Hình tượng hóa "ngoại giao cây tre Việt Nam"
Nói về dấu ấn ngoại giao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, điều đầu tiên các chuyên gia nhắc tới là trường phái "ngoại giao cây tre Việt Nam".
Theo nguyên Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Tây Ban Nha và Cộng hòa Philippines Trương Triều Dương, khái niệm về phong cách "ngoại giao cây tre Việt Nam" đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu bật trong bài phát biểu dài 60 phút tại Hội nghị đối ngoại đầu tiên trong lịch sử, do Bộ Chính trị và Ban Bí thư chủ trì ngày 14/12/2021.
Tổng Bí thư khẳng định, hơn 90 năm qua, Việt Nam đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc, độc đáo trong thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam.
Để làm rõ hơn, ông đã hình tượng hóa phong cách ngoại giao Việt Nam theo hình ảnh của cây tre với "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển", thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.
Đầu tiên chúng ta phải giữ lấy cái gốc. Đó chính là bản chất, sức mạnh, sự đoàn kết của dân tộc, được vun đắp giữ gìn để tạo thành gốc vững mạnh và "bất biến". Còn phần thân tre có thể "ứng vạn biến", mềm mỏng linh hoạt để vượt qua phong ba bão táp, vươn lên mạnh mẽ.
Theo Đại sứ Trương Triều Dương, bản sắc ngoại giao này đã thể hiện rất sống động trong thời gian qua, nhất là khi tình hình thế giới đã có những thay đổi khôn lường; xung đột, chiến tranh leo thang, căng thẳng giữa một số nước lớn ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Nhờ có sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự điều hành chủ động, linh hoạt của Nhà nước; sự đồng tình, đoàn kết, ủng hộ của toàn thể nhân dân; sự vào cuộc và hoạt động tích cực của cả hệ thống chính trị, tất cả các ngành, các cấp, dựa trên phong cách "ngoại giao cây tre Việt Nam", rõ ràng vị thế của Việt Nam đã được nâng lên tầm cao mới.
Nâng tầm vị thế nhờ cơ đồ đất nước
Trước hết phải kể đến việc Việt Nam lần thứ hai tham gia với tư cách thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, làm thành viên Hội đồng Nhân quyền và hàng loạt cơ quan khác của Liên Hiệp Quốc với số phiếu ủng hộ rất cao.
Theo ông Dương, điều đó cho thấy rõ vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện sự tôn trọng và tin tưởng của các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc đối với Việt Nam, ủng hộ Việt Nam trực tiếp tham gia đóng góp vào những cơ quan phụ trách những vấn đề quan trọng của thế giới.
Riêng việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền là điểm sáng chói lọi. Nếu như trước đây từng có những thế lực tìm cách xoi mói về nhân quyền thì nay việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền với số phiếu cao đã minh chứng cho việc các nước công nhận thành tích về nhân quyền của Việt Nam và tin tưởng Việt Nam có thể đóng góp tốt cho việc đấu tranh bảo vệ nhân quyền mang tính toàn cầu.
Về ngoại giao kinh tế, những năm qua, kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ, khiến thế giới phải dành sự tôn trọng và đánh giá cao.
Việt Nam đã có quan hệ kinh tế - thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm gần 90% GDP thế giới, tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương (trong đó có 17 khu vực mậu dịch tự do - FTA).
Bên cạnh đó, về quan hệ chính trị, Đại sứ Trương Triều Dương cho rằng, chưa bao giờ trong một khoảng thời gian ngắn, Việt Nam liên tiếp đón nhiều nguyên thủ của các cường quốc lớn trên thế giới như Nga, Mỹ, Trung Quốc đến như vậy.
Thậm chí, Mỹ và Triều Tiên - hai quốc gia vốn đối địch với nhau - cũng chọn Việt Nam là điểm đến để tổ chức hội nghị thượng đỉnh, cùng ngồi lại với nhau ở Hà Nội để bàn giải pháp "bắt tay" với nhau.
"Điều đó cho thấy sự tôn trọng, đánh giá vai trò, vị thế mà các nước dành cho Việt Nam. Đất có lành thì chim mới đậu", ông Dương chia sẻ.
Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới liên tiếp xảy ra xung đột nguy hiểm như chiến tranh giữa Nga - Ukraine, Israel - Hamas… nhờ đường lối ngoại giao đúng đắn, không chọn bên mà chọn chính nghĩa, kêu gọi các nước giảm leo thang căng thẳng, tìm biện pháp hòa bình, chúng ta vẫn giữ được quan hệ tốt với tất cả các bên.
Qua đó, bản sắc ngoại giao "cây tre Việt Nam" mềm mỏng, linh hoạt càng được thể hiện một cách rõ ràng và hiệu quả.
Những sự kiện hiếm có, mang tính bước ngoặt
Nhắc đến dấu ấn ngoại giao của Tổng Bí thư, bên cạnh những chuyến thăm đến nhiều nước ngoài của ông, không thể không nhắc đến việc hàng loạt chuyến thăm của lãnh đạo các cường quốc trên thế giới như Mỹ, Nga, Trung Quốc tới Việt Nam, được thực hiện theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Hàng loạt chuyến thăm của lãnh đạo các cường quốc trên thế giới như Mỹ, Nga, Trung Quốc tới Việt Nam diễn ra theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Theo Đại sứ Trương Triều Dương, điều đó cho thấy sự tôn trọng vai trò lãnh đạo của Đảng, tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam. Đây cũng là hiện tượng hiếm có, hầu như không có tiền lệ trong quan hệ ngoại giao song phương trên thế giới.
Đặc biệt việc Tổng thống Mỹ đã tiến hành các cuộc hội đàm, điện đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là minh chứng cho việc Washington ghi nhận và đề cao vai trò của Đảng ta cũng như ghi nhận vai trò quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong hệ thống chính trị Việt Nam.
Hơn nữa, ở các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ các cấp lãnh đạo Mỹ, nhất là trong cuộc hội đàm của Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phía Mỹ đều nhấn mạnh ủng hộ một Việt Nam "mạnh mẽ, thịnh vượng, tự cường và độc lập", cho thấy một sự công nhận và tôn trọng của Mỹ đối với thể chế chính trị cũng như đường lối đối ngoại đúng đắn và khôn khéo của Việt Nam trong bối cảnh phức tạp của tình hình thế giới hiện nay.
Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales cũng nhận định: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thành công trong việc đẩy mạnh vai trò của Đảng trong quan hệ với các nước phương Tây.
Ông Thayer lý giải: "Theo thông lệ, các nước phương Tây thường tiến hành các cuộc gặp, tiếp xúc cấp cao giữa các nhà lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ. Song Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm đặc biệt tới Vương quốc Anh vào năm 2013, tới Mỹ và Nhật Bản vào năm 2015 với tư cách là người đứng đầu Đảng.
Điều này đã làm thay đổi truyền thống ngoại giao lâu đời của các nước phương Tây. Hiện nay các nước phương Tây ghi nhận và đánh giá cao vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam ở Việt Nam và cá nhân Tổng Bí thư".
Trên báo chí quốc tế, ngày 19/7, chỉ ít phút sau khi Việt Nam công bố thông tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, hãng tin Reuters đã đăng tải bài viết dài với tiêu đề: "Nhà lãnh đạo kỳ cựu của Việt Nam, người theo đuổi đường lối ngoại giao cây tre, qua đời".
Trong bài viết, Reuters nhận định: "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam trong hơn một thập kỷ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, vạch ra đường lối ngoại giao tốt đẹp, nâng cấp quan hệ Việt Nam với Trung Quốc và Mỹ bằng đường lối ngoại giao cây tre Việt Nam".
Trong bài viết, khi nói về chính sách đối ngoại, Reuters nhấn mạnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Trọng chủ trương "thêm bạn, bớt thù" nhưng mềm dẻo, linh hoạt như cây tre Việt Nam.
Lập trường đó đã được thể hiện mạnh mẽ qua chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Hà Nội vào tháng 9 năm ngoái, chứng kiến Việt Nam nâng Hoa Kỳ lên quan hệ ngoại giao cao nhất cùng với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc.
Ba tháng sau, mối quan hệ với Bắc Kinh - một đối tác kinh tế lớn của Việt Nam – tiếp tục được thúc đẩy, đi vào chiều sâu khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp Nhà nước.
Việt Nam cũng đã đón tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 6 và nâng quan hệ ngoại giao lên mức cao nhất với Nhật Bản vào năm ngoái.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận