Chiều 5/7, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm - Tổ trưởng Tổ công tác số 2 của Bộ GTVT đã làm việc với các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long về nguồn vật liệu cát đắp nền cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 đoạn Cần Thơ - Cà Mau.
Sáng cùng ngày, Tổ công tác cũng đã có buổi khảo sát hiện trường khu vực mỏ vàm Trà Ôn 3 (thuộc thủy phận xã Lục Sỹ Thành và xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long).
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm khảo sát mỏ cát vàm Trà Ôn 3.
Lo chậm tiến độ dự án vì thiếu cát
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm, khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã khởi công hai dự án cao tốc trục ngang và trục dọc là cao tốc Bắc - Nam phía đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Trong đó, cao tốc Bắc - Nam phía đông hiện đang gặp khó khăn rất lớn đó là thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền đường.
“Nhu cầu vật liệu cát là rất lớn. Nếu như không kịp thời tháo gỡ, dự án có nguy cơ vỡ tiến độ. Bộ GTVT rất sốt ruột về vấn đề này”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm nói.
Theo thứ trưởng, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai dự án, Quốc hội, Chính phủ cũng đã ban hành nghị quyết cho phép áp dụng cơ chế đặc thù. Đồng thời, có các công điện gửi các bộ, địa phương tháo gỡ các khó khăn vướng mắt liên quan đến khai thác vật liệu cát.
Bộ GTVT cũng đã thành lập 2 tổ công tác làm việc với các địa phương. Bộ hy vọng rằng sau buổi làm việc ngày hôm nay, các khó khăn, vướng mắc sẽ được tháo gỡ để đưa dự án về đích đúng tiến độ.
Quang cảnh buổi làm việc.
Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận cho biết, nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường của đoạn Cần Thơ - Cà Mau khoảng 18,5 triệu m3 và tập trung chủ yếu vào năm 2023 và 2024.
Mặc dù đã khởi công 6 tháng nhưng sản lượng thi công dự án này chỉ đạt khoảng 5% giá trị hợp đồng, rất chậm so với kế hoạch.
Một trong những nguyên nhân chính là do thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền đường. Nhà thầu chỉ có thể triển khai thi công hạng mục cầu trên tuyến, đào bốc hữu cơ, đắp bờ bao các đoạn tuyến đã có mặt bằng, thi công đường công vụ, cầu tạm.
Ban QLDA Mỹ Thuận và các đơn vị thi công đã nhiều lần làm việc với địa phương có nguồn vật liệu cát nhằm triển khai các thủ tục để có thể khai thác cát cung cấp cho dự án theo quy định.
Đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã cung cấp khoảng 0,371 triệu m3 cát, An Giang đã có văn bản thống nhất bố trí 1,1 triệu m3 cát. Riêng Vĩnh Long, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh này đang hoàn thiện thủ tục để tham mưu cho UBND tỉnh thống nhất giao mỏ cho nhà thầu thi công dự án thực hiện thủ tục mở mỏ.
“Hiện nay các tỉnh An Giang, Đồng Tháp đã chủ động chỉ đạo các sở, ngành rà soát, tham mưu giới thiệu mỏ cát để thực hiện các thủ tục khai thác, đồng thời bố trí được 1,471 triệu m3 cát để cung cấp cho dự án.
Để tiếp tục đảm bảo nguồn cát cung cấp kịp thời cho dự án trong năm 2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ sớm hoàn thiện các thủ tục có liên quan đảm bảo cung ứng cho dự án”, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận nói.
Khu vực khu mỏ vàm Trà Ôn 3 thuộc một phần khu mỏ có mã hiệu quy hoạch NTSH.7 của tỉnh Vĩnh Long.
Nhà thầu trông chờ địa phương khơi nguồn cung
Báo cáo thêm cùng tổ công tác, ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, với 2,929 triệu m3 còn lại, tỉnh sẽ bố trí 6 mỏ cát, nâng thêm công suất mỏ đang khai thác để phục vụ cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Còn theo ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh An Giang, theo chỉ đạo của Chính phủ, địa phương bố trí 3,3 triệu m3 trong năm 2023 cho dự án. Hiện, UBND tỉnh đã thống nhất kế hoạch bố trí 1,1 triệu m3, còn 2,2 triệu m3 cát còn lại, Sở đang xin ý kiến Ban Cán sự Đảng ủy và Thường vụ Tỉnh ủy.
Trong khi đó, tại tỉnh Vĩnh Long, Sở TN&MT tỉnh này đang hoàn thiện thủ tục để tham mưu cho UBND tỉnh thống nhất giao mỏ cát NTSH.7 (nhánh trái sông Hậu và sông Trà Ôn thuộc thủy phận xã Thiện Mỹ, Lục Sỹ Thành, huyện Trà Ôn) cho nhà thầu thi công dự án.
Theo đại diện các địa phương, khó khăn chung hiện nay liên quan đến các thủ tục mở mỏ mới. Từ đó, các tỉnh kiến nghị Bộ GTVT, Bộ TN&MT xem xét, hướng dẫn để áp dụng chung cho các địa phương đúng theo quy định, đặc biệt là về thủ tục đánh giá tác động môi trường đối với các mỏ thực hiện theo cơ chế đặc thù.
Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, Thứ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh việc khai thác cát cần phải có kế hoạch cụ thể, phù hợp. Ban QLDA Mỹ Thuận có trách nhiệm phối hợp với tỉnh An Giang hoàn thiện các thủ tục, pháp lý, để tiếp tục cung cấp 2,2 triệu m3 còn lại trong tháng 7/2023.
Đối với tỉnh Đồng Tháp, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm đề nghị Sở TN&MT tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện các thủ tục nâng công suất mỏ đang khai thác lên 50% để cung cấp ngay cho dự án trong khi các mỏ mới chưa hoàn thành thủ tục khai thác.
Còn với 6 mỏ địa phương giới thiệu, các nhà thầu căn cứ vào các bước thực hiện thủ tục mở mỏ mới, chủ động làm các thủ tục có liên quan đến trách nhiệm nhà thầu. Việc này càng sớm càng tốt, làm cơ sở cho Sở TN&MT báo cáo UBND tỉnh cho phép các đơn vị triển khai thực hiện việc khai thác cát.
Phía Vĩnh Long, Thứ trưởng Bộ GTVT kiến nghị UBND tỉnh sớm có văn bản chấp thuận 2 mỏ đã được Sở TN&MT đề xuất để các nhà thầu triển khai thủ tục, sớm thông qua chủ trương giao tiếp 03 mỏ để cấp đủ trữ lượng cho dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận