Thị trường

Sôi động thị trường Tết với đặc sản vùng miền

03/02/2021, 06:39

Những sản phẩm “độc”, lạ của nhiều vùng miền có mặt tại các hệ thống siêu thị lớn, góp phần giúp thị trường Tết Tân Sửu 2021 thêm sôi động.

img

Hệ thống siêu thị Big C lần đầu tiên trưng bày quầy “đặc sản vùng miền”, giúp doanh số giỏ quà Tết tăng 150% so với năm ngoái.

Ngoài những đặc sản như gà Đông Tảo, lợn nít được “săn lùng” thì những sản phẩm “độc”, lạ của từng vùng miền cũng đồng loạt có mặt tại các hệ thống siêu thị lớn, góp phần giúp thị trường Tết Tân Sửu 2021 thêm sôi động.

Gà Đông Tảo, lợn nít chưa Tết đã “cháy hàng”

Ông Đỗ Văn Doanh (Khoái Châu, Hưng Yên), chủ một trang trại gà Đông Tảo cho biết, dù chưa đến Tết nhưng ông đã bán hết đàn gà 100 con từ đầu tháng 1. Cả tuần nay khách đặt hàng rất nhiều nhưng “đành chịu chết vì các nhà khác trong làng cũng không còn gà bán”.

Trái ngược với những năm trước ế ẩm, không ai mua thì năm nay gà Đông Tảo “cháy hàng” dù nhiều hộ nuôi đã tăng đàn. Ông Doanh cho biết, một trong những nguyên nhân là năm nay, nhiều người có xu hướng chọn quà biếu độc đáo, đồ ăn Tết khác lạ. Hơn nữa, với mức giá 1,2-1,5 triệu đồng/con khoảng 3-4 kg thì gà Đông Tảo “ăn đứt” những món quà khác cùng giá trị.

Theo ông Doanh, dù có giá trị kinh tế nhưng việc nuôi gà Đông Tảo không phải dễ nên từ xưa đến nay, loại gà này vẫn giữ được thương hiệu “đệ nhất gà tiến vua”.

Để có được những con gà chất lượng, chủ trang trại phải đầu tư nhiều thời gian và công sức từ việc tiêm phòng đầy đủ vaccine, đầu tư cơ sở hạ tầng bài bản, không được dùng thức ăn công nghiệp, mùa đông thắp thêm bóng đèn hoặc đốt thêm rơm để sưởi ấm cho gà...

Ông Doanh ước tính, trừ chi phí, vụ gà này ông Doanh lãi hơn 100 triệu đồng, nếu còn hàng ông phải bán được hơn 50 con nữa. Song, ông Doanh vẫn giữ quan điểm không nuôi ồ ạt, làm mất thị trường những năm sau.

Bên cạnh gà Đông Tảo, lợn nít cũng “hót” không kém khi chưa đến Tết lượng mua đã tăng cao bởi nhiều người thường “săn” loại lợn này để “ăn đụng” ngày Tết theo phong tục truyền thống của nhiều địa phương.

Ông Nguyễn Văn Chín, một thương lái ở Diễn Châu, Nghệ An cho biết, loại lợn nít thường được nuôi ở khu vực đồi núi đang được nhiều người ưa chuộng dù giá không hề rẻ nên cung không đủ cầu những ngày Tết.

Loại lợn này nuôi thả rông ở khu vực rộng, vận động nhiều, không cho ăn tăng trọng nên thịt chắc, thơm ngon. Đặc biệt, số cân chỉ khoảng 20-30kg nên làm thịt dễ dàng, thay cho những con lợn hơi hàng tạ như trước đây. Do đó, phù hợp với phong tục giải đen ngày Tết của nhiều địa phương ở Nghệ An.

“Tôi đã đặt gần 100 con lợn cho khách, với giá 130-150 nghìn đồng/kg, thấp hơn năm ngoái khoảng 10 nghìn đồng/kg.Tuy nhiên, năm nay lượng mua nhiều hơn hẳn. Phần lớn do năm ngoái nhiều người đang lo dịch không tính gì Tết nên năm nay “ăn bù”. Cũng có khách đặt làm thịt để mang đi thành phố làm quà”, ông Chín nói.

