Chuyện dọc đường

Sòng phẳng quyền lợi và trách nhiệm

04/05/2017, 07:46

Chuyện thù lao cho Hội đồng quản trị, ban điều hành-một trong những chủ đề khá nóng ở mùa Đại hội cổ đông.

6

Cổ đông đề nghị tăng thù lao cho HĐQT Công ty CP Phân bón Bình Điền vì kết quả kinh doanh tốt đẹp - Ảnh Công Quang.

Đáng chú ý là tại ĐHCĐ của Ngân hàng TMCP Eximbank, nhiều cổ đông đã đề nghị “truy thu” mức thù lao chi vượt lên tới gần 52 tỷ đồng cho dàn lãnh đạo giai đoạn năm 2013-2015.

Đòi hỏi của cổ đông Eximbank là sòng phẳng và chính đáng. Mặc dù có nhiều nguyên nhân khách quan, song cũng không thể phủ nhận kết quả kinh doanh ì ạch nhiều năm gần đây có trách nhiệm của lãnh đạo ngân hàng này. Nợ xấu cao, trích lập dự phòng lớn, lợi nhuận èo uột, cổ đông nhiều năm liền không được nhận đồng cổ tức nào thì mức chi nói trên thật khó chấp nhận.

Còn nhớ, vào thời điểm “đỉnh cao” của Eximbank 5-7 năm về trước, ngân hàng này đã từng chấp thuận phương án thưởng tới 1 triệu USD cho vị lãnh đạo có công chèo lái ngân hàng đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là con số ấn tượng về lợi nhuận. Song, thời điểm đó, vị lãnh đạo nói trên đã từ chối nhận phần thưởng cho cá nhân mình mà đề nghị chia đều cho toàn bộ CBCNV ngân hàng.

Nói lại điều đó để thấy, cổ đông không hẹp hòi với lãnh đạo doanh nghiệp, nếu những cống hiến của họ thực sự xứng đáng. Mức chi cho HĐQT của nhiều doanh nghiệp, như: Vietjet Air, Vinamilk, PNJ... ở mức cao ngất ngưởng vẫn được ĐHCĐ thông qua vì gắn với hiệu quả hoạt động của những doanh nghiệp này. Thậm chí, cổ đông của Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền lại còn đề nghị tăng thù lao cho HĐQT và Ban kiểm soát để họ có thêm động lực làm ra nhiều lợi nhuận hơn cho cổ đông.

Đây cũng là điểm khác biệt không nhỏ giữa các công ty cổ phần với doanh nghiệp Nhà nước. Theo đó, tại doanh nghiệp Nhà nước, thu nhập của lãnh đạo được xếp theo ngạch, bậc mà không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp này ít có đột phá, vì quyền lợi và trách nhiệm không gắn bó chặt chẽ với nhau một cách sòng phẳng, minh bạch.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của khối các doanh nghiệp Nhà nước, một trong những việc cần làm là gắn trách nhiệm với quyền lợi của người đứng đầu. Theo đó, thu nhập của lãnh đạo khối doanh nghiệp này cũng cần được xét một cách công khai, minh bạch, sòng phẳng trên một số chỉ tiêu, trong đó quan trọng nhất vẫn là doanh thu, lợi nhuận. Khi đó, doanh nghiệp lãi nhiều, lãnh đạo lương cao và ngược lại. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.