Ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ khẳng định như vậy khi trao đổi với Báo Giao thông về vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ông Phạm Quang Vinh.
Từ quá khứ kiên cường đến hiện tại đổi mới
Quan niệm về "sức mạnh mềm" ngày càng trở nên phổ biến, được sử dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?
Joseph Nye Jr., Giáo sư Đại học Harvard được xem là "cha đẻ" của khái niệm "quyền lực mềm" hay còn gọi là "sức mạnh mềm". Ông định nghĩa quyền lực mềm là một loại năng lực, có thể giúp đạt được mục đích thông qua sức hấp dẫn chứ không phải ép buộc hoặc dụ dỗ.
Ở trong nước, chúng ta phải từng bước đổi mới, phát triển nâng cao nội lực đủ để có thể bước vào cuộc chơi toàn cầu. Đơn cử như chuyển đổi xanh, nếu không thay đổi để đáp ứng các tiêu chuẩn về khí thải, về lao động thì sau này sẽ chẳng thể xuất khẩu sang các thị trường châu Âu…
Ông Phạm Quang Vinh
Ba thành tố làm nên sức mạnh mềm là giá trị dân tộc, giá trị đất nước (văn hóa, thể chế) và các công cụ chính sách đối ngoại.
Soi chiếu với Việt Nam, theo ông sức mạnh mềm được thể hiện thế nào?
Đó là sức mạnh kết nối từ quá khứ đấu tranh kiên cường, đến hiện tại đổi mới, hội nhập.
Thế giới nhìn thấy ở Việt Nam với một bề dày lịch sử dựng nước và giữ nước anh hùng, bất khuất trước đây. Còn ngày nay là một "Việt Nam mới", vừa kết nối được cả chiều dài bản sắc, lịch sử văn hóa dân tộc, vừa vươn lên và hội nhập.
Chúng ta làm bạn với các nước trên nguyên tắc công bằng, bình đẳng, cùng có lợi, rủi ro chia sẻ. Nếu có tranh chấp thì giải quyết bằng hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, cùng tham gia vào công việc chung vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển.
Chỉ nhìn lại 3-5 năm qua, chúng ta đón hơn 100 đoàn quốc tế đến thăm, trong đó có 3 lãnh đạo cường quốc hàng đầu thế giới là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, tham gia vào một loạt hợp tác đa phương của khu vực và quốc tế cả kinh tế và chính trị... Sức mạnh mềm chính là ở đó.
Sức mạnh từ ý chí và sự chính nghĩa
Nhìn lại quá khứ, sức mạnh mềm của Việt Nam được biểu hiện qua những ví dụ cụ thể nào? Sức mạnh đó có ý nghĩa ra sao trong công cuộc giải phóng dân tộc, giành độc lập, thống nhất đất nước, thưa ông?
Ngay khi vừa giành độc lập, trong bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh giá trị của bình quyền, tự do, hạnh phúc. Điều đó không chỉ đại diện cho khát vọng của riêng Việt Nam mà còn của cả thế giới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại Lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa hai nước ngày 19/8.
Tiếp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi Tổng thống Hoa Kỳ; lời kêu gọi gửi Liên hợp quốc; lời tuyên bố toàn quốc kháng chiến…
Trong tất cả các văn bản đó đều thể hiện rằng Việt Nam sẵn sàng, mong muốn mở rộng hợp tác quốc tế nhưng phải trên nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền; không mong muốn chiến tranh và chỉ khi bắt buộc mới phải cầm súng.
Chính sự kiên định và ý chí đó đã tạo được nền tảng về chính trị, gửi đến thế giới thông điệp về chính nghĩa.
Đặc biệt sau Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, chúng ta đã trở thành biểu tượng độc lập giữa thế giới thuộc địa, dần tạo được phong trào ủng hộ Việt Nam rất lớn trên trường quốc tế...
Còn hiện nay, trong bối cảnh tình hình thế giới biến động khôn lường, theo ông sức mạnh mềm được Việt Nam vận dụng khéo léo ra sao?
Việt Nam bắt đầu tham gia vào ASEAN từ năm 1995. Đó là lần đầu tiên chúng ta tham gia vào hội nhập kinh tế khu vực, như một bước đà để sau này tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và giờ là chuỗi cung ứng rộng lớn. Tất cả cho thấy chúng ta dám chơi, dám chấp nhận nguyên tắc của thế giới.
Về ứng xử trong cạnh tranh với các nước lớn, quốc gia nào cũng xác định không chọn bên nhưng chúng ta không chỉ không chọn bên mà còn chơi được với các bên chủ chốt.
Dấn thân vào "những cuộc chơi lớn"
Nếu có thể nói ngắn gọn để mô tả về sức mạnh mềm của Việt Nam, ông sẽ nói thế nào?
Tôi nghĩ là từ "dấn thân". Chúng ta dám dấn thân trong bảo vệ Tổ quốc vì độc lập tự do; dám dấn thân, tham gia các cuộc chơi lớn của thế giới.
Từ dấn thân vừa thể hiện sự quyết tâm, đi trước và nỗ lực, quyết tâm dám tham gia cuộc chơi của mình.
Không ai nghĩ Việt Nam có thể thoát nghèo, từ nước thiếu gạo thành xuất khẩu gạo và hơn cả, là một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Không ai nghĩ một Việt Nam từng có chiến tranh với một số nước lớn nhưng giờ đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện.
Chúng ta dám tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ở lại đến cuối (nay là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP). Nhiều nước khác trước đây không dám tham gia để bảo vệ thị trường nội địa của họ.
Về ứng xử với khu vực trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn, chúng ta thể hiện rõ nguyên tắc độc lập tự chủ nhưng đồng thời dám chơi với các nước đó mà không sợ rơi vào bẫy cạnh tranh. Ta không chỉ có quan hệ tốt mà còn kéo các nước vào cùng tham gia hợp tác, chơi cuộc chơi của mình.
Việt Nam sẽ tận dụng và phát huy sức mạnh mềm như thế nào để hướng tới mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao, thưa ông?
Mỗi thời điểm, chúng ta có một thông điệp. Khi vừa giành độc lập và đất nước còn chiến tranh, chúng ta xác định hai thông điệp lớn là chính nghĩa và sẵn sàng chiến đấu vì độc lập để thu hút được sự ủng hộ của quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.
Nhưng bây giờ, thông điệp về phát triển đất nước, đóng góp vì hòa bình ổn định chính là điều chúng ta muốn mang tới thế giới.
Để đưa đất nước phát triển đạt thu nhập ở mức cao, chắc chắn chúng ta phải dựa vào đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.
Ba điểm này không phải ngẫu nhiên mà có, đòi hỏi đổi mới sâu rộng để có thể hướng theo phát triển chất lượng cao, bền vững, xanh hơn.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận