Đường thủy

Sửa Nghị định về quản lý đường thủy nội địa

01/07/2024, 06:00

Cục Đường thủy nội địa VN đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa.

Xóa khoảng trống pháp lý

Theo Cục Đường thủy nội địa VN, Nghị định Quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa được xây dựng để thay thế Nghị định số 08/2021 của Chính phủ.

Sửa Nghị định về quản lý đường thủy nội địa- Ảnh 1.

Cục Đường thủy nội địa VN xin ý kiến rộng rãi về dự thảo Nghị định Quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa.

Khẳng định việc xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định 08 nhằm điều chỉnh phù hợp hơn với thực tiễn, Cục Đường thủy nội địa VN cho hay: Bộ GTVT đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành nhiều thông tư nhằm thống nhất quản lý trong phạm vi cả nước. 

Tuy nhiên, vì có nhiều văn bản điều chỉnh hoạt động trong một lĩnh vực, nên các quy định tản mạn, khó tra cứu, việc tiếp cận với quy định pháp luật của người dân, doanh nghiệp chưa được thuận lợi.

Các quy định còn thiếu sự liên kết giữa các ngành vận tải, giữa giao thông đường thủy với quản lý lưu vực sông, chưa đánh giá hết và huy động được năng lực và khả năng phát triển của ngành đường thủy nội địa. 

Một số quy định về thủ tục hành chính để giải quyết nhu cầu của người dân, doanh nghiệp liên quan đến đầu tư xây dựng, khai thác đường thủy nội địa và cảng bến thủy nội địa còn phức tạp, đặc biệt quy định liên quan đến quy hoạch còn nhiều bất cập. 

Quy định về thủ tục cho phương tiện vào, rời cảng, bến thủy nội địa chưa điều chỉnh hết tình huống trong thực tế, như đối với phương tiện, tàu biển vào sửa chữa, hoán cải... Điều này dẫn đến tình trạng không có quy định để thực hiện; giải quyết không thống nhất giữa các đơn vị, địa phương, gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải...

Sửa Nghị định về quản lý đường thủy nội địa- Ảnh 2.

Các quy định hiện hành còn nhiều vướng mắc trong phân cấp, phân quyền quản lý cảng, bến thủy nội địa (Ảnh: Tạ Hải).

Về kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, hiện nay còn trên 15.000km sông, kênh, rạch và hàng chục ngàn km2 vùng nước ngoài phạm vi luồng ĐTNĐ có ảnh hưởng đến hoạt động vận tải, nhưng chưa được phân định tổ chức quản lý rõ ràng. Đây là khoảng trống tạo ra các bất cập về ATGT, khai thác tài nguyên khoáng sản, môi trường.

Cùng đó, trên các tuyến hiện có 6.274 bến thủy nội địa, trong đó có 20,3% bến không phép. Những bến thủy không phép vẫn hoạt động khai thác, gây mất an toàn cho các công trình, ảnh hưởng đến ATGT.

Nhiều quy định mới

Khắc phục các bất cập trên, tại dự thảo Nghị định đã có nhiều nội dung mới như: Tách bạch hoạt động cấp phép tàu vào, rời cảng, bến và hoạt động kiểm tra thuyền viên, người điều khiển phương tiện, phương tiện.

Phân cấp, bổ sung nhiệm vụ của cảng vụ đối với hoạt động quản lý đầu tư xây dựng và khai thác luồng đường thủy nội địa.

Dự thảo Nghị định cũng sửa đổi bổ sung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc quy định và hướng dẫn thủ tục đối với việc xin xây dựng cảng, bến trong phạm vi hành lang bảo vệ đê điều; Trách nhiệm bố trí đất theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt của địa phương.

Bổ sung quy định về giải thích từ ngữ đối với vùng nước thủy nội địa, khu vực cửa khẩu cảng thủy nội địa và quy định đối với một số nội dung liên quan đến sự phù hợp, tuân thủ quy hoạch do một số công trình, báo hiệu, nhà trạm… không thuộc đối tượng quy hoạch theo Luật Quy hoạch...

Nghiên cứu chấm điểm chất lượng bảo dưỡng công trình đường thủyNghiên cứu chấm điểm chất lượng bảo dưỡng công trình đường thủy

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư Quy định tiêu chí giám sát, đánh giá chất lượng, nghiệm thu bảo dưỡng thường xuyên công trình đường thủy nội địa theo chất lượng thực hiện.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.