Câu chuyện tắc hàng xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc đã đặt ra yêu cầu chuyển đổi phương thức vận tải, và đường biển là một trong những giải pháp.
Tuy nhiên, để chuyển sang loại hình vận tải này đòi hỏi nhiều điều kiện đi kèm.
Để chuyển hàng bằng đường biển, các doanh nghiệp cần phải đảm bảo chất lượng sản phẩm, đồng thời có giấy chính ngạch an toàn thực phẩm
Doanh nghiệp than khó vì chi phí cao
Theo thống kê, hiện nay, mặt hàng nông sản đi đường bộ chiếm 70%, đường biển chỉ 30%. Việc thông quan ở các cửa khẩu đường bộ cũng thường dễ dàng hơn so với các thủ tục đường biển, chi phí rẻ hơn, chủ hàng sẽ có lợi.
Về lâu dài, muốn tăng tàu container ổn định cần phải có cam kết lượng hàng đi mỗi tháng.
Bộ Công thương đã khuyến cáo các địa phương thay đổi từ 5 - 6 năm nay. Đây là thời điểm mà doanh nghiệp và địa phương cần quyết tâm thay đổi phương thức từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch. Đây cũng không chỉ là vấn đề xuất khẩu qua cửa khẩu mà còn là vấn đề thay đổi tư duy của các thành phần liên quan, từ các cơ quan Trung ương đến các hiệp hội, các hộ sản xuất…
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương
Theo đại diện Hiệp hội Rau củ quả Việt Nam, chi phí vận tải đã tăng gấp nhiều lần so với trước đây, riêng giá cước vận tải biển tăng cao lên đến 400 - 500%. Thêm vào đó là vấn đề thiếu container phục vụ vận tải xuất khẩu.
Là một doanh nghiệp có kinh nghiệm nhiều năm về xuất khẩu thanh long, ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ (TP.HCM) cho rằng, để chuyển đổi sang vận tải đường biển, nên phát triển những loại tàu lạnh cỡ nhỏ để giải quyết vấn đề thiếu container lạnh rỗng.
Tàu lạnh này có thể vào được cả cảng sông, cảng biển, đến các vựa nông sản như Bình Thuận, ĐBSCL để vận chuyển và xuất khẩu hàng hóa dễ dàng.
Nói về nhu cầu vận tải đường biển, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) cho biết, trong quý I/2022, riêng 3 tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang có nhu cầu xuất khẩu 147.500 tấn thanh long, trong đó nhu cầu xuất khẩu bằng đường biển 101.216 tấn và cần khoảng 5.087 container đông lạnh.
Tuy nhiên, theo ông Tùng, qua ghi nhận ý kiến từ doanh nghiệp cho thấy, xuất khẩu đường biển sang Trung Quốc hiện đang gặp nhiều khó khăn do chi phí vận chuyển qua đường biển tăng gấp 3 lần so với trước đây.
Mặt khác, hiện nay do đang thiếu container lạnh và tàu để xuất khẩu, thời gian vận chuyển dài có thể ảnh hưởng đến chất lượng nông sản.
Đồng thời, việc kiểm soát Covid-19 chặt chẽ từ Trung Quốc có thể làm chậm quá trình bốc dỡ hàng tại cảng biển, rủi ro thanh long bị loại bỏ khi phát hiện Covid-19.
Vận chuyển đường biển đã tăng đáng kể
Xuất khẩu theo đường biển hiện chỉ có hình thức chính ngạch, nên cần thời gian lập tuyến cho những hàng hóa cần giải cứu từ đường bộ
Tại cuộc họp trực tuyến tìm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản bằng đường biển vừa được tổ chức, đại diện của Cục Hàng hải (Bộ GTVT) cho biết, hiện có khoảng 30 hãng tàu có hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc. Phía Bắc, hàng hóa đi đường biển từ Hải Phòng thường theo thời vụ, còn từ TP.HCM đi quanh năm. Vận tải đường biển thời gian qua cũng đã tăng đáng kể.
Đơn cử, trong tháng 11/2021, có khoảng 1.400 container lạnh từ TP.HCM sang Trung Quốc, nhưng tháng 12 đã tăng hơn 3 lần, lên 4.100 container.
Tại cảng Hải Phòng, 3 tuần gần đây hàng hóa cũng tăng cao, trong đó, tuần qua đã xuất được khoảng 1.000 container lạnh đi Trung Quốc.
Dù nhận định, vận tải đường biển đã tăng đáng kể, song đại diện Cục Hàng hải VN nhấn mạnh, để hàng hóa được xuất khẩu theo đường biển sang Trung Quốc cần phải đáp ứng nhiều yêu cầu.
Đó phải là hàng xuất theo chính ngạch, đồng thời theo quy định của phía Trung Quốc, cần có yêu cầu về mã số vùng trồng rất khắt khe.
Đồng thời, thông quan bằng đường biển cũng còn một số khó khăn do phía Trung Quốc kiểm soát kỹ do thực hiện chính sách “Zero Covid”.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang, cho đến nay, cơ sở hạ tầng cảng biển cơ bản đáp ứng được yêu cầu xuất hàng đi nước ngoài.
Tuy nhiên, phương thức vận tải hàng hóa bằng đường biển yêu cầu chỉn chu hơn, cho nên phải có thời gian để hình thành các tuyến.
Theo Thứ trưởng, thời gian vừa qua, các cảng, hãng tàu đã nỗ lực gánh đỡ một phần cho hàng ùn tắc biên giới, nhưng rõ ràng không thể gánh hết được do năng lực không thể tăng nhanh.
Hơn nữa, việc chuyển sang đường biển sẽ phát sinh chi phí vận chuyển đến nơi cần đến.
“Do đó, trong thời gian tới vẫn phải song song cả hai đối sách. Trước hết, vẫn phải bám vào kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về các giải pháp trước mắt và lâu dài. Trong đó, Phó Thủ tướng nêu rõ nhiệm vụ cho các bộ, ban, ngành... Bởi vậy, cái chúng ta cần bàn là giải pháp lâu dài, làm sao để đa dạng hóa, làm sao để chuyển đổi để tăng thị phần vận tải đường biển”, Thứ trưởng Sang nói và cho rằng, các hãng tàu, các cảng đều sẵn sàng nhưng cần có sự làm việc một cách cụ thể giữa doanh nghiệp và hãng tàu.
Còn lại, với đường biển mà muốn vẫn xuất khẩu tiểu ngạch, có thể vận tải hàng đường biển nội địa, sau đó đến đường bộ đi biên giới Trung Quốc và làm thủ tục thông quan theo hình thức tiểu ngạch như thường. Tuy nhiên, chi phí xếp dỡ tăng lên.
“Bộ GTVT rất sẵn sàng cùng Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT làm cầu nối giữa các nhà xuất khẩu - người mua; chủ hàng - người mua.
Bộ GTVT cũng có đường dây nóng, nếu trong trường hợp 2 Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT đề xuất lập tổ công tác thì vẫn có thể triển khai được. Tuy nhiên, trước mắt có thể sử dụng các đầu mối hiện nay để lên kế hoạch trực tiếp chuyển đường biển”, Thứ trưởng khẳng định.
Liên quan thực trạng ùn ứ hàng hóa, nông sản tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc trong thời gian qua, lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, hiện chỉ có 9 loại hoa quả của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, còn lại phải xuất khẩu tiểu ngạch. Vì thế, có những mặt hàng muốn xuất khẩu chính ngạch cũng không được.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận