Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, trong những năm qua, Chính phủ đã bố trí nguồn vốn đầu tư để nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa chính ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Điển hình như Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long; Dự án Nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (giai đoạn 1và 2). Các dự án này đã góp phần cải thiện năng lực vận tải thủy nội địa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trong khu vực.
Tuy nhiên, do tỷ trọng đầu tư cho lĩnh vực đường thủy nội địa so với các lĩnh vực giao thông khác còn hạn chế dẫn đến các tuyến chưa được đầu tư đồng bộ, nhiều đoạn kênh hẹp, khan cạn, ảnh hưởng đến năng lực thông qua các tuyến kênh.
Việc kết nối, giao thương hàng hóa giữa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Đông Nam Bộ chưa được thúc đẩy phát triển đúng mức. Trong khi tiềm năng vận tải thủy của khu vực rất lớn với chi phí thấp, an toàn và thân thiện môi trường.
Vì vậy, để góp phần giải quyết các nhu cầu này, Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam; Bộ GTVT cũng đã phê duyệt dự án. Đây là dự án quan trọng, cấp bách của lĩnh vực đường thủy nội địa, được ưu tiên đầu tư sử dụng vốn vay của nhà tài trợ Ngân hàng Thế giới (WB).
Dự án sẽ đầu tư cải tạo hành lang Đông - Tây đi từ TP.HCM đến Cần Thơ và hành lang Bắc - Nam đi từ cảng Đồng Nai đến cụm cảng Cái Mép Thị Vải (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu).
Hành lang Đông - Tây sẽ được cải tạo, nâng cấp đạt cấp II kỹ thuật đường thủy nội địa cho tàu tự hành đến 600 tấn, tàu 3 lớp container thường lưu thông 24/24h, tàu tự hành đến 1.500 tấn lợi dụng thủy triều ở mực nước cao để lưu thông. Hành lang Bắc - Nam được đầu tư cải tạo tuyến luồng cho tàu tự hành đến 5.000 tấn, tàu 4 lớp container lưu thông thuận lợi, an toàn.
Dự án sau khi hoàn thành sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực nói riêng và cả nước nói chung. Ngoài ra, dự án này còn giúp chỉnh trang, bảo vệ bờ kênh và đường dân sinh, làm đẹp cảnh quan dọc tuyến hành lang được cải tạo, nâng cấp.
Để tiến tới ký hiệp định vay vốn cho dự án, Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban Quản lý các dự án đường thủy lập Kế hoạch Cam kết môi trường và xã hội (ESCP), xin ý kiến các địa phương, chuyên gia, nhân dân... để dự án sớm triển khai đầu tư xây dựng.
Theo đó, Dự án Phát triển các Hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam (SWLC) với sự tham gia của các cơ quan: Bộ GTVT/Ban Quản lý các dự án đường thủy, các tỉnh dự án đi qua gồm Đồng Nai, Long An, Bến Tre, Tiền Giang và Vĩnh Long. Hiệp hội Tái thiết và Phát triển quốc tế đã đồng ý cung cấp tài chính cho dự án.
Yêu cầu đặt ra là các tỉnh dự án đảm bảo rằng dự án được thực hiện phù hợp với các Tiêu chuẩn Môi trường và Xã hội (ESS) và Kế hoạch Cam kết môi trường và xã hội (ESCP).
"ESCP là một phần của hiệp định vay vốn. ESCP này đặt ra các biện pháp và hành động quan trọng mà Bên vay, thông qua Bộ GTVT và sẽ yêu cầu các tỉnh dự án thực hiện, bao gồm khung thời gian của các hành động và biện pháp, thể chế, bố trí nhân sự, đào tạo, giám sát và báo cáo cũng như quản lý khiếu nại", dự thảo ESCP nêu.
Cụ thể, theo dự thảo ESCP, Bộ GTVT/Ban Quản lý các dự án đường thủy chịu trách nhiệm trong thực hiện các báo cáo giám sát thường xuyên về kết quả hoạt động môi trường, xã hội, sức khỏe và an toàn của dự án.
Dự thảo ESCP quy định chi tiết các hành động, giải pháp, khung thời gian đối với các nhiệm vụ: Đánh giá, quản lý rủi ro, tác động môi trường và xã hội; Lao động và điều kiện làm việc; Sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, phòng chống và kiểm soát ô nhiễm; An toàn sức khỏe cộng đồng; Thu hồi đất, những hạn chế sử dụng đất và tái định cư không tự nguyện.
Cùng đó là các nhiệm vụ: Bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên sống; Dân tộc thiểu số/ các cộng đồng địa phương truyền thống khu vực; Thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động lên di sản văn hóa...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận