Ngày 28/5, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng ký báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc quản lý, cấp phép khai thác cát biển tỉnh Sóc Trăng phục vụ các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội.
Theo đó, chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng xác định 21 dự án kèm theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 là các dự án quan trọng, trọng điểm của quốc gia. Việc triển khai các dự án có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Tuy nhiên, nhằm đảm bảo về cơ sở pháp lý, UBND tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao thẩm quyền cho UBND tỉnh Sóc Trăng hoặc chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) có văn bản ủy quyền cho tỉnh Sóc Trăng được cấp phép khai thác cát biển đối với khu vực B1 đã được Bộ TN&MT đánh giá.
Cùng với đó, chỉ đạo Bộ TN&MT sớm giao khu vực biển cho nhà thầu được khai thác khoáng sản (cát biển) theo cơ chế đặc thù theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng, trong quá trình triển khai thực hiện và qua rà soát về cơ sở pháp lý liên quan đến khai thác cát biển phục vụ các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị trọng điểm quốc gia, tỉnh Sóc Trăng còn gặp một số khó khăn, vướng mắc và chưa thể triển khai thực hiện.
Về áp dụng cơ chế đặc thù, Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội quy định chỉ có hiệu lực trong hai năm (2022 và 2023).
Trong khi đó, Nghị quyết số 106 của Quốc hội không đề cập cơ chế đặc thù đối với cát biển.
Cụ thể, tại khoản 3 Điều 4 Nghị quyết số 106 của Quốc hội thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ quy định: "UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện thực tế để xem xét, hướng dẫn nhà thầu thi công quy định tại khoản 1 Điều này tự lập đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông đối với mỏ cát, sỏi lòng sông nằm ở đoạn sông, suối có nguy cơ sạt lở cao bảo đảm tuân thủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Nhà thầu thi công chịu trách nhiệm đối với kết quả đánh giá".
"Theo hồ sơ, tài liệu, bản đồ liên quan đến kết quả đánh giá tài nguyên cát biển khu B1 tỉnh Sóc Trăng do Bộ TN&MT bàn giao cho tỉnh Sóc Trăng, khu B1 tỉnh Sóc Trăng có diện tích chồng lấn với tỉnh Trà Vinh.
Tuy nhiên, hiện nay ranh giới hành chính trên biển đối với các địa phương có biển chưa được cấp có thẩm quyền ban hành và công bố, nên chưa thể xác định cụ thể diện tích nào thuộc tỉnh Sóc Trăng và diện tích nào thuộc tỉnh Trà Vinh", Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nêu khó khăn.
Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, các mỏ cát biển trong khu B1 tỉnh Sóc Trăng (do Bộ TN&MT đánh giá và bàn giao cho tỉnh) nằm ngoài phạm vi vùng biển 6 hải lý (không thuộc thẩm quyền quản lý và cấp phép của tỉnh).
"Hơn nữa, hiện nay chưa có văn bản của cơ quan có thẩm quyền giao hoặc ủy quyền cho UBND tỉnh Sóc Trăng cấp phép khai thác cát biển tại khu vực biển nằm ngoài phạm vi vùng biển 6 hải lý", Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng lý giải thêm.
Theo Bộ TN&MT, đến nay, dự án đã hoàn thành báo cáo kết quả đánh giá tài nguyên cát biển khu B1 tỉnh Sóc Trăng. Cụ thể, khoanh định được thân khoáng cát biển có diện tích 160,3km2. Tài nguyên khoáng sản cát biển làm vật liệu san lấp đạt 680 triệu m3, phân bố tại khu vực biển độ sâu 2-5m, cách bờ (cửa Định An tính đến biển gần nhất) 20km, có điều kiện khai thác khả thi. Độ sâu khai thác từ 3-4m.
Kết quả đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển khu B1 (thuộc khu vực ven bờ huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) cũng cho thấy, phương pháp và thiết bị khai thác cát bằng cách sử dụng tàu xén thổi tự hành công suất nhỏ hơn hoặc bằng 100.000 m3/ngày.
Chiều sâu hút cát thấp hơn 10m, hút cát đổ lên sà lan và vận chuyển vào bờ theo tuyến luồng Định An. Sau đó, vận chuyển bằng sà lan tải trọng 2.000-3.000m3 vào khu vực tập kết.
"Tổng lượng cát khai thác 100 triệu m3, công suất khai thác khoảng 30.000-50.000 m3/ngày. Thời gian khai thác liên tục trong 10 ngày và phù hợp nhất từ tháng 3 đến tháng 8 hằng năm", báo cáo kết quả đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển khu B1 nêu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận