Giá vé máy bay tăng bao nhiêu nếu dùng SAF?
Theo các chuyên gia, SAF là nhóm các loại nhiên liệu hàng không có thể giảm phát thải carbon, không phải nguồn gốc hoá thạch. SAF thân thiện với môi trường, được sản xuất từ các nguồn tài nguyên bền vững như dầu thải (bao gồm dầu ăn đã sử dụng), phụ phẩm nông nghiệp, sinh khối gỗ, rác thải đô thị... Những sinh khối này giúp hấp thụ carbon, qua đó chiết xuất các chuỗi carbon tương ứng, phối trộn với nguyên liệu hàng không hiện tại.
Việc sử dụng SAF thể giảm lượng khí thải CO2 lên đến 80% so với nhiên liệu máy bay thông thường. Chính vì thế, SAF được cho là giải pháp tối ưu để giảm khí thải, hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Nhiều chuyên gia nhận định, để sản xuất được SAF và đưa vào sử dụng là điều không hề đơn giản trong giai đoạn hiện tại. Chi phí cao, nguồn cung hạn chế, công nghệ phức tạp, tiêu chuẩn khắt khe… là những thách thức lớn mà các quốc gia đối mặt.
Tại hội thảo "Nhiên liệu hàng không bền vững & Giảm phát thải carbon trong chuỗi cung ứng nhiên liệu hàng không" ngày 22/4 tại TP.HCM do công ty Cổ phần Thương mại xăng dầu Tân Sơn Nhất (Tapetco) phối hợp với Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VBCSD-VCCI) tổ chức, ông Trần Trọng Khôi Vũ, Trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư Tapetco cho biết, hiện nay, Việt Nam chưa có cơ sở nào sản xuất nguyên liệu SAF 100%.
Để làm được nhiên liệu bền vững, ông Vũ cho rằng, Việt Nam sẽ đối diện với nhiều thách thức. Dù là đất nước nông nghiệp nhưng việc trồng, tạo ra sinh khối cho SAF còn hạn chế và cần sự hướng dẫn; một số sinh khối như dầu ăn thừa vẫn phải cạnh tranh với các ngành khác, mà thậm chí, ngay cả dầu ăn thừa cũng cần phụ gia để biến thành SAF.
Ngoài ra, các thách thức khác là phải hoàn thiện chuỗi cung ứng và công nghệ; có được sự ưu tiên của Chính phủ về chủ trương đầu tư…. Đặc biệt, nhiều cơ quan, ban ngành phải cùng bàn bạc, hoàn thiện khung pháp lý cho việc sản xuất cũng như sử dụng, phân phối SAF.
Với những thách thức này, nhiều người đặt câu hỏi, giá thành của SAF so với nhiên liệu truyền thống sẽ như thế nào? Khi sử dụng SAF, hành khách có phải trả chi phí vé máy bay cao hơn?
Ông Pieter Van Espen, Tổng giám đốc Công ty Uplift Internationa cho biết, theo ước tính, nếu một chuyến bay sử dụng 100% nhiên liệu SAF thì giá vé máy bay tăng gần 50% so với giá vé máy bay sử dụng nhiên liệu truyền thống. Đây là mức tăng đáng kể và sẽ là trở ngại lớn nếu không có giải pháp kéo giảm giá thành.
Cần chính sách hỗ trợ sản xuất SAF để kéo giảm giá vé máy bay
Ông Joseph Man, Quản lý cấp cao phụ trách khách hàng tiềm năng của Tập đoàn Neste Asia Pacific - đơn vị sản xuất SAF và diesel tái tạo cho biết, trong năm 2022, khách hàng của đơn vị này đã giảm được 11,1 triệu tấn khí thải nhà kính nhờ việc sử dụng những sản phẩm nhiên liệu tái tạo của Neste Asia Pacific.
Giải pháp mà Neste Asia Pacific mang lại cho thị trường là các sản phẩm dầu đốt tái tạo để cắt giảm 25% khí thải nhà kính. SAF của Neste Asia Pacific có thể giảm 85% khí thải carbon so với các loại có gốc nhiên liệu hóa thạch.
Trong thời gian tới, Neste Asia Pacific sẽ tiếp tục đa dạng hóa các loại nguyên liệu sản xuất SAF, có thể sử dụng các loại dầu từ tảo hoặc chất thải rắn đô thị. Với việc đa dạng hóa các loại nguyên liệu để sản xuất SAF, nhiều hãng bay kỳ vọng sẽ tăng năng lực sản xuất và đặc biệt là kéo giảm giá thành.
Ông Kelvin Lee, Phó giám đốc Hiệp hội Vận tải hàng không thế giới (IATA) cho biết, nguồn cung của SAF hiện nay đang rất hạn chế, bất kỳ số lượng SAF nào được sản xuất ra cũng đều được đặt mua và tiêu thụ hết.
Về giá thành giữa nhiên liệu truyền thống so với SAF sẽ dao động tùy thuộc vào công nghệ pha trộn hoặc độ hiếm, độ giới hạn của nguồn nguyên liệu. Do đó, nếu có thể gia tăng được nguyên liệu, ông Kevin hy vọng giá thành của SAF sẽ giảm.
Còn đối với giá vé máy bay khi sử dụng SAF, ông Kevin nhận định, chính phủ của mỗi quốc gia và các hãng hàng không cần nỗ lực nâng cao nhận thức cho hành khách, để khách hàng hiểu rằng, trách nhiệm kéo giảm khí thải ra môi trường không chỉ của các nhà sản xuất hay hãng hàng không, mà của chính những người sử dụng dịch vụ này. Đây là phương pháp mà Singapore đã thực hiện trước khi bắt buộc tỷ lệ nhiên liệu SAF đối với máy bay.
Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) dự báo, lượng khí thải CO2 từ lưu lượng hàng không quốc tế sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2050. Chính vì điều này, Liên hợp quốc đã thông qua Thỏa thuận Paris, một hiệp ước toàn cầu ràng buộc về mặt pháp lý, tại Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2015 (COP21) với sự đồng thuận của EU và 194 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Thỏa thuận đặt ra các mục tiêu chính để đạt được mức phát thải khí nhà kính (GHG) trên toàn cầu bằng 0 vào năm 2050 và hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5℃ vào cuối thế kỷ này.
"Các hãng hàng không cần tăng dần dần tỷ lệ chuyển đổi SAF, từ đó tăng dần dần giá vé thì hành khách có thể dễ chấp nhận. Đồng thời, các bên lập chính sách cần phải có khuyến khích về cơ chế giá vé", ông Kelvin Lee gợi ý.
Đặc biệt, để các chính sách SAF hiệu quả cần phải tăng sản lượng cung cấp SAF, tăng khả năng cạnh tranh giá của SAF so với nhiên liệu hàng không truyền thống, mỗi quốc giá cần hỗ trợ hoạt động của các cơ sở SAF, các hãng cần nhận diện các lợi ích môi trường mà SAF mang lại. Ngoài ra, cần có một số chính sách cần có để tạo nhu cầu SAF một cách có hệ thống, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ sản xuất mới và chuỗi cung ứng đi kèm.
Trong đó, các quốc gia cần thực hiện các biện pháp khuyến khích được ưu tiên trước, bao gồm: tạo lập một thị trường hoạt động thông qua các chính sách khuyến khích, thúc đẩy các đơn vị mới tham gia và đa dạng hóa hoạt động sản xuất SAF, ủng hộ sáng tạo đổi mới, giảm giá thành, hỗ trợ cơ sở sản xuất dùng công nghệ mới. Sau giai đoạn khuyến khích, cần có các chính sách bắt buộc để đạt được tầm nhìn trung và dài hạn nhằm tăng tốc sản xuất SAF.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận