Xã hội

Sơn La: Vì sao công trình đại thủy nông dang dở chục năm?

31/03/2020, 06:59

Ông Nguyễn Hải Thanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình, Bộ NN&PTNT khẳng định, lý do kéo dài dự án bởi thiếu vốn.

img
Công trình thủy lợi hồ Bản Mòng, xã Hua La, TP Sơn La dang dở, bỏ hoang 4 năm nay

Tháng 5/2009, Bộ NN&PTNT quyết định phê duyệt dự án đầu tư hồ chứa Bản Mòng, xã Hua La, TP Sơn La với tổng mức đầu tư ban đầu là 395 tỷ đồng. Dự án khởi công năm 2011, dự kiến hoàn thành năm 2013. Sau nhiều chậm trễ, năm 2014, dự án được điều chỉnh tăng tổng mức lên 728 tỷ đồng nhưng hiện vẫn đang ngổn ngang, dang dở.

Đi không được, ở không xong

Dự án đầu tư hồ chứa Bản Mòng được kỳ vọng là công trình “đại thuỷ nông” xây dựng với mục tiêu đề phòng lũ quét, cắt giảm lũ cho TP Sơn La, tạo nguồn cấp nước khoảng 27.000 m3/ngày đêm, phục vụ tưới tiêu cho cho 263ha đất nông nghiệp ven suối Nậm La và kết hợp du lịch, cải thiện môi trường sinh thái.

Chỉ tay vào công trình mới đổ bê tông dang dở nhưng đã bị bỏ hoang chừng 4 năm nay, ông Lèo Văn Inh (bản Nẹ Tở, xã Hua La) cho biết: “Gia đình tôi có 3ha đất gồm đất nương trồng cây lâu năm, đất ao và đất trồng lúa đều nằm trong diện ngập của dự án. Trước khi có dự án, dân bản Nẹ Tở còn có đất canh tác, giờ đất ngập hết rồi. Lòng hồ đang rất ngổn ngang, chưa có cái gì gọi là hoàn chỉnh cả”.

Theo ông Inh, bà con muốn ở lại không được mà đi cũng không xong. Nhà cửa thì cũng đã di chuyển đến điểm tái định cư nhưng chỗ thì chỉ có nền nhà mà chưa có điện, chỗ thì có điện thì chưa có nước, chưa có cả đường đi.

Cùng trú tại bản Nẹ Tở, ông Lèo Văn Chinh bức xúc: “Dự án dang dở khiến đất canh tác của dân ngập, canh tác khó khăn. Chúng tôi đã di chuyển lên điểm tái định cư ở điểm cao hơn, nhưng trên ấy lại thiếu nguồn nước trầm trọng, đường đi thì nửa là đường nhựa nửa là đường cấp phối”.

Ông Lò Văn Tươi, Chủ tịch UBND xã Hua La, TP Sơn La cho biết, công trình dự án hồ chứa nước Bản Mòng được phê duyệt năm 2009 thì năm 2010, dự án bắt đầu giải phóng mặt bằng và năm 2011, công trình bắt đầu thi công. Thế nhưng, đến năm 2016, dự án nghỉ hẳn, bỏ lại một đại công trình dang dở. “Dự án thì dang dở, khu tái định cư phục vụ di dân thì chưa đáp ứng được hạ tầng, điện, nước, đường. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống bà con thuộc 6 bản là Nẹ Tở, Bản Lun, Co Phung, Cúa Nhọt, Nẹ Nưa và Bản Sam trong vùng ngập. Năm 2009 - 2010 có 194 hộ dân phải di dời, đến nay thì mới di dời được 40 hộ dân”, ông Tươi thông tin.

Thiếu vốn giải phóng mặt bằng

Trước khi dự án buộc phải dừng thi công vì thiếu vốn, Bộ NN&PTNT cũng như Ban quản lý dự án đã chỉ đạo triển khai công tác bảo vệ công trình. Tới nay khi thi công lại, nhà thầu đảm bảo đủ năng lực, mọi công việc trong xây lắp đều không gặp khó khăn gì. Về giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư, thông tin từ UBND tỉnh Sơn La, tới nay cũng đang “thuận buồm xuôi gió”.
Ông Đào Mạnh Cường, Trưởng ban quản lý Dự án Thủy lợi số 1


Liên quan tới tiến độ thi công dự án hồ Bản Mòng, ngày 26/3, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Hải Thanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình, Bộ NN&PTNT khẳng định, lý do kéo dài dự án bởi thiếu vốn. Cho tới cuối tháng 12/2019, Thủ tướng mới đồng ý bổ sung vốn cho dự án. “Tính tới nay công trình đã làm được 2/3 hạng mục, phần còn lại tới cuối năm nay sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động”.

Cũng theo ông Thanh, việc công trình bị thiếu vốn triển khai thuộc về phần trách nhiệm thực hiện giải phóng mặt bằng của tỉnh Sơn La. “Theo quy định về hợp phần bồi thường hỗ trợ tái định cư được Thủ tướng giao cho địa phương. Do đó, tỉnh đề xuất bao nhiêu thì Bộ NN&PTNT cập nhật bấy nhiêu. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, hợp phần xây lắp không thay đổi nhưng hợp phần bồi thường hỗ trợ tái định cư vọt lên 3 lần. Chính vì thế, Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Sơn La phải báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ và bộ ban ngành để tháo gỡ”.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Hua La Lò Văn Tươi xác nhận: “Năm 2009 - 2010 có 194 hộ dân phải di dời, đến nay thì mới di dời được 40 hộ dân. Việc bồi thường chậm trễ dẫn tới có những tài sản như nhà, hoa màu của người dân đã được kiểm đếm từ năm 2010, nhưng đến năm 2018 - 2019 thì nhà hư hỏng, hoa màu thay đổi, muốn di dời lại chưa có số liệu để bồi thường”.

Theo ông Đào Mạnh Cường, Trưởng ban quản lý Dự án Thủy lợi số 1, người trực tiếp phụ trách dự án hồ Bản Mòng cho biết: “Tới nay đề xuất giao vốn bổ sung cho dự án đã được Chính phủ phê duyệt, bố trí đủ với tổng mức vốn điều chỉnh khoảng 220 tỷ đồng dành cho công tác giải phóng mặt bằng cũng như thi công xây lắp. Toàn bộ số vốn này sẽ được cấp hết trong năm nay. Tiến độ thi công của dự án cũng sẽ được hoàn thành trong năm nay. Đây là nhiệm vụ bắt buộc không thể kéo dài hơn”, ông Cường khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.