu cầu thực hiện theo hướng chuyển điện nền từ điện than sang điện khí, thế nhưng, vẫn còn nhiều vướng mắc từ nguồn điện này, gây nguy cơ thiếu hụt công suất nguồn điện rất lớn trong giai đoạn 2026-2030.

Nhiệt điện than được xem là nguồn điện nền "gánh" cả hệ thống điện khi vẫn chiếm khoảng 50% sản lượng toàn hệ thống. Song, hiện các dự án điện than không nhận được sự đồng thuận của các địa phương cũng như các tổ chức tín dụng do vấn đề môi trường… Vì thế, nguồn điện than mới có tính khả thi không cao.

Trước bối cảnh này, thường trực Chính phủ đề nghị Bộ Công thương khẩn trương rà soát tổng thể các nguồn điện trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII theo hướng chuyển điện nền từ điện than sang điện khí, để đáp ứng tăng trưởng điện đạt từ 12-15%/năm.

"Soán ngôi" điện than, điện khí LNG liệu có gánh nổi hệ thống?- Ảnh 1.

Điện khí được xem là nguồn điện nền thay cho vai trò của điện than trong tương lai (ảnh minh họa).

Chỉ một dự án điện khí hoàn thành

Theo Quy hoạch điện VIII, tổng quy mô công suất các dự án nhà máy điện khí được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành đến năm 2030 là 30.424 MW (23 dự án), trong đó: tổng công suất nhà máy điện khí sử dụng khí khai thác trong nước là 7.900 MW (10 dự án), tổng công suất nhà máy điện khí sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) là 22.524 MW (13 dự án).

Thế nhưng, báo cáo về tiến độ các dự án, Bộ Công thương cho biết, hàng loạt dự án điện khí nguy cơ chậm tiến độ.

Cụ thể, với các dự án sử dụng khí trong nước thuộc chuỗi dự án khí điện Lô B, gồm: Nhà máy nhiệt điện Ô Môn I đã vận hành từ 2015, sẽ chuyển đổi sang đốt khí sau khi có khí Lô B. Ô Môn IV đang thực hiện các thủ tục để lựa chọn nhà thầu EPC và đàm phán PPA; Ô Môn III đang được Bộ KHĐT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án vốn vốn vay ODA của Nhật Bản; Ô Môn II đang đàm phán các hợp đồng thương mại PPA, GSA.

Các nhà máy điện khí thuộc chuỗi dự án khí điện Cá Voi Xanh, gồm: Miền Trung I và II và Dung Quất I, II, III chưa phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) do phụ thuộc tiến độ dự án mỏ khí Cá Voi Xanh.

"Soán ngôi" điện than, điện khí LNG liệu có gánh nổi hệ thống?- Ảnh 2.

Cơ cấu công suất nguồn điện toàn hệ thống điện Việt Nam. Ảnh: EVN.

Còn nhà máy điện khí Quảng Trị sử dụng khí mỏ Báo Vàng thì hiện chưa rõ tiến độ dự án mỏ khí Báo Vàng.

Với các dự án điện sử dụng LNG, hiện mới chỉ có một dự án đang xây dựng là Nhơn Trạch 3&4, công suất 1.624 MW, sử dụng LNG từ kho cảng LNG Thị Vải. Tiến độ tổng thể của dự án đạt khoảng 92%. Dự kiến, vận hành thương mại vào tháng 5/2025.

Các dự án điện LNG đã lựa chọn nhà đầu tư và đang triển khai các bước chuẩn bị đầu tư, đàm phán hợp đồng, thỏa thuận (PPA, GSA...), gồm: Hiệp Phước giai đoạn 1; Bạc Liêu; Long An I; Hải Lăng giai đoạn 1; Quảng Trạch II, Quảng Ninh; Thái Bình, BOT Sơn Mỹ I, BOT Sơn Mỹ II.

Ba dự án vẫn chưa lựa chọn nhà đầu tư là Cà Ná, Nghi Sơn, Quỳnh Lập với tổng công suất 4.500 MW.

Bộ Công thương cho rằng, ngoại trừ dự án Nhơn Trạch 3&4 dự kiến vận hành vào tháng 5/2025, khả năng các dự án còn lại hoàn thành trước 2030 là khó khăn nếu không có những giải pháp căn cơ, tháo gỡ những nút thắt quan trọng cho phát triển điện khí, LNG...

Hầu hết chủ đầu tư đều vướng mắc trong thu xếp vốn vay 

Nguyên nhân của tình trạng trên, theo Bộ Công thương, có khó khăn liên quan đến địa phương. Như là, một số tỉnh chưa lựa chọn được nhà đầu tư (Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Thuận) do còn chậm trễ trong phê duyệt chủ trương đầu tư, thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Khó khăn trong giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch cục bộ, công tác bàn giao đất, cho thuê đất đối với dự án nguồn và tuyến đường dây đấu nối đồng bộ để giải tỏa công suất cho các dự án.

Bên cạnh đó, còn khó khăn do chưa rõ chủ đầu tư các đường dây đấu nối đồng bộ. Hiện, trong quy hoạch và kế hoạch thực hiện quy hoạch, một số đường dây đấu nối đồng bộ để giải tỏa công suất cho các dự án nhà máy điện lớn chưa được giao chủ đầu tư, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các dự án đường dây và việc đàm phán các thỏa thuận đấu nối giải tỏa công suất cho một số dự án điện khí.

Ngoài ra, còn các vướng mắc liên quan đến chủ đầu tư. Hiện các chủ đầu tư đã được giao dự án đều gặp khó khăn, vướng mắc trong thu xếp vốn vay do phải đáp ứng các yêu cầu của tổ chức tín dụng (trừ dự án Nhơn Trạch 3&4, đang sử dụng hợp đồng PPA của dự án để đi thu xếp toàn bộ vốn vay cho dự án). 

"Soán ngôi" điện than, điện khí LNG liệu có gánh nổi hệ thống?- Ảnh 3.

Dự án Nhơn Trạch 3&4 dự kiến vận hành vào tháng 5/2025 (ảnh minh họa).

Đến nay, vẫn chưa có dự án điện khí nào hoàn thành việc đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN do còn một số vướng mắc như: liên quan đến sản lượng QC dài hạn ổn định hoặc chuyển ngang cam kết sản lượng mua khí từ hợp đồng mua khí sang hợp đồng mua điện; và vấn đề chuyển ngang giá khí sang giá điện. 

Theo báo cáo của EVN, các quy định pháp luật hiện hành không cho phép EVN cam kết/huy động sản lượng cố định từ các dự án điện khí do phải đảm bảo tính cạnh tranh, bình đẳng giữa các nhà máy điện tham gia thị trường điện; mặt khác, việc cam kết huy động sản lượng điện từ các nhà máy điện khí LNG sẽ tiếp tục làm tăng lỗ của EVN do hiện nay giá thành sản xuất điện từ LNG cao hơn đáng kể so với giá bán điện bình quân của EVN cho các hộ tiêu thụ.

Chưa kể, các chủ đầu tư nước ngoài còn yêu cầu thêm bảo lãnh của Chính phủ như: bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh thanh toán và bảo lãnh chấm dứt hợp đồng của EVN, bảo lãnh rủi ro tiến độ đường dây truyền tải điện...

Bộ Công thương cho rằng, với những vướng mắc hiện nay, rất có thể hệ thống điện sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt công suất nguồn điện rất lớn trong giai đoạn 2026-2030, tiềm ẩn rủi ro mất an ninh cung ứng điện.

Để có thể sớm triển khai các dự án điện khí theo Quy hoạch điện VIII, Bộ này kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công thương xây dựng Nghị quyết của Quốc hội quy định cơ chế phát triển dự án điện khí (làm cơ sở cho chủ đầu tư, EVN ký kết hợp đồng PPA và thu xếp vốn thực hiện và đưa dự án vào vận hành, đảm bảo hiệu quả đầu tư) để trình cấp thẩm quyền xem xét, ban hành.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.