Các đơn vị xây dựng giao thông Nghệ An đầu tư ứng dụng nhiều công nghệ thi công mới sau giai đoạn cải tổ doanh nghiệp |
22 năm giữ chức Chủ tịch Công đoàn ngành GTVT Nghệ An (giờ đã nghỉ chế độ), ông Đinh Văn Ngư luôn sát cánh cùng người lao động vượt qua những thời điểm tưởng chừng khó khăn nhất - thời kỳ đầu cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước của Nghệ An.
Công đoàn trước ngưỡng cửa giao thời
Ông Ngư kể, bắt đầu tham gia hoạt động công đoàn từ năm 1988, đến năm 1991 được các tổ chức công đoàn tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Công đoàn ngành GTVT Nghệ An từ năm 1991 - 2010. Khoảng thời gian này, mô hình hoạt động của các doanh nghiệp có nhiều thay đổi, buộc các tổ chức công đoàn phải có điều chỉnh phù hợp.
Trước năm 1990, Công đoàn là tổ chức được đặc biệt coi trọng trong hệ thống các doanh nghiệp quốc doanh. Thời bấy giờ, tuy số thành viên trực thuộc tổ chức Công đoàn mới chỉ có 15 đơn vị, nhưng với cách hoạt động tập trung, nêu cao vai trò tập thể của mô hình doanh nghiệp Nhà nước, vị thế, vai trò của Công đoàn rất lớn.
Đến nay, Công đoàn ngành GTVT Nghệ An đã có 24 đơn vị thành viên, với gần 3.600 đoàn viên, người lao động. Trong tổ chức công đoàn ngành có 21 đơn vị thành viên là DNTN, công ty cổ phần. |
“Có thể nói, đây là thời kỳ thuận lợi nhất của tổ chức Công đoàn. Công đoàn được tham gia sâu vào hoạt động của doanh nghiệp: Từ sắp xếp tổ chức cán bộ, bố trí lao động, việc làm cho công nhân. Tham gia xây dựng kế hoạch hàng năm, tổ chức sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, cho đến việc tham gia xây dựng nội quy, quy chế đơn vị, chế độ khen thưởng, kỷ luật… Mô hình tổ chức hoạt động Công đoàn cũng được nhất quán ở tất cả các cấp. Giữa Công đoàn cấp trên và Công đoàn cơ sở và bản thân mỗi người lao động hầu như không có khoảng cách”, ông Ngư cho biết.
Thế nhưng, tới giai đoạn từ năm 1991 - 1998, kinh tế tập trung quan liêu bao cấp không còn phát huy hiệu quả, hàng loạt các doanh nghiệp Nhà nước rơi vào cảnh làm ăn thua lỗ. Lúc này, Đảng quyết tâm thực hiện công cuộc đổi mới, mở rộng thành phần kinh tế. Từ thời điểm đó mô hình doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp ngoài quốc doanh (DN tư nhân) ra đời. Cùng đó là những thách thức không hề nhỏ đối với hoạt động của các tổ chức Công đoàn.
Từ “bảo lãnh” người lao động vay tiền mua cổ phần
Ông Ngư cho hay, năm 1998, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Nghệ An tiến hành cổ phần hóa (CPH) hai đơn vị đầu tiên của ngành GTVT là Công ty Vận tải hành khách Nghệ An và Nhà máy Sửa chữa ô tô Nghệ An. Lúc bấy giờ, khái niệm doanh nghiệp cổ phần là thứ còn quá xa lạ đối với tất cả người lao động. Hàng loạt các vấn đề đặt ra từ việc kiếm tiền mua cổ phần cho người lao động, giải quyết chế độ lao động dôi dư, cho đến ổn định tinh thần, vực lại khí thế lao động sản xuất…
Lúc này, Công đoàn ngành GTVT nghệ An cùng các tổ chức công đoàn cơ sở đã đứng ra bảo vệ lợi quyền người lao động. “Khó nhất khi CPH là làm sao để người lao động có tiền mua cổ phần của doanh nghiệp. Đa phần công nhân trong chế độ bao cấp đều nghèo, không có tiền tích lũy, giá trị cổ phiếu lại cao. Muốn có tiền mua cách duy nhất là vay ngân hàng”, ông Ngư cho hay.
Hiểu được vấn đề này, Công đoàn đã vận động chính các doanh nghiệp thực hiện CPH sát cánh cùng công đoàn cơ sở, đứng ra bảo lãnh cho công nhân được vay tiền mua cổ phần. Cùng đó, Công đoàn ngành cũng tổ chức nhiều buổi làm việc với doanh nghiệp để sắp xếp việc làm, hỗ trợ chế độ chính sách với đội ngũ lao động dôi dư, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng mỗi người, từ đó có những phương pháp động viên, khích lệ tinh thần đảm bảo “người về yên tâm, người ở lại hăng hái” tiếp tục đóng góp.
Chỉ sau hai năm CPH, cả hai đơn vị thực hiện CPH đều làm ăn có lãi, đời sống người lao động không ngừng nâng cao. 4 năm sau, hàng loạt doanh nghiệp xây dựng cầu, đường, duy tu tiếp bước tiến hành CPH chuyển đổi mô hình hoạt động. Năm 2005, quá trình CPH doanh nghiệp ngành GTVT Nghệ An kết thúc thắng lợi.
Đến giữ vai trò chủ đạo trong doanh nghiệp tư nhân
Cũng trong khoảng thời gian này, ở Nghệ An bắt đầu manh nha xuất hiện mô hình doanh nghiệp tư nhân làm GTVT dưới hình thức các công ty cổ phần thuộc sở hữu tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn. Các mô hình này hoàn toàn khác với doanh nghiệp Nhà nước chuyển đổi mô hình sang CPH. Ở các doanh nghiệp này, vai trò tổ chức công đoàn gần như là con số “0”.
“Các ông chủ tư nhân nhiều khi đặt lợi ích doanh nghiệp lên trên quyền lợi người lao động. Họ không quan tâm tới chế độ chính sách cho người lao động, không tạo điều kiện cho tổ chức Công đoàn hoạt động (vấn đề đặt ra đối với không chỉ riêng Nghệ An mà còn là của cả nước).
Trong bối cảnh ấy, Công đoàn GTVT Nghệ An đã có nhiều giải pháp cấp bách, vừa để khẳng định vị trí vai trò của tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp, vừa hóa giải mâu thuẫn giữa lợi ích doanh nghiệp và lợi ích người lao động.
Các năm 2000, 2002, Công đoàn ngành GTVT Nghệ An đã đứng ra tổ chức nhiều hội thảo tìm hướng xây dựng mô hình tổ chức Công đoàn tại doanh nghiệp tư nhân. Các cuộc hội thảo, hội nghị này luôn có sự góp mặt của đông đảo tổ chức Công đoàn đại diện người lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh và các “ông chủ” tư nhân. Thông qua các buổi gặp gỡ, làm việc, các bên liên quan thẳng thắn nêu ra khó khăn trong quá trình đổi mới, đặc biệt chủ doanh nghiệp có cơ hội thể hiện rõ quan điểm liên quan đến việc xây dựng, phát triển tổ chức Công đoàn tại doanh nghiệp… Cuối cùng, Công đoàn và doanh nghiệp đã tìm được tiếng nói chung. Một bản quy chế phối hợp giữa Công đoàn ngành và doanh nghiệp được ký kết. Đây chính là “sợi dây” ràng buộc trách nhiệm giữa doanh nghiệp với tổ chức công đoàn.
Trong đó, có các điều khoản như: Doanh nghiệp cam kết tổ chức hội nghị người lao động định kỳ mỗi năm một lần; Hỗ trợ thành lập và duy trì tổ chức Công đoàn cơ sở; Ký hợp đồng lao động đối với tất cả người lao động… Ở chiều ngược lại, người lao động phải cam kết thực hiện các nội quy, quy chế làm việc được Công đoàn và doanh nghiệp thống nhất. Hàng năm, Ban chấp hành Công đoàn ngành mời đại diện Thanh tra lao động của Sở LĐ,TB&XH cùng tham gia kiểm tra việc thực hiện tại từng doanh nghiệp. Doanh nghiệp thực hiện tốt sẽ được khen thưởng, doanh nghiệp thực hiện không đầy đủ hoặc cố tình không thực hiện sẽ bị Thanh tra Sở LĐ,TB&XH phạt theo Luật Doanh nghiệp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận