Điện gió đóng góp chính vào cơ cấu năng lượng
Sáng 26/5, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam và Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tổ chức diễn đàn “Điện gió và mục tiêu Net Zero vào năm 2050”.
TS. Nguyễn Linh Ngọc, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam nhận định, việc chuyển dịch năng lượng của Việt Nam là tất yếu khi Việt Nam là nước sẽ chịu nhiều tác động xấu của biến đổi khí hậu, thiên tai, nước biển dâng…
Diễn đàn “Điện gió và mục tiêu Net Zero vào năm 2050”
Theo ông, trong nỗ lực của Việt Nam để đạt được mục tiêu đã cam kết về phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, điện gió là một yếu tố đóng góp chính vào cơ cấu năng lượng.
Ông Nguyễn Văn Tiền, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Văn phòng Quốc hội) nhấn mạnh: Việt Nam có lợi thế rất quan trọng đối với năng lượng gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi (ĐGNK).
Theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, các dự án điện gió thuộc đối tượng được vay từ Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam.
Cụ thể, theo Thông tư số 03/2017/TT-BTNMT, đối với 1 chủ đầu tư được vay 10% vốn điều lệ của Quỹ, một dự án được vay không quá 5% vốn điều lệ của Quỹ, lãi suất vay ưu đãi 2,6%/năm hoặc 3,6%/năm.
Ông Phạm Văn Triệu, Phó giám đốc Qũy Bảo vệ môi trường Việt Nam
Cũng theo ông Nguyễn Văn Tiền, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang giám sát Chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng".
Trong đó, trọng tâm về việc chuyển dịch năng lượng, thách thức, cơ hội, những vấn đề đặt ra và giải pháp, tác động của quá trình phát triển năng lượng đến môi trường sinh thái, đa dạng sinh học (cả trên cạn và dưới nước) và tình hình phát thải khí nhà kính…
Với tiềm năng kỹ thuật, ĐGNK của Việt Nam có thể đạt 31.808km2, tương đương 162.200 MW (Cơ quan Năng lượng Đan Mạch, DEA, 2020), ông Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô zôn (Cục Biến đổi khí hậu - Bộ TN&MT) thông tin.
Do đó, tập trung đầu tư vào hệ thống truyền tải, điều độ thông minh, ông Huy cho rằng “điện gió hoàn toàn có thể trở thành nguồn chủ đạo của hệ thống năng lượng Việt Nam trong tương lai”.
Cần tháo gỡ nhiều rào cản
Khẳng định Việt Nam là một trong 10 quốc gia dẫn đầu thế giới về đầu tư vào nguồn điện năng lượng tái tạo - NLTT (điện gió và mặt trời), song TS. Dư Văn Toán, chuyên gia NLTT, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo lưu ý, hiện còn rất nhiều rào cản trong phát triển ĐGNK cần tháo gỡ.
Cụ thể như, quy hoạch không gian biển quốc gia; quy hoạch không gian cho năng lượng gió ngoài khơi (Xung đột, mâu thuẫn, tranh chấp không gian biển của NLTT với các ngành kinh tế khác, dân cư); tác động đến môi trường, đa dạng sinh học.
TS. Dư Văn Toán, chuyên gia NLTT, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo
Ngoài ra, còn định hướng chuỗi cung ứng cho phát triển ĐGNK; vốn, tài chính xanh cho ĐGNK; hạ tầng, cáp ngầm, truyền tải, hợp đồng mua bán điện và Chính sách Quốc gia dài hạn về ĐGNK (luật, nghị định cấp quốc gia về ĐGNK), cơ quan đầu mối, trình tự cấp phép, thẩm định, thu hồi, gia hạn dự án; Sự tham gia của các công ty nhà đầu tư nước ngoài; tích hợp năng lượng gió ngoài khơi và green hydrogen.
Về phía nhà đầu tư, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam cho biết, họ gặp nhiều khó khăn trong triển khai do chính sách chưa rõ ràng. Đó là, chưa có văn bản, quy định hướng dẫn cụ thể bước triển khai các dự án NLTT sau Quy hoạch điện VIII được phê duyệt; ưu đãi đầu tư chưa thu hút Nhà đầu tư nước ngoài; phụ thuộc khả năng truyền tải...
Theo các chuyên gia, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để hoàn thành một dự án ĐGNK cần trung bình từ 6-8 năm.
Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu, đến năm 2030, điện gió trên bờ đạt 21.880 MW (14,5% tổng công suất các nhà máy điện); ĐGNK đạt 6.000 MW (4,0%), trường hợp công nghệ tiến triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý thì phát triển quy mô cao hơn.
Năm 2050, điện gió trên bờ 60.050-77.050 MW (12,2-13,4%); ĐGNK đạt 70.000-91.500 MW (14,3-16%)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận