Y tế

Suýt mất mạng vì tin lời “bác sĩ” online

21/12/2021, 06:08

Chiêu trò tư vấn, bán thuốc online đang nở rộ trên mạng xã hội. Chỉ cần gõ tên loại bệnh là có thể thấy hàng loạt trang Facebook quảng cáo...

Mặc dù không ít bệnh viện lớn và bác sĩ nổi danh đều đã lên tiếng về việc bị mạo danh song tình trạng này vẫn tiếp diễn khiến không ít người tiền mất, tật mang, mua phải thuốc rởm và nhập viện cấp cứu.

img

Thuốc mạo danh bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Ảnh do bệnh viện cung cấp)

Mạo danh thuốc bệnh viện với đủ loại giá

Chỉ gõ “thuốc trị mụn cóc Acid Trichloracetic 80%”, đã xuất hiện hàng chục trang bán sản phẩm này, tất cả đều được quảng cáo là sản phẩm “chính hiệu” của Bệnh viện Da liễu TP.HCM.

Tuy nhiên, cùng một sản phẩm nhưng mỗi nơi một giá khác nhau, chỗ bán 33.000 đồng/lọ, nơi bán 235.000 đồng/lọ.

Lần theo số điện thoại cửa hàng giao bán loại thuốc này với giá hơn 200.000 đồng/lọ, chủ cửa hàng khẳng định chắc nịch: “Yên tâm, đây là thuốc chuẩn của Bệnh viện Da liễu TP.HCM, đảm bảo đánh bay các loại mụn cóc, mụn, trị triệt để”. Không những vậy, chủ hàng còn cho biết, sản phẩm của mình còn có tem chống hàng giả nên khách hàng “không phải băn khoăn”.

Tuy nhiên, BSCKII. Vũ Thị Phương Thảo, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Da liễu TP.HCM khẳng định, bệnh viện có chế phẩm Acid Trichloracetic 50% và 80%, song các sản phẩm này đều được bán tại quầy thuốc trong bệnh viện chứ không bán ra ngoài theo các kênh bán lẻ hay bán hàng online.

Tương tự mới đây, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp tục có cảnh báo về tình trạng mạo danh bác sĩ của bệnh viện để bán thuốc.

Cụ thể, ông T.V.Đ (trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) có vợ bị tăng huyết áp nhiều năm.

Tình cờ ông xem được quảng cáo trên YouTube, thấy có người giới thiệu thuốc chữa bệnh cao huyết áp, chỉ 1 liều là khỏi vĩnh viễn không cần thuốc tây. Đáng chú ý, thuốc được bác sĩ Trần Văn Chiển của “Khoa Y học cổ truyền - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108” bán.

Tin tưởng, ông đặt 1 liệu trình, cơ sở bán thuốc nói ông có bảo hiểm nên giảm còn 2.500.000 đồng, bình thường phải 5.000.000 đồng. Khi nhận sản phẩm, ông Đ. thấy vỏ thuốc là thuốc tiểu đường.

Thấy nghi ngờ, ông liên hệ với Khoa Y học cổ truyền để làm rõ thì phát hiện ra mình đã bị lừa mua thuốc giả và bác sĩ Chiển không hề bán những loại thuốc đó.

Cũng giống ông Đ., bà N. (quận Long Biên, Hà Nội) cũng được 1 người tự xưng là bác sĩ Chiển và bán 1 liệu trình thuốc tiểu đường với giá 2.400.000 đồng.

Nhận thấy hộp thuốc có dấu hiệu nghi vấn, bà đã liên hệ với Khoa Y học cổ truyền để xác minh. Bà không tin mình đã bị lừa dù cho nhân viên y tế đã chỉ ra những dấu hiệu lừa đảo, cho đến khi đích thân bác sĩ Chiển lên tiếng.

Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp mạo danh bác sĩ Chiển nói riêng và bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nói chung nhằm lợi dụng lòng tin của người bệnh.

Đại diện Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khẳng định, bệnh viện chỉ có 1 địa chỉ duy nhất là số 1 Trần Hưng Đạo, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; Fanpage duy nhất “Bệnh viện Trung ương Quân đội 108” có dấu tích xanh do Facebook cấp. Khoa Y học cổ truyền và các bác sĩ trong khoa hiện tại không bán thuốc ra ngoài thị trường.

Tương tự, Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng đã từng phải lên tiếng vì tình trạng bị đối tượng mạo danh cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện nhắn tin, gọi điện tư vấn và giới thiệu các loại thuốc điều trị hỗ trợ không rõ nguồn gốc. Bệnh viện khẳng định, không triển khai khám bệnh online trên bất cứ phần mềm ứng dụng nào.

Khó truy vết

Gần đây, chiêu trò tư vấn, bán thuốc online đang nở rộ trên mạng xã hội. Chỉ cần gõ tên loại bệnh là có thể thấy hàng loạt trang Facebook quảng cáo tư vấn bệnh miễn phí thông qua số hotline.

Thậm chí, chỉ cần để lại số điện thoại cá nhân, các “dược sĩ”, “bác sĩ” này sẽ trực tiếp điện thoại thăm khám, kê đơn, bán thuốc, thực phẩm chức năng… Điều đáng nói, việc này đã để lại hệ lụy đáng tiếc.

Điển hình trường hợp bệnh nhân N.V.P (67 tuổi, ngụ TP Hà Nội) vào cấp cứu tại Bệnh viện Hà Đông trong tình trạng nhiễm độc nặng.

Các bác sĩ cho hay, bệnh nhân tụt huyết áp, suy hô hấp, đau tức ngực, xét nghiệm máu bị nhiễm toan chuyển hóa nặng, suy đa tạng…

Theo gia đình, ông P. có tiền sử bệnh đái tháo đường nhưng thời gian gần đây không điều trị tại bệnh viện mà nghe theo những lời quảng cáo, sử dụng loại thuốc nam, dạng viên màu vàng, không có nhãn mác, không rõ thành phần, hàm lượng.

Thời gian đầu chỉ số đường huyết có giảm nhưng bệnh nhân bắt đầu mệt mỏi, ăn uống kém, ý thức chậm chạp… Tới khi đưa vào bệnh viện, tình trạng của ông P. đã diễn biến nhanh, nặng nề.

Do tình trạng nguy kịch, bệnh nhân phải thở máy, dùng thuốc vận mạch kết hợp lọc máu liên tục. May mắn, sau hai ngày lọc máu liên tục, tình trạng nhiễm toan đã cải thiện. Sau một tuần điều trị tích cực, bệnh nhân đã rút được ống nội khí quản, tỉnh táo…

Đáng lưu ý, kết quả xét nghiệm mẫu thuốc nam mà bệnh nhân P. sử dụng cho thấy có thành phần phenformin - là loại thuốc dùng để điều trị đái tháo đường từ những năm 1950. Thuốc này bị cấm sản xuất và lưu hành từ năm 1973 do gây ra hàng loạt ca tử vong sau khi sử dụng.

Theo BS. Vũ Phương Thảo, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, việc sử dụng các thuốc, sản phẩm không đúng, không rõ thành phần có thể gây ra tác dụng phụ.

“Khi mà các sản phẩm được sản xuất ngày càng tinh vi, người tiêu dùng rất khó để phân biệt được thuốc thật nếu chỉ dựa vào mắt thường. Bệnh nhân cần đến các cơ sở uy tín, được cấp phép để đảm bảo mua được sản phẩm đúng chất lượng”, BS. Thảo khuyến cáo.

Về vấn đề này, Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế đã lên tiếng cảnh báo trước tình trạng tư vấn, gọi điện thoại giới thiệu sản phẩm thực phẩm chức năng cho người tiêu dùng.

Đại diện đơn vị này cho hay, nhiều cá nhân lợi dụng hình thức bán hàng này để thổi phồng công dụng sản phẩm sai quy định của pháp luật.

Nhiều trường hợp sản phẩm không có địa chỉ công ty, không có nơi bán hàng cố định, khách đặt hàng được người giao hàng đưa hàng và thu hộ tiền cho người bán, không có hóa đơn bán hàng.

Do vậy, không rõ nguồn gốc sản phẩm để có thể truy cứu trách nhiệm khi sản phẩm không đúng như quảng cáo.

Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng cảnh giác với các hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có sử dụng hình ảnh của các cơ sở y tế cũng như các bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế…

Đặc biệt là trường hợp gọi điện thoại tự xưng là “bác sĩ”, “y sĩ”, “dược sĩ” bắt bệnh và giới thiệu để bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Bên cạnh đó, còn có những trường hợp nhận mình là bệnh nhân đã khỏi bệnh sau khi sử dụng để giới thiệu và bán sản phẩm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.