Siêu thị lớn kích cầu nông sản vùng miền

img

Tết Tân Sửu 2021, loại gà Đông Tảo này “cháy hàng”

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, ngoài những đặc sản quý tương truyền được “săn lùng”, nhiều đặc sản vùng miền lần đầu tiên được “hội ngộ” tại các hệ thống siêu thị lớn với các chương trình thúc đẩy tiêu thụ nông sản đặc sản địa phương.

Tại siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội), các sản phẩm OCOP (sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp... tiêu biểu ở mỗi địa phương được đánh giá theo các tiêu chí) lần đầu tiên được trang hoàng một khu riêng, bắt mắt ngay tại khu vực cửa ra vào để khách hàng dễ dàng lựa chọn đặc sản các vùng miền.

Tại đây, các loại sản phầm gồm trà, hạt điều, hoa quả, nước mắm, măng khô, thịt trâu gác bếp, thịt bò khô, đồ uống, các sản phẩm từ cây thảo dược, nông sản tươi hoặc chế biến… đến từ nhiều địa phương khác nhau, với mức giá từ 50-500 nghìn đồng/sản phẩm.

Chọn một giỏ hàng gồm trà Thái Nguyên, hạt Mắc ca Đắk Lắk, hạt điều, trà thải độc gan, chị Mai Cẩm Vân (Cầu Giấy, Hà Nội), một khách hàng cho biết, từ khi nhìn thấy quầy kệ OCOP này trong siêu thị, chị chỉ chọn những sản phẩm ở đây thay vì thường ngày phải chạy khắp siêu thị, nâng lên và đặt xuống nhiều lần mới chọn được sản phẩm mà cũng không chắc đó có phải đặc sản không.

“Tôi biết chương trình OCOP từ vài năm trước nhưng thú thật không biết tìm mua sản phẩm ở đâu. Những sản phẩm này là đặc trưng cho từng vùng miền, được lựa chọn kỹ lưỡng nên tôi khá yên tâm”, chị Vân bày tỏ.

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho biết, đây là lần đầu tiên hệ thống Big C dành một góc siêu thị để trưng bày sản phẩm các vùng miền được đánh giá theo chương trình OCOP từ 3-5 sao.

“Tại đây đang bày bán 40 sản được gắn logo OCOP và sắp tới sẽ hoàn thiện hồ sơ và đưa thêm 50 sản phẩm OCOP khác vào hệ thống”, bà Vân nói.

Theo bà Vân, ngoài bán những sản phẩm đơn thuần thì các loại đặc sản vùng miền này còn được đưa vào các giỏ quà Tết trong chiến lược năm nay, giúp doanh số tăng 150% so với cùng kỳ Tết năm ngoái. Trong đó, sức mua tập trung mạnh ở giỏ quà Tết có giá bình dân, từ 350-400 nghìn đồng/giỏ.

Tương tự, tại hệ thống siêu thị MM Mega Market cũng đang trưng bày 56 mặt hàng OCOP từ 3-5 sao trong nhóm bánh kẹo, mứt của các làng nghề, địa phương. Nhiều sản phẩm được khuyến mãi, giảm giá đến 50%...

Theo bà Lê Thị Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương, việc xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP nhằm góp phần đẩy mạnh việc giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm OCOP, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm làng nghề, đặc sản vùng miền, các sản phẩm có lợi thế của địa phương.

Hiện nay, có một số hệ thống nhà phân phối như MM Mega Market, Big C… và 21 địa phương đã và đang xây dựng các khu vực riêng để trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Riêng TP Hà Nội, năm 2020 đã chủ động xây dựng 25 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, năm 2021 phấn đấu có khoảng 60-70 điểm tại các quận, huyện, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, các cửa hàng ở nhà ga, sân bay, các điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.