Ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, thông tin từ hãng tư vấn Alphaliner (tổ chức nghiên cứu hàng hải hàng đầu thế giới), hiện nay, cỡ tàu 10.000 - 21.000 TEUs chiếm 34% tổng số tàu vận tải container đang hoạt động. Dự kiến đến năm 2021, những container sức chở đến 18.000 Teus sẽ chiếm 70% lượng tàu hoạt động trên tuyến Á - Âu.
Cũng theo tính toán của Alphaliner, nếu một con tàu 18.000 - 20.000 Teus vào thay thế một con tàu 14.000 Teus, chi phí vận tải một container từ Cái Mép - Thị Vải (CM-TV) sang châu Âu sẽ giảm khoảng 200 USD/Teus và nếu loại tàu này mở tuyến đến Việt Nam thì chỉ có cụm cảng CM-TV và cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) mới đủ điều kiện tiếp nhận.
Tuy vậy, theo ông Tương, các cảng container quốc tế khu vực CM-TV hiện chỉ có chiều dài cầu cảng khoảng 600m. Với quy mô cỡ tàu ngày càng lớn, các cầu cảng không thể đón 2 tàu mẹ cùng một lúc. Khi các liên minh đưa thêm các tàu lớn với tần suất dày hơn vào CM-TV thì doanh nghiệp cảng sẽ gặp khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) cho biết, nắm bắt được xu thế thay đổi trọng tải và kích cỡ của đội tàu thế giới, các cảng container tại CM-TV đã tích cực đầu tư trang thiết bị, áp dụng công nghệ hiện đại như hệ thống giám sát hải quan tự động để nâng cao chất lượng dịch vụ tại cảng.
“Thời gian qua, các cảng: CMIT, TCIT, TCTT, SSIT đã từng bắt tay hợp tác để tận dụng tối ưu cơ sở hạ tầng cầu cảng trong việc đón tàu mẹ trọng tải lớn (trên 18.000 Teus), nâng cao hiệu quả kinh doanh. Thế nhưng, hiện chỉ có hai cảng là: TCIT và TCTT thực hiện được liên kết này theo hướng TCIT thuê lại hạ tầng và thiết bị của TCTT. Việc hợp tác giữa các đơn vị còn lại đều dang dở vì các bên chưa đạt được thống nhất chung”, đại diện này cho hay.
Ông Nguyễn Tương cho rằng, tại cụm cảng CM-TV, nếu hai cảng liền kề liên kết lại sẽ có thể đón được cùng lúc 3 - 4 tàu mẹ, nâng cao năng suất cầu cảng và lợi nhuận cho DN. Vì vậy, thời gian tới, Bộ GTVT và các cấp chức năng cần phối hợp xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích các cảng liền kề hợp tác để nâng cao sức hấp dẫn và năng lực cạnh tranh của cảng biển Việt Nam, tránh tình trạng phân tán, nhỏ lẻ, từng DN quản lý từng bến cảng nhỏ với các quy trình thủ tục không đồng nhất, gây lãng phí công suất cầu bến, làm gia tăng thời gian, chi phí như hiện nay.
Ngoài ra, theo đại diện cảng CMIT, hiện chuẩn tắc thiết kế luồng hàng hải vào cụm cảng CM-TV là -14m. Với độ sâu này, dù luồng luôn được đảm bảo không khan cạn thì các con tàu container sức chở 14.000 Teus trở nên vẫn phải chờ thủy triều mới có thể ra - vào cảng dễ dàng. Do đó, các cấp chức năng cần nghiên cứu, sớm duy tu nạo vét tuyến luồng này đến -15.5m để duy trì sức hấp dẫn của cảng nước sâu CM-TV và không bỏ lỡ các cơ hội do sự phát triển của ngành hàng hải thế giới và các hợp tác kinh tế sâu rộng của đất nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận