Cần thiết đầu tư, tạo mạng lưới giao thông đồng bộ
UBND TP.HCM vừa có văn bản phản hồi đề xuất của UBND tỉnh Đồng Nai về việc giao địa phương này làm cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành.
Quy hoạch đường sắt khu đầu mối TP.HCM định hướng hướng tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành
Theo UBND TP. HCM, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành nằm trong nhóm 9 tuyến đường sắt quy hoạch mới thuộc mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2030. Luật đường sắt 2017 hiện không quy định việc UBND cấp tỉnh tổ chức đầu tư các tuyến đường sắt thuộc mạng lưới đường sắt quốc gia.
Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng, tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành có chiều dài khoảng 38km, lộ trình đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030.
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025, đầu mối liên hệ đối với dự án đường sắt nhẹ nêu trên là Vụ Đối tác công tư (Bộ Giao thông vận tải).
Về thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP), nghị định 35 của Chính phủ hướng dẫn, đối với dự án đi qua hai tỉnh trở lên, các địa phương có dự án báo cáo HĐND cấp tỉnh xem xét, đồng thuận về việc đề xuất thực hiện dự án.
Căn cứ văn bản đồng thuận của HĐND cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh thống nhất với bộ chuyên ngành về việc giao một địa phương làm cơ quan có thẩm quyền.
Do vậy, theo UBND TP.HCM, tỉnh Đồng Nai cần phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT đề xuất cấp thẩm quyền quyết định giao cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án đường sắt nhẹ đảm bảo đúng thẩm quyền, phù hợp với quy định về đầu tư PPP, quy định về đường sắt và chủ trương chung của Chính phủ.
Trường hợp đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định, UBND TP thống nhất đề xuất UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư PPP.
Cũng theo UBND TP.HCM, trong đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2026 - 2030 sẽ đầu tư tuyến metro số 2 - giai đoạn 2 (đoạn Bến Thành - Thủ Thiêm và đoạn Tham Lương - bến xe Tây Ninh).
Do đó, việc kết nối từ ga Thủ Thiêm đến sân bay Long Thành là phù hợp và cần thiết, tạo mạng lưới giao thông đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Cục Đường sắt VN cho biết, tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành đã được đưa vào Quy hoạch chi tiết đuờng sắt khu vực đầu mối TP.HCM từ năm 2013. Theo đó, tuyến có điểm đầu tại ga Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức, TP.HCM), điểm cuối là sân bay quốc tế Long Thành.
Về hướng tuyến sẽ từ ga Thủ Thiêm, đi song song về bên phải đường bộ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và đường sắt TP.HCM - Nha Trang; Đến Km9+200 tuyến rẽ phải, đi song song về bên trái đường vành đai 3 và vượt sông Đồng Nai, đi vào dải phân cách bên trái của đường vành đai 3 theo quy hoạch của huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), sau đó rẽ trái và đi vào dải phân cách giữa đường tỉnh lộ 25B, tới Km29+100 rẽ phải tách ra khỏi tỉnh lộ 25B và đi vào hướng Cảng HKQT Long Thành.
“Với hướng tuyến như vậy, tuyến này không chỉ phục vụ hành khách đi lại giữa cảng hàng không quốc tế Long Thành và ga Thủ Thiêm mà còn phục vụ dân cư khu đô thị Thủ Thiêm để đi sân bay hoặc về ga Thủ Thiêm để chuyển tuyến đi vào trung tâm thành phố cũng như các tuyến khác.
Còn theo quy hoạch mạng lưới đường sắt mới, tuyến được đầu tư khổ đường 1.435mm với tổng mức đầu tư dự kiến 40.500 tỉ đồng”, đại diện Cục Đường sắt VN cho hay.
Bộ GTVT cho biết, dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025. Bộ cũng xác định đây là một trong những dự án động lực của kỳ trung hạn tiếp theo nhằm tăng cường các phương thức vận tải kết nối với Cảng HKQT Long Thành và đã bố trí vốn chuẩn bị đầu tư từ năm 2022 để triển khai nghiên cứu.
Lộ trình đầu tư cần phù hợp tiến độ dự án cảng hàng không
Trao đổi với Báo Giao thông, một chuyên gia hạ tầng đường sắt cho rằng cần sớm đầu tư đường sắt kết nối sân bay Long Thành nếu không sẽ khó đáp ứng được nhu cầu đi lại của một lượng lớn hành khách giữa sân bay và trung tâm đô thị.
Chuyên gia này phân tích, tại Hà Nội, hiện tuyến đường bộ chủ yếu được người dân đi nhiều là qua cầu Nhật Tân đi sân bay Nội Bài, sau vài năm đưa vào khai thác hiện đã rất đông phương tiện lưu thông, có lúc ùn tắc cục bộ. Khi lượng khách sân bay Nội Bài tăng chắc chắn tuyến đường bộ này không đáp ứng được hết và cũng không thể mở rộng.
Với sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM đã mở nhiều tuyến đường để kết nối nhưng đường Trường Sơn vào sân bay vẫn thường xuyên tắc nghẽn.
Trong khi đó, đường sắt đô thị giải quyết được ách tắc giao thông vì đảm bảo nhanh, đúng giờ và chở được số lượng lớn hành khách.
“Các phương án đường sắt kết nối sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất được đưa ra cũng chỉ là khắc phục các tồn tại hiện hữu, chứ không phải là phòng ngừa. Do đó, cần bố trí nguồn lực đầu tư sớm tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành và triển khai song hành với đầu tư xây dựng sân bay trước 2030”, chuyên gia này nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia giao thông Nguyễn Ân cho rằng, làm đường sắt kết nối từ sân bay với trung tâm đô thị đối với các sân bay có lưu lượng lớn như Long Thành là vô cùng cần thiết vì giá rẻ, an toàn, không gây ùn tắc.
Hiện tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành đã có quy hoạch, vì vậy cần khẩn trương hình thành hồ sơ kĩ thuật dự án, tổ chức thi công và hoàn thành tuyến này phù hợp với thời điểm sân bay Long Thành khai trương, đáp ứng nhu cầu vận chuyển khách hai chiều giữa sân bay - trung tâm đô thị cũng như kết nối với các phương thức vận tải khác.
Tuy nhiên, theo ông Ân, hiện trong thiết kế sân bay Long Thành chưa có thiết kế hệ thống đường sắt để kết nối với tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành. Vì vậy rất dễ dẫn đến khả năng không đồng bộ, khó kết nối với tuyến đường sắt nhẹ được thiết kế, xây dựng sau này.
“Đáng ra cần coi đường sắt kết nối là một hạng mục của dự án xây dựng sân bay để nghiên cứu, đầu tư đồng thời. Khi ga đường sắt, hệ thống đường sắt trong sân bay không được xác định trong thiết kế tổng thể sân bay, thì sau này nếu xây dựng nhà ga ở vị trí không thuận lợi, khách sẽ phải đi bộ quá xa hoặc phải trung chuyển thêm một lần xe buýt. Lúc ấy ai còn muốn đi đường sắt nữa, họ đi luôn xe bus, ô tô cho tiện...”, ông Ân nói.
Tàu Arex Express vận chuyển hành khách dọc tuyến sân bay Incheon - Seoul station
Lấy ví dụ về hiệu quả của đường sắt kết nối sân bay, chuyên gia giao thông Nguyễn Ân cho biết, với hệ thống đường sắt tại sân bay Incheon (Seoul, Hàn Quốc), hành khách sau khi xuống máy bay có thể chọn đi tàu nhanh hoặc tàu chậm (đường sắt đô thị) từ sân bay về thẳng trung tâm thành phố với điểm dừng cuối tại ga Seoul station. Từ đây, khách sẽ đi thêm một chuyến tàu đường sắt đô thị hoặc xe bus nữa để về khách sạn, rất thuận tiện.
Giá vé tàu lại hợp lý. Hành khách đi tàu nhanh Arex (Arex Express) chỉ với giá vé 8.000 won/người (khoảng hơn 140.000 đồng/người tùy theo tỷ giá tại thời điểm chuyển đổi), đi nhóm 3 người giá 6.500 won/người (khoảng 120.000 đồng/người). Còn nếu đi tàu chậm Arex (Arex all stop train), tuy tàu dừng ở tất cả các ga dọc từ sân bay về ga Seoul station, nhưng thời gian di chuyển chặng suốt cũng chỉ một giờ. Giá vé chỉ 4.250 won/người (khoảng hơn 78.000 đồng/người).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận