Phó thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP, trình Chính phủ trong tháng 9/2024.
Đồng thời, Bộ Tài chính được giao chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28 năm 2021 quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Nghị định số 69 năm 2019 của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao theo chức năng, nhiệm vụ được giao quy định tại khoản 1 Điều 91 Luật PPP.
Nhiệm vụ này cần hoàn thành và trình Chính phủ trong tháng 9/2024.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Bộ Giao thông vận tải, Công thương, Xây dựng, Tư pháp, Nội vụ, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường các cơ quan liên quan trong quá trình soạn thảo và thống nhất các nội dung sửa đổi, bổ sung tại các nghị định nêu trên.
Qua đó, bảo đảm đồng bộ, toàn diện, giải quyết dứt điểm vướng mắc của các dự án theo hình thức hợp đồng BT chuyển tiếp, đang triển khai dở dang, trong đó tăng cường phân cấp và trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền ký kết hợp đồng BT.
Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, từ khi Luật PPP và các Nghị định quy định chi tiết Luật này có hiệu lực thi hành đến hết năm 2022, có 24 dự án PPP mới được thực hiện theo quy định của Luật PPP (10 dự án đã được phê duyệt, 14 dự án đang chuẩn bị đầu tư) và 295 dự án PPP (trong đó có 160 dự án áp dụng loại hợp đồng BT) đang thực hiện theo quy định chuyển tiếp của Luật này.
Hầu hết các dự án PPP mới triển khai theo quy định của Luật PPP đều là các dự án trọng điểm, có quy mô lớn của quốc gia.
Tuy nhiên, việc thực hiện các Nghị định về đầu tư theo phương thức PPP còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc. Do vậy, việc xem xét sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết Luật PPP là cần thiết, bảo đảm căn cứ pháp lý và thực tiễn cũng như chỉ đạo của Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận