Tài chính

Sụt giảm đơn hàng, doanh nghiệp quay cuồng ứng phó

14/04/2023, 07:00

Nhiều DN xuất khẩu đau đầu trước tình trạng đơn hàng sụt giảm. Đáng lo là đơn hàng có nguy cơ vào tay các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam.

Nhiều lao động mất việc, nghỉ luân phiên

img

Trong 3 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu dệt may ước đạt hơn 8,7 tỷ USD, giảm 18,63% so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh minh họa: Tạ Hải

Ngao ngán nhìn hàng trăm tấn gỗ viên nén tồn kho, ông Nguyễn Văn Sỹ, Giám đốc Công ty Gỗ Hưng Thành (Bình Dương) than thở: “Ngay cả thời Covid-19 cũng không thảm hại như hiện nay!”.

Ông Sỹ cho biết, công ty như rơi vào vực thẳm khi đối tác Nhật Bản ngừng mua hàng, còn đối tác từ Hàn Quốc cũng giảm tới 70% sản lượng.

Doanh thu hàng trăm tỷ đồng giờ tụt xuống còn vài chục tỷ đồng. Hơn phân nửa lao động nghỉ việc, thậm chí những lao động còn lại cũng phải nghỉ luân phiên.

“Chúng tôi giờ chỉ hoạt động để duy trì máy móc, còn mảng kinh doanh gần như đóng băng”, ông Sỹ nói và cho biết, tình trạng này kéo dài từ đầu năm. Giá cũng rớt thảm, từ mức 190 USD/tấn vào cuối quý IV/2022, nay còn khoảng 130 USD/tấn.

Đơn hàng giảm mạnh, không chỉ ảnh hưởng đến người lao động mà sự sống còn của công ty cũng bị đe dọa. Theo ông Sỹ, đau đầu nhất hiện nay là nguồn vốn doanh nghiệp cạn kiệt, trong khi phải trả lãi ngân hàng cao gần gấp đôi so với trước đây.

Vị này ước tính, nếu hết quý II tình hình không cải thiện, dàn máy hàng chục tỷ đồng phải đắp chiếu, thiệt hại khoảng 600 tỷ đồng. Tệ hơn là doanh nghiệp khó vực dậy được.

Vì thế, ông đã huy động cả những lao động phân xưởng để đào tạo bán hàng. Chúng tôi lập nhiều trang bán hàng trực tuyến, thâm nhập vào nhiều hội nhóm để đăng tin bán hàng.

“Cũng có những đơn hàng nhỏ cho các đối tác trong nước mua đi xuất khẩu, nhưng phải bán với giá rẻ bèo”, ông Sỹ nói và cho biết thêm, ông cũng đã tính đến phương án bán máy móc để giữ bộ máy công ty hoạt động.

Tương tự, ông Vũ Văn Băng, giám đốc một DN xuất khẩu đồ gỗ cảm thán: “Chúng tôi bị sụt giảm 15-20% đơn hàng. Thời điểm này để kiếm được đơn hàng mới là chật vật bởi lẽ khách hàng thường ưu tiên các đối tác cũ, thay vì mở rộng sang các đối tác mới”.

Theo vị giám đốc, nguyên nhân là do khủng hoảng kinh tế, lạm phát tăng cao nên người dân phải thắt lưng buộc bụng, chỉ tập trung cho các nhu cầu thiết yếu. Trong khi hàng may mặc hay đồ gỗ thì không phải quá cần thiết.

Điểm đáng chú ý, vị này lo ngại việc DN Việt Nam mất đơn hàng sang các nước như Ấn Độ, Bangladesh. Đó là những quốc gia có nguồn nhân lực rất dồi dào và khả năng cạnh tranh tốt về chi phí.

Nhìn về tương lai, ông Băng cho rằng, rất khó đoán được năm 2023 sẽ như thế nào. Rồi sẽ có lúc đơn hàng phục hồi, nhưng nếu không nâng cao được năng lực cạnh tranh, khả năng DN Việt tiếp tục mất đơn hàng vào tay Ấn Độ hay Bangladesh là hiện hữu.

Rốt ráo tái cấu trúc

Thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) ghi nhận, trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu dệt may ước đạt hơn 8,7 tỷ USD, giảm 18,63% so với cùng kỳ năm 2022.

Việc sụt giảm đơn hàng khiến những DN đã có vị thế vững chắc nhiều năm qua như May 10 cũng phải rốt ráo tái cấu trúc. Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết, đây là lần tái cấu trúc toàn diện hiếm có:

“May 10 sẽ định vị lại DN với việc áp dụng chuyển đổi số, sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu xanh để đáp ứng tiêu chuẩn và phát triển, bao gồm việc định vị về sản phẩm, thị trường và về quản trị, công nghệ, mô hình sản xuất”.

Cục Hải quan TP.HCM cũng ghi nhận, hoạt động xuất nhập khẩu giảm đáng kể trong 3 tháng đầu năm, đặc biệt, lượng hàng qua đường hàng không giảm từ 30-40% so với cùng kỳ 2022. Cơ quan này nhận định, tình hình xuất, nhập khẩu trong quý II/2023 không khả quan.

Ghi nhận suy giảm về xuất khẩu, Tổng cục Thống kê cho rằng, nguyên nhân là do kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn. Điều này ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Tình trạng đơn hàng suy giảm cũng được nhiều doanh nghiệp, hiệp hội cảnh báo từ quý III/2022. Đến nay, tình hình vẫn chưa có chiều hướng thay đổi.

Tìm giải pháp với thị trường trong nước

Báo cáo xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng quý I và dự báo quý II/2023 được Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy, có 59,9% DN nhận định số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý I/2023 tăng và giữ nguyên so với quý IV/2022 (16,9% tăng, 43,0% giữ nguyên), tỷ lệ nhận định có đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm là 40,1%.

Như vậy, DN khá bi quan về lượng đơn hàng mới. Theo các chuyên gia, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt. Đơn cử, mặt hàng thủy sản sẽ bị cạnh tranh mạnh từ các đối thủ cạnh tranh sắp có/có hiệp định thương mại tự do song phương với Canada như: Ecuador, Indonesia, Ấn Độ.

Ngoài ra, mặt hàng dệt may sẽ bị cạnh tranh bởi các đối thủ vừa được ký gia hạn hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập như: Bangladesh, Sri Lanka, Campuchia, El Salvador, Haiti, Ai Cập... Mặt hàng tấm pin năng lượng mặt trời có nhiều nguy cơ nếu Hoa Kỳ quyết định áp thuế chống bán phá giá sản phẩm này của Trung Quốc và các nước sử dụng đầu vào từ Trung Quốc.

Bộ Công thương cho biết, sẽ bám sát tình hình quốc tế và trong nước, dự báo sát tình hình từ cuối năm 2022 và đã thực hiện nhiều giải pháp như: Tổ chức Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu; Kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam với các nhà cung cấp nước ngoài.

Bên cạnh tìm các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Lê Quốc Phương cho rằng, khi xuất khẩu gặp khó khăn thì vai trò của thị trường trong nước rất quan trọng. “Phải áp dụng tất cả giải pháp để khuyến khích thị trường trong nước phát triển hơn”, ông Phương nói.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường đánh giá tình hình quý I/2023 tương đối khó khăn. Trong quý I, toàn ngành làm thủ tục đối với kim ngạch xuất nhập khẩu khoảng 154 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 79 tỷ USD, giảm 11,9%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 75 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ. Đáng lưu ý, tốc độ giảm này ngày càng tăng, gây ảnh hưởng tới thu ngân sách Nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.