Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp - Ảnh: TTXVN |
Tại phiên họp thứ tư của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 3/10, đa số ý kiến tán thành quan điểm chỉ sửa đổi 141 điều được xác định có sai sót về mặt nội dung, kỹ thuật trong BLHS 2015, không mở rộng sửa đổi những điều luật liên quan.
Chỉ sửa đổi 141 điều có sai sót
Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết về việc thi hành bộ luật này, các cơ quan hữu quan đã phát hiện và phản ánh về một số sai sót kỹ thuật, một số quy định chưa hợp lý hoặc khó áp dụng. Ngày 29/6, Quốc hội khóa XIII ban hành Nghị quyết về việc lùi hiệu lực thi hành của BLHS năm 2015 cùng ba luật khác có liên quan; Đồng thời, bổ sung dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 để trình Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 2.
Trình bày Tờ trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, phạm vi sửa đổi, bổ sung lần này liên quan đến 141 điều của Bộ luật, gồm 18 điều thuộc Phần Những quy định chung và 123 điều thuộc Phần Các tội phạm, trong đó có 43 điều sửa đổi về kỹ thuật, 97 điều sửa đổi về nội dung quy định trong điều luật và bãi bỏ một điều.
Tán thành với quan điểm của Chính phủ, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, phạm vi sửa đổi BLHS lần này chỉ nên nằm trong khung 141 điều có sai sót, không nên mở rộng. Theo ông, có những vấn đề đưa vào không đơn thuần chỉ là vấn đề kỹ thuật, mà có khi thêm một cụm từ vào điều luật đã thành chuyện hoàn toàn khác. “Nếu sai 141 điều thì chỉ sửa ở trong khung này. Còn nếu nhân dịp này tiếp tục sửa rộng ra thì cần xem xét cẩn trọng”, ông Hiển nêu quan điểm.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, thống nhất sửa đổi, bổ sung những điều có sai sót về kỹ thuật, nội dung đã được chỉ ra. “Về nội dung liên quan đến các chính sách hình sự, phải đảm bảo yêu cầu có sự đồng thuận thống nhất cao giữa các cơ quan vì bộ luật này đã trình rất lâu, lấy ý kiến của nhiều cơ quan, nếu cứ tranh luận thì sẽ tiếp tục như vậy, nên với những chính sách hình sự không trái với chủ trương của Đảng, với yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm thì không đụng đến nữa”, ông Lưu nhấn mạnh.
Bỏ quy định tội “Kinh doanh trái phép trên mạng”
Theo Tờ trình của Chính phủ, BLHS 2015 đã bỏ tội Kinh doanh trái phép. Tuy nhiên, trong bối cảnh các hành vi kinh doanh trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông đang có xu hướng tăng mạnh với khả năng gây nguy hại nhanh, quy mô ngày càng lớn và mức độ nguy hiểm ngày càng cao, BLHS năm 2015 đã bổ sung một tội danh mới liên quan để xử lý hành vi cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông đối với 5 nhóm dịch vụ: Kinh doanh vàng trên tài khoản, sàn giao dịch thương mại điện tử, kinh doanh đa cấp, trung gian thanh toán, trò chơi điện tử trên mạng và các loại dịch vụ khác mà không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhận thấy một số vấn đề bất hợp lý, như BLHS đã bỏ tội kinh doanh trái phép nhưng Điều 292 lại quy định tội “kinh doanh trái phép trên mạng” là không phù hợp; trong danh mục các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện có đến 267 ngành, nghề nhưng Điều 292 chỉ quy định xử lý hình sự đối với một số ít ngành, nghề trong số đó là có sự bất bình đẳng... Do đó, để bảo đảm sự thống nhất, bình đẳng trong chính sách xử lý đối với các hành vi kinh doanh trái phép, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung đã loại bỏ tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông quy định tại Điều 292 của BLHS năm 2015.
Đại diện cơ quan thẩm tra - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban tán thành với dự thảo Luật về việc bỏ Điều 292 về tội kinh doanh trái phép trên mạng. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị giữ lại và đưa vào các chương tương ứng quy định hành vi cấm kinh doanh vàng tài khoản; kinh doanh đa cấp bất chính… trên mạng máy tính, mạng viễn thông vì phạm vi ảnh hưởng, tính chất và mức độ nguy hiểm cao cho xã hội, hậu quả lớn, rất khó khắc phục cần phải có quy định để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Đồng tình với quan điểm bỏ Điều 292 của Chính phủ, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, cần giữ lại hành vi cấm kinh doanh vàng tài khoản và kinh doanh đa cấp bất chính.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng bày tỏ quan điểm thống nhất bỏ Điều 292: “Điều này khi đưa vào luật thì thấy rất mông lung, lại không phù hợp với chủ trương của chúng ta khi chúng ta đang khuyến khích công nghệ thông tin”.
Lùi thời hạn trình Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, tại Kỳ họp thứ 2 (dự kiến khai mạc cuối tháng 10), Quốc hội sẽ cho ý kiến dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Chính phủ đề nghị chưa trình dự án Luật Phòng, chống tham nhũng tại Kỳ họp thứ 2 mà đợi sau khi tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết T.Ư 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí để có cơ sở đầy đủ để khi dự án Luật được trình ra Quốc hội được sửa đổi toàn diện, nghiêm túc, phù hợp với thực tiễn, đi vào cuộc sống. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận