Sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung mới
Ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết, Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) được Bộ GTVT xác định là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu nhằm cụ thể hóa định hướng phát triển kinh tế - xã hội được Đại hội Đảng thông qua.
Bộ GTVT sẽ tiếp thu tối đa ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, chuyên gia, cá nhân để hoàn thiện dự thảo luật, trình cấp thẩm quyền.
Ông Cảnh cho biết, Dự thảo Luật có 8 chương, 79 điều. Trong đó, ngoài những quy định được kế thừa Luật Đường sắt 2017, sửa đổi, bổ sung các quy định về đầu tư xây dựng công trình đường sắt, về khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt, về trách nhiệm của các chủ thể và kinh phí trong việc quản lý, bảo trì KCHT đường sắt; Sửa đổi, bổ sung một số quy định để làm tiền đề phát triển công nghiệp đường sắt…
Dự thảo cũng quy định về khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt; Quy định về đầu tư, xây dựng, quản lý và khai thác KCHT đường sắt của chính quyền địa phương đối với đường sắt vùng; Quy định về đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống; Quy định về phát triển công nghiệp đường sắt và đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho đường sắt; Một số quy định liên quan đến bảo vệ môi trường.
Giới thiệu các chính sách mới về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt, ông Nguyễn Huy Hiền, Phó cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết, dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) bổ sung loại hình đường sắt vùng và trách nhiệm của các chủ thể trong việc đầu tư xây dựng, bảo trì, vận hành khai thác đường sắt vùng nhằm khuyến khích nguồn lực đầu tư từ địa phương và tạo ra thế chủ động cho địa phương được đầu tư xây dựng đường sắt phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Cùng đó, bổ sung quy định được phép lập thiết kế kỹ thuật tổng thể (Front - End Engineering Design, sau đây gọi là thiết kế FEED) thay cho thiết kế cơ sở trong báo cáo nghiên cứu khả thi để rút ngắn thời gian thực hiện dự án đối với dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị áp dụng công nghệ cao, công nghệ mới thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Bổ sung quy định về khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt nhằm khai thác tối đa các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt và trách nhiệm của các chủ thể trong việc thực hiện.
Liên quan đến chính sách phát triển công nghiệp đường sắt và nguồn nhân lực đường sắt, ông Dương Hồng Anh, Phó cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết, các dự án đường sắt trong thời gian tới, đặc biệt là dự án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và các dự án đường sắt đô thị, sẽ tạo thị trường rất lớn cho ngành công nghiệp đường sắt.
Nhằm từng bước tự chủ trong việc nghiên cứu sản xuất một số loại vật tư, trang thiết bị chủ yếu (ray, ghi, thiết bị thông tin tín hiệu điện...), phương tiện đường sắt, rất cần có cơ chế đặc thù để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước được Nhà nước đặt hàng thực hiện một số nhiệm vụ phát triển công nghiệp đường sắt trọng điểm, có tính chiến lược, làm tiền đề phát triển công nghiệp đường sắt.
Vì vậy, dự thảo Luật đã bổ sung quy định sản phẩm công nghiệp có tính đặc thù như: thông tin tín hiệu, đầu máy toa xe, vật tư đặc chủng (ray, ghi, phụ kiện) là sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên đầu tư, khuyến khích phát triển; quy định về cơ chế, tiêu chí đặt hàng, giao nhiệm vụ cho tổ chức, doanh nghiệp trong nước thực hiện một số nhiệm vụ phát triển công nghiệp đường sắt trọng điểm.
Bổ sung quy định về chuyển giao công nghệ, về đào tạo; quy định chuyên gia, nhà khoa học tham gia vào lĩnh vực nhận chuyển giao công nghệ, sản xuất các sản phẩm công nghiệp đường sắt được hưởng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút, sử dụng nhân lực công nghệ cao...
Tạo hành lang pháp lý, huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt
Hội thảo cũng đã nghe ông Nguyễn Ngọc Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT nêu các kết quả chủ yếu dự án "Những kinh nghiệm quốc tế tốt hỗ trợ Cục Đường sắt VN xây dựng dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi)". Trong đó, tập trung vào các chuyên đề: Đường sắt tốc độ cao; Đường sắt đô thị; Biến đổi khí hậu; Quản lý an toàn đường sắt và khuyến nghị các nội dung sửa đổi, bổ sung trong Luật Đường sắt (sửa đổi).
Riêng về kinh nghiệm quốc tế trong phát triển đường sắt tốc độ cao, ông Đông nhấn mạnh, các quốc gia trên thế giới chủ yếu đầu tư đường sắt tốc độ cao phục vụ vận tải hành khách; vận tải hàng hóa cũng đang được khai thác ở một số quốc gia nhưng chưa rộng rãi.
"Đầu tư đường sắt tốc độ cao trên thế giới hầu hết đều theo hình thức đầu tư công. Một số ít tuyến được đầu tư theo hình thức PPP nhưng vẫn cần sự hỗ trợ lớn của nhà nước như hỗ trợ chi phí xây dựng hoặc theo hình thức nhà nước thanh toán cho chi phí vận hành và bảo trì để giảm rủi ro về doanh thu cho nhà đầu tư", ông Đông nói.
Vì vậy, theo ông Đông, cần bổ sung trong dự thảo Luật các quy định về vai trò của Nhà nước huy động nguồn lực tập trung ưu tiên đầu tư phát triển đường sắt tốc độ cao; về vai trò, trách nhiệm của địa phương tham gia dự án đường sắt tốc độ cao đi qua địa phương…
Tại hội thảo, các đại biểu từ các địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến. Trong đó, đề nghị sửa đổi sao cho tạo hành lang pháp lý rộng, thuận lợi, huy động được các chủ thể, nguồn lực tham gia đầu tư, phát triển hạ tầng, kinh doanh hạ tầng, vận tải và dịch vụ hỗ trợ ngoài vận tải; huy động được các nguồn lực trong nước phát triển công nghiệp đường sắt; đảm bảo kết nối với các phương thức vận tải khác để phát huy đồng bộ các phương thức…
Ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho biết, những quy định hiện hành quá chi tiết nên khi sửa Luật vô cùng khó khăn, vì vậy Luật Đường sắt (sửa đổi) không nên chi tiết hóa, mà chỉ mang tính nguyên tắc.
"Cần có cách tiếp cận mới khi xây dựng luật: Luật phải quy định khung và có tầm nhìn xa; không luật hóa các nghị định thuộc thẩm quyền của Chính phủ và thông tư; không hành chính hóa; Luật phải tiếp cận được và linh hoạt trong xử lý tình huống thực tế xảy ra khi tổ chức thực hiện", ông Trường nêu quan điểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận