Hạ tầng

Sớm hoàn trả 1.180 tỷ vốn nhà nước hỗ trợ dự án hầm Đèo Cả

13/07/2020, 11:07

Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bố trí 1.180 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ dự án hầm đường bộ Đèo Cả.

img
Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả gồm 4 công trình hầm xuyên núi trên QL1: Hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân

Từ công trình được đánh giá là biểu tượng cho tầm vóc và trí tuệ của người Việt, hình mẫu của mô hình hợp tác đối tác công tư (PPP), đến nay, dự án hầm Đèo Cả đứng trước thách thức rất lớn khi phương án tài chính bị mất cân đối do sự thay đổi cơ chế, chính sách trong quá trình triển khai dự án trọng điểm quốc gia này.

Nguy cơ phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng lớn đến chính sách điều hành tiền tệ

Theo hợp đồng ký kết và phương án tài chính được phê duyệt, dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả gồm 4 công trình hầm xuyên núi trên QL1: Hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân với tổng mức đầu tư khoảng 21.613 tỷ đồng. Dự án được triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó phần vốn nhà nước tham gia vào dự án là 5.048 tỷ đồng, chiếm 23,35% tổng vốn đầu tư (thấp hơn nhiều so với tỷ lệ vốn nhà nước đang hỗ trợ các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam, khoảng 45% tổng mức đầu tư), còn lại 16.564 tỷ đồng là vốn chủ sở hữu và vốn huy động của nhà đầu tư.

Ngoài việc hỗ trợ bằng vốn ngân sách, để phương án tài chính của dự án hầm đường bộ Đèo Cả khả thi, Chính phủ cho phép nhà đầu tư sử dụng các trạm thu phí hoàn vốn, gồm: An Dân (Bàn Thạch), Đèo Cả, Ninh Lộc (Ninh An), Cù Mông, Nam Hải Vân, La Sơn - Túy Loan và trạm Bắc Hải Vân (Phước Tượng - Phú Gia). Đến nay, hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã và hầm Cù Mông đã hoàn thành, đưa vào khai thác, còn lại hầm Hải Vân cũng cơ bản thi công xong, dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2020.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, hiệu quả tài chính của dự án hầm đường bộ Đèo Cả đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do việc thay đổi một số cơ chế, chính sách. Đầu tiên, là việc dự án bị thu hồi 1.180 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước. Trong 5.048 tỷ đồng vốn nhà nước tham gia vào dự án, ngoài 90 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước đã giải ngân trước năm 2013 để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, tại Nghị quyết 65 ngày 28/11/2013, Quốc hội đã đồng ý hỗ trợ 4.958 tỷ đồng vốn TPCP cho dự án hầm đường bộ Đèo Cả.

Sau khi thanh toán chi phí GPMB, tái định cư, kinh phí đầu tư hầm Cổ Mã và đường dẫn, phần vốn nhà nước còn lại 1.180 tỷ đồng. Trên cơ sở Nghị quyết 99/2015 của Quốc hội, ngày 23/1/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Văn bản 112 đồng ý sử dụng nguồn kinh phí còn lại (1.180 tỷ đồng) để hỗ trợ cho dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả. Số vốn này được sử dụng để hỗ trợ xây dựng hầm Đèo Cả (954 tỷ đồng) và hỗ trợ kinh phí GPMB, tái định cư hạng mục hầm Cù Mông và hầm Hải Vân khoảng 226 tỷ đồng).

Tuy nhiên, đến ngày 30/10/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 439, trong đó quyết định thu hồi 1.180 tỷ đồng số vốn ngân sách hỗ trợ cho dự án hầm đường đường bộ Đèo Cả. Việc thu hồi vốn nhà nước đã cam kết hỗ trợ cho dự án đã ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án hầm đường bộ Đèo Cả. Theo tính toán của Bộ GTVT, trường hợp dự án hầm Đèo Cả không được bổ sung 1.180 tỷ đồng vốn nhà nước, thời gian hoàn vốn của dự án từ 27 năm 5 tháng sẽ tăng lên khoảng 32 năm 2 tháng.

“Phần tham gia của vốn nhà nước (5.048 tỷ đồng) là cam kết của nhà nước nhằm bảo đảm hiệu quả tài chính. Trường hợp không được bổ sung 1.180 tỷ đồng vốn nhà nước, có thể ảnh hưởng đến phương án trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký kết, nguy cơ phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng lớn đến chính sách điều hành tiền tệ cũng như chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về thu hút đầu tư tư nhân nhằm giảm áp lực cho ngân sách nhà nước trong giai đoạn tới”, Bộ GTVT cho biết.

