Thời sự Quốc tế

Tác nghiệp nơi “lằn ranh sinh tử”

19/06/2024, 07:30

Để đưa tin, hình ảnh về chiến sự trên Dải Gaza, nhiều phóng viên đã phải đánh cược số phận của mình.

"Thời kỳ chết chóc nhất của nhà báo"

"Nếu có ai sống sót, hãy kể lại câu chuyện này. Chúng tôi đã làm hết sức có thể. Đừng quên chúng tôi!" - đó là những dòng vĩnh biệt cuối cùng của bác sĩ Mahmoud Abu Nujaila viết bằng mực xanh trên tấm bảng trắng ở bệnh viện Al-Awda Hospital tại Jabalya vào ngày 20/10/2023, gây ám ảnh toàn cầu.

Tác nghiệp nơi “lằn ranh sinh tử”- Ảnh 1.

Biểu đồ số lượng nhà báo thiệt mạng vì xung đột. Nguồn: Ủy ban Bảo vệ nhà báo.

Khi Israel mở cuộc tấn công quân sự vào Gaza đáp trả cuộc đột kích của phong trào Hamas, rất nhiều phóng viên địa phương đã mạo hiểm lao vào khu vực chiến sự để viết về những câu chuyện như vậy.

Sau hơn 200 ngày chiến đấu, những trận oanh tạc của Israel đã biến phần lớn khu dân cư ở Dải Gaza thành đống đổ nát. Nhiều gia đình ly tán, trong khi mối đe dọa chết đói thường trực. Cùng lúc, 129 trong số 250 con tin bị Hamas bắt cóc từ Israel vẫn đang bị giam giữ trên dải đất và ít nhất 34 người đã tử vong.

Phần lớn báo chí không thể tiếp cận khu vực này, chỉ có số ít nhà báo nước ngoài được phép vào trong, đôi khi phải gửi hình ảnh ghi nhận được cho quân đội để xem xét. Cả Israel và Ai Cập, những nước kiểm soát biên giới Gaza đều từ chối cho phép các nhà báo quốc tế tiếp cận dải đất vì lý do không thể đảm bảo an toàn.

Trong tình cảnh này, chính những phóng viên Palestine đã trở thành tai mắt, truyền tải những gì người dân địa phương phải chịu đựng. Hình ảnh, video hiện trường, thông tin từ những khu vực nguy hiểm được truyền tải tới thế giới.

Để làm được công việc đó, họ phải mạo hiểm với chính tính mạng của mình. Theo Ủy ban Bảo vệ báo chí (CPJ), đã có ít nhất 97 phóng viên, nhà báo thiệt mạng tính từ tháng 10/2023 đến nay. 92 người trong số họ là người Palestine. Với con số đó, quãng thời gian 8 tháng qua trở thành thời kỳ chết chóc nhất đối với các nhà báo kể từ năm 1992 khi CPJ bắt đầu thu thập dữ liệu.

Ghi hình, đưa tin giữa đạn pháo

Tác nghiệp trong điều kiện thiếu thốn, chiến tranh khốc liệt, nhiều nhà báo bị ám ảnh vì sự ra đi của người thân, đồng nghiệp. Họ vừa phải cân bằng cảm xúc khi đưa tin về chiến sự, vừa phải cố gắng bảo vệ chính gia đình mình.

Tác nghiệp nơi “lằn ranh sinh tử”- Ảnh 2.

Ông Wael Al-Dahdouh (đứng giữa) ôm con gái trong lễ tang con trai - một phóng viên thiệt mạng trong cuộc xung đột tại miền Nam Gaza.

Những hình ảnh Trưởng đại diện của tờ Al-Jazeera tại Gaza, ông Wael Al-Dahdouh run rẩy khóc cạn nước mắt khi 12 người trong gia đình thiệt mạng vì một cuộc không kích từ Israel cuối tháng 10 là ví dụ rõ nhất.

