Tài chính

Ứng phó khó khăn kép của nền kinh tế

05/04/2023, 06:00

Làn sóng sa thải lao động kéo dài từ quý IV/2022 đến nay tiếp tục mở rộng khiến tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng cao.

Trong khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường khá lớn, tình hình quý II được dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn khi năng lực cạnh tranh của Việt Nam có thể bị suy giảm bởi quy định về thuế suất tối thiểu toàn cầu.

Đây thực sự là khó khăn kép của nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt.

Đối mặt nhiều khó khăn

img

Một số mặt hàng chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ được dự báo gặp khó khăn lớn trong thời gian tới

Tại một cuộc diễn đàn mới đây, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, tăng trưởng xuất khẩu nhiều ngành hàng sẽ tiếp tục suy giảm.

Làn sóng sa thải lao động kéo dài từ quý IV/2022 đến nay tiếp tục mở rộng khiến tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng cao.

Dẫn báo cáo từ Tổng cục Thống kê, ông Tuấn cho biết, tăng trưởng GDP quý I/2023 chỉ đạt 3,32% - thấp nhất trong giai đoạn hơn 10 năm qua.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 154,27 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 11,9%; nhập khẩu giảm 14,7%.

Còn theo Bộ Công thương, với một quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam, chính sách kinh tế và động thái thắt chặt chi tiêu của người dân tiếp tục tác động không nhỏ đến sản xuất, xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ trong thời gian tới…

Đơn cử ngành dệt may, theo đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu ngành giảm trên 8% so với cùng kỳ. Khó khăn phổ biến của các doanh nghiệp dệt may là thiếu hụt dòng tiền, không tiếp cận được vốn vay.

“Dự báo các tháng sắp tới sẽ là giai đoạn khó khăn chồng chất đối với doanh nghiệp của ngành”, vị đại diện cho biết.

Tương tự, ngành cơ khí có sự sụt giảm đơn hàng lớn, thậm chí có doanh nghiệp giảm đến 50%.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhận định, trong bối cảnh thế giới hiện nay, kinh tế quý II có thể cải thiện so với quý I song vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, chưa thể tăng trưởng bứt phá.

Lo mất thế cạnh tranh thu hút FDI

Trong khi đó, đại diện VCCI nhận định, năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã và đang có thể bị suy giảm bởi quy định về thuế suất tối thiểu toàn cầu áp dụng tới đây.

Theo báo cáo từ Bộ KH&ĐT, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 30/3 đạt 7,8 tỷ USD, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước.

Cục Đầu tư nước ngoài nhìn nhận, có dấu hiệu các tập đoàn lớn cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trước thời điểm thực thi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu vào đầu năm 2024.

Quy định về thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu (15%) được đưa ra trong Chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận (BEPS), dự kiến áp dụng từ năm 2024.

Nguyên tắc của quy định này cho phép quốc gia nơi đặt trụ sở của công ty mẹ cuối cùng của tập đoàn đa quốc gia có doanh thu hàng năm từ 750 triệu euro trở lên sẽ được thu thêm phần tiền thuế đối với khoản thu nhập mà công ty đa quốc gia này thu được từ hoạt động đầu tư kinh doanh ở quốc gia khác mà chỉ chịu mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp dưới mức tối thiểu là 15%.

Giả sử nếu doanh nghiệp FDI A nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 10% ở Việt Nam thì khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, quốc gia nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiệp A đó được quyền thu thêm 5% thuế từ doanh nghiệp A đó.

Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam chia sẻ, trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu đang được triển khai áp dụng như hiện nay, chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam sẽ không còn phát huy tác dụng đối với các doanh nghiệp FDI.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, nếu không ứng phó tốt với cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu, sẽ dẫn tới sự gia tăng những gánh nặng về thuế cho nhiều doanh nghiệp FDI, kéo theo là sự giảm sút trong năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

“Trong trường hợp không có thay đổi về chính sách thuế tại Việt Nam, từ năm 2024 Samsung sẽ phải nộp một số thuế bổ sung lớn mỗi năm”, ông Choi Joo Ho nói và cho rằng, điều này dẫn tới năng lực cạnh tranh sản phẩm của Samsung sẽ bị sụt giảm.

Cần cải cách mạnh mẽ về thể chế để tháo gỡ

Trong bối cảnh hiện nay, ông Choi Joo Ho kiến nghị một số phương án duy trì năng lực đầu tư của các doanh nghiệp FDI và các chính sách ưu đãi.

“Thứ nhất, cần xây dựng các cơ chế về khoản hỗ trợ nhằm bổ sung hoàn thiện cho phần ưu đãi bị sụt giảm của các doanh nghiệp FDI khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Tuy nhiên, phương án triển khai các khoản hỗ trợ bằng tiền này sẽ được xây dựng tiêu chuẩn áp dụng tùy theo đặc tính của từng loại hình doanh nghiệp.

Thứ hai, để có được nguồn tài chính cho các khoản hỗ trợ bằng tiền, cần đảm bảo quyền đánh thuế bằng cách áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn”, ông Choi Joo Ho nói.

Về vấn đề này, ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) thừa nhận, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu với thuế suất 15% sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách ưu đãi, thu hút FDI của Việt Nam.

“Tổng cục Thuế đã thành lập tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu và đề xuất giải pháp liên quan thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu.

Mục tiêu là bảo vệ quyền và lợi ích của các bên liên quan, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách thu hút FDI cũng như bảo đảm quyền thu thuế của Việt Nam”, ông Minh cho hay.

Còn về giải pháp cho tình hình chung của nền kinh tế, ông Đậu Anh Tuấn nhận xét, bên cạnh các giải pháp mà Quốc hội, Chính phủ đang triển khai hiệu quả trong chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế xã hội, còn có một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp được đánh giá là chưa hiệu quả, như chương trình cho vay vốn, giải ngân đầu tư công gặp nhiều thách thức...

Do đó, cần cải cách mạnh mẽ về thể chế để tháo gỡ những khó khăn trên. Trong đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính với mọi ngành, mọi cấp, cải cách mạnh mẽ thị trường vốn…

Qua khảo sát tình hình các doanh nghiệp, phía đại diện Bộ KH&ĐT kiến nghị, cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm… Đồng thời, có giải pháp hỗ trợ kịp thời một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như sản xuất da giày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ...

Tận dụng thế mạnh của doanh nghiệp Việt

Ở góc độ xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 20,6 tỷ USD trong quý I/2023.

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tám thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ chia sẻ, để trụ vững và tăng trưởng xuất khẩu, doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường kết nối, giới thiệu hàng hóa qua thương mại điện tử, nền tảng số, đẩy mạnh xúc tiến thương mại mặt hàng da giày, may mặc, thủy sản, nông sản là thế mạnh của Việt Nam.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến vấn đề phòng vệ thương mại và tận dụng tốt những ưu đãi từ các FTA đã ký kết để hưởng ưu đãi thuế quan.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.