Trên cơ sở các nghị quyết của Quốc hội và ý kiến chỉ đạo của cấp thẩm quyền, vừa qua, Bộ GTVT đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bố trí 1.180 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ dự án. Trước mắt, chấp thuận bố trí 50 tỷ đồng từ nguồn dự phòng chung và nguồn dự phòng 10% của kế hoạch trung hạn 2016 - 2020. Đối với phần còn lại, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cân đối trong năm 2020, 2021 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

“Việc bố trí 1.180 tỷ đồng vốn nhà nước nhằm bảo đảm tổng vốn tham gia thực hiện dự án 5.048 tỷ đồng là phù hợp với các cam kết tại hợp đồng dự án, bảo đảm hiệu quả tài chính của dự án”, Bộ GTVT nêu rõ.

img
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng và Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ thăm và làm việc tại dự án hầm đường bộ Đèo Cả vào giữa tuần qua

Kiến nghị thu phí trạm La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn

Ngoài phần vốn góp của nhà nước bị thu hồi, dự án hầm đường bộ Đèo Cả còn đang gặp rất nhiều khó khăn khi trạm thu phí La Sơn - Túy Loan đến nay vẫn bị “treo” do vướng Nghị quyết 437/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cần phải nói thêm, trạm La Sơn - Túy Loan đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý sử dụng để thu phí hoàn vốn cho dự án hầm đường bộ Đèo Cả. Từ đó, Bộ GTVT đã phê duyệt phương án tài chính, ký kết hợp đồng với nhà đầu tư. Tiếp đến, nhà đầu tư đã ký kết hợp đồng tín dụng với Vietinbank và giải ngân vốn đầu tư dự án.

Theo Bộ GTVT, trường hợp không thu phí trạm La Sơn - Túy Loan, lưu lượng trên QL1 sẽ phân lưu sang tuyến La Sơn - Túy Loan (theo tính toán sơ bộ của tư vấn sẽ phân lưu khoảng 51%), gây sụt giảm doanh thu tại trạm Bắc Hải Vân trên QL1. Nếu không bổ sung hỗ trợ nhà nước (khoảng 2.280 tỷ đồng theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước), thời gian hoàn vốn của dự án hầm Đèo Cả tăng đến khoảng 41 năm, phá vỡ phương án tài chính cũng như hợp đồng tín dụng đã ký kết,…

Liên quan đến phương án thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản 7087 ngày 9/8/2019 giao Bộ Tài chính chủ trì, tổng hợp ý kiến các bộ, ngành và tham mưu Thủ tướng Chính phủ phương án phù hợp. Trên cơ sở ý kiến của các Bộ: KH&ĐT, Bộ GTVT, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước và kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính đã có Văn bản 14633 ngày 3/12/2019 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: Giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ KH&ĐT xây dựng phương án cân đối vốn góp của nhà nước để hỗ trợ nhằm đảm bảo tính khả thi tài chính của dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&ĐT chủ trì tổng hợp trình cấp thẩm quyền xem xét phương án bố trí nguồn vốn hỗ trợ cho dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của Bộ GTVT (giai đoạn năm 2020 và 2020-2025) phù hợp với tiến độ của dự án và quy định của pháp luật về đầu tư công và ngân sách nhà nước,…

Thời gian qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đã phối hợp với nhà đầu tư nghiên cứu bổ sung phương án tăng mức phí, kéo dài thời gian thu phí của dự án. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy, các trạm Đèo Cả, Bắc Hải Vân, Cù Mông đặt trên đường dẫn vào hầm, các phương tiện có thể lựa chọn đi theo đường QL1(cũ) qua đèo để không mất phí. Do vậy, việc tăng mức thu phí tại các trạm này sẽ dẫn đến tỷ lệ phân lưu tăng lên, các phương tiện sẽ lựa chọn đi theo đường QL1 qua đèo để không mất phí, doanh thu thu phí để hoàn vốn cho dự án sẽ ngày càng giảm.

Theo Bộ GTVT, với thời gian hoàn vốn hiện nay đã gần 30 năm, nếu tiếp tục kéo dài sẽ phá vỡ phương án tài chính, ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch trả nợ ngân hàng, phải chuyển nhóm nợ, ảnh hưởng đến chính sách điều hành tiền tệ của quốc gia và chính sách thu hút đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng trong giai đoạn tới, đặc biệt trong bối cảnh Quốc hội vừa thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Trên cơ sở đó, trong văn bản vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét hai phương án. Thứ nhất, cho phép tiếp tục thực hiện thu phí trên tuyến La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho dự án hầm đường bộ Đèo Cả theo chủ trương đã được chấp thuận và hợp đồng dự án đã ký kết.

Thứ hai, trường hợp cần thay đổi cơ chế thu phí trên tuyến La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét triển khai theo kiến nghị của Bộ Tài chính: Giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ KH&ĐT xây dựng phương án cân đối vốn góp của Nhà nước để hỗ trợ nhằm đảm bảo tính khả thi tài chính của dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; đồng thời, giao Bộ KH&ĐT chủ trì tổng hợp trình cấp thẩm quyền xem xét phương án bố trí nguồn vốn hỗ trợ cho dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của Bộ GTVT (năm 2020 và giai đoạn 2021-2025) phù hợp với tiến độ của dự án và quy định của pháp luật về đầu tư công và ngân sách nhà nước.

“Mặc dù hợp đồng đã ký kết, hạng mục cuối cùng của dự án cũng sắp được hoàn thành, nhưng đến nay, Nhà nước vẫn chưa thực hiện đầy đủ cam kết trong hợp đồng khi còn thiếu 1.180 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước chưa được giải ngân. Đặc biệt, dự án không thực hiện thu phí tại trạm Bắc Hải Vân, cơ chế thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan chưa được thống nhất và giá sử dụng dịch vụ không theo cam kết trong hợp đồng dự án, gây thiệt hại cho nhà đầu tư khoảng 650 tỷ đồng”. Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.