Không ít phóng viên đã buộc phải rời bỏ nhà cửa, không có trang thiết bị bảo hộ cần thiết, chỉ biết phụ thuộc vào chiếc điện thoại nhỏ bé để cung cấp thông tin hiện trường tới toàn thế giới. Nếu muốn tải video, nhiều người phải cất công di chuyển lên khu vực đất cao vì điện liên tục bị cắt, liên lạc gián đoạn do pháo kích từ Israel.

Trong tình cảnh giành giật giữa sự sống và cái chết, anh Mohammad Ahmed - phóng viên ảnh của Đài phát thanh nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ TRT từng bị rất nhiều mảnh sắc nhọn găm vào chân sau cuộc tấn công của Israel vào tòa nhà tại Jabalya, miền Bắc Gaza.

Tiếng nổ lớn vang lên, khói bụi mù trời và tiếng người gào thét thảm thiết. Anh bị trúng đạn, lết đi lang thang khắp phố tìm người cấp cứu. Chiếc áo bảo vệ đã đỡ được mảnh đạn bắn vào bụng nhưng anh bị thương ở phần đùi phải.

"Tôi hét lên, nhờ người cứu giúp nhưng không ai nghe thấy. Trên đường, người chết nằm la liệt, nhiều người không toàn thây", Ahmed nói.

Ông bố ba con cho biết, anh bị dày vò khi liên tục chứng kiến cảnh tượng đau thương trong chiến tranh. Đôi khi anh phải dừng quay phim vì không kìm được xúc động: "Có lúc, tôi phải tìm góc khuất mà khóc. Cảnh trẻ nhỏ kêu cứu luôn khiến trái tim tôi bị bóp nghẹt".

Với Ibrahim Dahman – nhà sản xuất của hãng tin CNN, nỗi đau càng dày xéo hơn khi anh đã mất tới 40 người thân vì xung đột, từ cha mẹ đến anh em họ hàng. Anh buộc phải chịu cảnh chia lìa, hai con nhỏ và người vợ đang mang thai sơ tán đến Cairo, Ai Cập, còn anh ở lại chiến đấu trên mặt trận thông tin.

Kêu gọi bảo vệ các nhà báo

Nhiều cơ quan nhân đạo đã kêu gọi bảo vệ các nhà báo tại dải đất này. Hồi tháng 2, các chuyên gia Liên minh châu Âu đã cảnh báo các cuộc tấn công, sát hại có chủ đích nhắm vào các nhà báo là tội ác chiến tranh.

Tác nghiệp nơi “lằn ranh sinh tử”- Ảnh 3.

Người dân, đồng nghiệp đứng quanh thi thể hai phóng viên người Palestine thiệt mạng.

Hãng tin CNN đã liên hệ với Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) để trao đổi về an toàn của các phóng viên làm việc tại Dải Gaza nhưng chưa nhận được phản hồi cụ thể.

IDF cho biết, họ không thể bình luận về những cáo buộc liên quan tới những cuộc tấn công khi không được cung cấp cụ thể tọa độ địa lý, thời gian rõ ràng. Họ chỉ trả lời CNN với một phát ngôn thường dùng khi nhắc tới chiến sự ở Gaza: "Trái ngược hoàn toàn với các cuộc tấn công có chủ ý của Hamas nhằm vào đàn ông, phụ nữ và trẻ em Israel, IDF tuân thủ luật pháp quốc tế và thực hiện các biện pháp đề phòng tốt nhất để giảm thiểu tổn hại cho dân thường, bao gồm các nhà báo".

Israel phát động một cuộc tấn công quân sự vào Dải Gaza từ ngày 7/10/2023 sau khi Hamas đột kích Israel khiến ít nhất 1.200 người thiệt mạng và bắt cóc hơn 250 người khác.

Theo cơ quan y tế trên Dải Gaza, các cuộc tấn công của Israel ở dải đất này tính đến ngày 1/5/2024 đã khiến hơn 34.600 người Palestine tử nạn và làm bị thương hơn 77.800 người. Trong số những người thiệt mạng, cứ 10 người thì có 7 người là phụ nữ và trẻ em.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.