Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các hệ thống ngăn ngừa ô nhiễm biển của tàu (QCVN 26: 2023) nhằm phù hợp với các nội dung của Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra (Marpol) mà Việt Nam tham gia, đồng thời, tham khảo các quy phạm tương ứng của đăng kiểm Nhật (NK) và thực tiễn áp dụng hiện nay.
Theo đó, tại quy định về kiểm tra bất thường, Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy định kiểm tra không có đăng kiểm viên tham dự.
Cụ thể, thay cho kiểm tra thông thường theo định kỳ có sự tham dự của đăng kiểm viên, đăng kiểm có thể chấp nhận các phương pháp kiểm tra mà đăng kiểm xét thấy các thông tin về nội dung kiểm tra nhận được tương đương với nội dung kiểm tra thông thường có đăng kiểm viên tham dự.
Dự thảo quy chuẩn mới cũng bổ sung quy định về ngăn ngừa ô nhiễm đối với các tàu hoạt động ở các vùng nước địa cực sao cho phù hợp với Bộ luật quốc tế về các tàu hoạt động ở các vùng nước địa cực; Các quy định đối với tàu lắp đặt hệ thống làm sạch khí xả, tái tuần hoàn khí xả; Quy định về sử dụng nhật ký điện tử…
Đối với hàm lượng lưu huỳnh của dầu đốt được chở để sử dụng trên tàu, dự thảo đề xuất bổ sung quy định không được vượt quá 0,50% theo khối lượng.
Tại dự thảo quy chuẩn mới, Bộ GTVT cũng đề xuất miễn áp dụng các quy định về ngăn ngừa ô nhiễm dầu, ô nhiễm nước thải, ô nhiễm khí thải của các sà lan không có máy sử dụng dầu, không tự chạy và không có người trên sà lan.
Đồng thời, sửa đổi các quy định về ngăn ô nhiễm dầu trong buồng máy, yêu cầu trang bị thiết bị lọc dầu, két dầu cặn, két giữ nước đáy tàu theo hướng như quy định tại Công ước Marpol.
Ngoài ra, còn đề xuất bỏ trang bị lọc dầu cho tàu cao tốc tuyến nội địa, bỏ trang bị thiết bị lọc dầu cho tàu dầu GT dưới 400; bỏ áp dụng quy định về Nox cho các động cơ lắp đặt lên tàu nội địa và bỏ quy định về hiệu chuẩn thiết bị báo động 15 ppm đối với tàu biển nội địa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận