Hàng hải

Sửa Nghị định về quản lý hoạt động hàng hải, phân cấp mạnh mẽ hơn

21/04/2023, 16:11

Ngoài việc phân cấp thẩm quyền mạnh mẽ hơn, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 58/2017 cũng bổ sung nhiều quy định mới.

Cảng vụ hàng hải có thêm nhiều trách nhiệm mới

Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 58/2017 quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải VN về quản lý hoạt động hàng hải.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung nhiều hạng mục để phù hợp với thực tiễn và cũng như thực hiện phân cấp, phân quyền giải quyết thủ tục hành chính theo Quyết định 1015 của Thủ tướng Chính phủ.

img

Theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 58/2017, các Cảng vụ hàng hải tiếp nhận các thủ tục chấp thuận thiết lập báo hiệu hàng hải. Ảnh minh họa

Cụ thể, trong việc đầu tư xây dựng báo hiệu hàng hải, theo quy định hiện hành, các tổ chức, cá nhân quy định trước khi tiến hành thiết lập báo hiệu hàng hải phải được sự chấp thuận của Cục Hàng hải VN về vị trí, quy mô, loại báo hiệu hàng hải theo quy định.

Tại dự thảo thông tư mới, cùng với Cục Hàng hải VN, cảng vụ hàng hải khu vực cũng được phân quyền thực hiện nhiệm vụ này. Tuy nhiên, với báo hiệu ngoài vùng nước cảng biển hoặc hệ thống báo hiệu hàng hải nằm trong nhiều vùng nước cảng biển thuộc quản lý của các Cảng vụ, Cảng vụ phải lấy ý kiến của Cục Hàng hải VN để bảo đảm triển khai đồng bộ và đúng quy hoạch được phê duyệt.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định phân quyền cho Cảng vụ hàng hải (thay vì Cục Hàng hải VN theo quy định hiện hành) trong việc tiếp nhận các thủ tục chấp thuận thiết lập báo hiệu hàng hải. Cảng vụ hàng hải tiếp nhận hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì trong 2 ngày làm việc từ khi nhận được hồ sơ, Cảng vụ hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Trường hợp hồ sơ hợp lệ thì trong thời hạn 5 ngày làm việc từ ngày nhận được hồ sơ, Cảng vụ có văn bản chấp thuận thiết lập báo hiệu hàng hải.

Với việc vận chuyển hành khách, hàng hóa, khai thác khoáng sản, cắm đăng đáy, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản trong vùng nước cảng biển, theo quy định hiện hành, Cảng vụ hàng hải là cơ quan chịu trách nhiệm cấp phép.

Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND cấp huyện. Chậm nhất 1 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản đề nghị, Chủ tịch UBND cấp huyện phải có văn bản xin ý kiến của Cảng vụ hàng hải khu vực bằng văn bản, để có quyết định về việc chấp thuận đề nghị hay không.

Bổ sung nhiều quy định mới

Một trong những đề xuất bổ sung ở dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 58/2017 là bổ sung nhiệm vụ đột xuất bảo đảm an toàn hàng hải (bao gồm việc khảo sát chướng ngại vật, thiết lập và thu hồi báo hiệu chướng ngại vật; nạo vét duy tu đột xuất luồng hàng hải công cộng; khảo sát xác định hướng tuyến luồng và điều chỉnh hệ thống báo hiệu hàng hải để tận dụng độ sâu tự nhiên vào chạy tàu).

img

Cục Hàng hải VN đề xuất bổ sung nhiều nhiệm vụ đột xuất bảo đảm an toàn hàng hải

Lý giải của Cục Hàng hải VN, Nghị định 05/2017 của Chính phủ quy định về xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam, quy định khi tiếp nhận thông tin về tài sản chìm đắm, các cơ quan phải tổ chức thiết lập báo hiệu cảnh báo, thông báo hàng hải, đường thủy nội địa và điều tiết giao thông nếu cần thiết để đảm bảo an toàn cho hoạt động của tàu thuyền.

Chủ sở hữu tài sản chìm đắm có trách nhiệm thanh toán khoản chi phí này. Nếu không xác định được chủ sở hữu mà số tiền thu được từ việc trục vớt, bán tài sản không đủ bù đắp chi phí thì được ngân sách nhà nước cấp bổ sung.

Thực tế có nhiều vụ chìm đắm tài sản không xác định được chủ sở hữu tài sản. Trong khi, công tác thiết lập báo hiệu chướng ngại vật phải thực hiện kịp thời để đảm bảo an toàn hành hải. Do đó, cơ quan này đề nghị đưa nhiệm vụ này vào danh mục nhiệm vụ đột xuất bảo đảm an toàn hàng hải.

Cùng đó, đề nghị bổ sung nạo vét duy tu đột xuất luồng hàng hải công cộng để đảm bảo an toàn giao thông theo hình thức chỉ định thầu rút gọn với các nhiệm vụ đột xuất do nguyên nhân bất khả kháng mà nếu không thực hiện, có nguy cơ mất an toàn hàng hải hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động hàng hải).

Với đề xuất về khảo sát điều chỉnh tuyến luồng và hệ thống báo hiệu hàng hải để tận dụng độ sâu tự nhiên vào chạy tàu, Cục Hàng hải VN khẳng định là nhiệm vụ cần thiết.

Cụ thể, do tác động của dòng chảy, một số tuyến luồng hàng hải thường xuyên bị thay đổi hướng tuyến (như luồng Định An - Cần Thơ…). Nếu thực hiện nạo vét duy tu theo hướng tuyến cố định để đảm bảo chuẩn tắc thiết kế cho tàu hành hải thì chi phí cao, không hiệu quả. Trong khi, việc khảo sát điều chỉnh hướng tuyến của luồng và hệ thống báo hiệu hàng hải để tận dụng độ sâu tự nhiên cho tàu hành hải với chi phí thấp nên có hiệu quả kinh tế cao hơn so với nạo vét duy tu.

Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung hạng mục xây dựng, sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ sự nghiệp công bảo đảm an toàn hàng hải. Nguyên nhân do các hạng mục này cần nguồn kinh phí để tổ chức thực hiện.

Cụ thể, trong Thông tư 19/2022 của Bộ GTVT quy định về bảo trì công trình hàng hải, các nội dung trong kế hoạch bảo trì công trình hàng hải gồm xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật phục vụ công tác bảo trì công trình hàng hải. Trong khi đó, định mức kinh tế - kỹ thuật bảo đảm an toàn hàng hải hiện tại được xây dựng dựa trên cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có tại hai TCT Bảo đảm an toàn hàng hải.

Cục Hàng hải VN cho biết, các mức hao phí trong định mức hầu hết chưa được quy định hao phí theo ca máy mà tính theo thực tế bố trí phương tiện, thiết bị hiện có, chưa đảm bảo tính trung bình tiên tiến, ổn định và thống nhất. Chưa kể, một số thiết bị, phương tiện của các Tổng công ty BĐATHH đã lạc hậu, tiêu hao nhiên liệu lớn làm tăng kinh phí cung ứng dịch vụ sự nghiệp công bảo đảm an toàn hàng hải.

Để khắc phục tồn tại trên và đảm bảo công tác này được khách quan, đảm bảo tính trung bình tiên tiến, ổn định, thống nhất và các định mức hao phí theo ca máy, cần phải có đơn vị tư vấn độc lập có đủ năng lực để thực hiện. Tuy nhiên, kinh phí thuê tư vấn chưa được cấp có thẩm quyền bố trí.

Trong hoạt động lai dắt tàu thuyền, Cục Hàng hải VN đề nghị bổ sung hạng mục: Các phương tiện thủy nội địa vận chuyển hàng container có chân vịt mũi, có chiều dài dưới 95 m, kết nối cảng biển với cảng thủy nội địa được miễn tàu lai khi cập cầu.

Điều này nhằm triển khai thực hiện Đề án phát triển đội tàu vận tải biển của Việt Nam. Theo quy định hiện hành, tàu thuyền có chiều dài lớn nhất từ 80m trở lên bắt buộc phải có tàu lai hỗ trợ khi cập và rời cảng.

Cục Hàng hải cho rằng, quy định này hiện không phù hợp với thực tế phát triển của ngành, vì với sự tiến bộ về kỹ thuật đóng mới tàu thuyền, để đảm bảo an toàn hành hải và tối ưu hiệu quả hoạt động vận tải, các tàu đều được trang bị chân vịt mũi.

Ngoài ra, hiện nay còn nhiều cầu trên các tuyến vận tải thủy có tĩnh không khá thấp (từ 5-7m như cầu Bình Triệu cũ, cầu Đồng Nai cũ, các cầu khu vực ĐB sông Cửu Long) làm ảnh hưởng đến lưu thông đường thủy, hạn chế khả năng chất xếp container trên tàu.

Để giảm ảnh hưởng của hạn chế tĩnh không cầu, giúp các phương tiện hoạt động thông suốt và tăng năng lực chất xếp hàng hóa, cần sửa đổi để cho phép các phương tiện thủy có chân vịt mũi chuyên chở container có chiều dài nhỏ hơn hoặc bằng 92 m không bắt buộc phải có tàu lai khi cập và rời cảng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.