Sau gần 3 tháng “thay máu” nhà đầu tư bằng việc bổ sung thêm năng lực điều hành của Tập đoàn Đèo Cả, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, thời gian tới, nếu nguồn vốn tín dụng tiếp tục không được giải ngân sẽ uy hiếp trực tiếp đến tiến độ hoàn thành dự án trọng điểm này.
Ngày 13/6, trong chuyến thị sát và kiểm tra tình hình thực tế dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật ghi nhận nỗ lực, quyết tâm của doanh nghiệp dự án, nhà thầu và tỉnh Tiền Giang trong quá trình giải quyết thủ tục để công trình triển khai thi công trở lại.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Vụ Đối tác công (PPP), Cục QLXD&CLCTGT và các cơ quan liên quan phối hợp cùng nhà đầu tư, UBND tỉnh Tiền Giang sớm giải quyết triệt để các vấn đề liên quan đến việc điều chỉnh dự án.
“Bộ GTVT sẽ luôn đồng hành với chủ đầu tư, UBND tỉnh Tiền Giang để cùng chia sẻ, tháo gỡ các khó khăn để đưa dự án về đích đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết.
Về phía cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại dự án, đại diện UBND tỉnh Tiền Giang cũng khẳng định, trên cơ sở tiến độ và các giải pháp kỹ thuật bảo đảm thông tuyến vào năm 2020, tỉnh sẽ làm việc với doanh nghiệp dự án cùng tháo gỡ các vướng mắc theo các mốc công việc cụ thể để cùng giải quyết, bảo đảm dự án thông tuyến vào cuối năm 2020.
Theo báo cáo của doanh nghiệp dự án, sau gần 3 tháng khởi động lại (cuối tháng 3/2019), đến nay, khối lượng thi công dự án đã tăng gần 10% (từ 12% lên 22%). Tuy nhiên, ông Lưu Xuân Thủy, Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đánh giá, dự án vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hướng lớn đến tiến độ thông tuyến vào năm 2020. Điển hình là nguồn vốn ngân sách hỗ trợ dự án đã được Chính phủ trình nhưng vẫn đang chờ Quốc hội thông qua, chưa ghi vốn chính thức, chưa xác định rõ thời điểm giải ngân.
Đặc biệt, nguồn vốn vay tín dụng của dự án đã ký kết hơn một năm nhưng vẫn chưa được giải ngân. Theo ông Thủy, hiện nay, các tổ chức tín dụng do Vietinbank là ngân hàng đầu mối thu xếp vốn đang yêu cầu về tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư lên đến 30%, trong khi Nghị định 63/2018 quy định tối đa là 15% và chưa tháo gỡ được các vướng mắc hợp đồng tín dụng đã ký,… dẫn đến khả năng khó thu xếp được vốn tín dụng cho dự án với các điều kiện giải ngân bất hợp lý của ngân hàng.
“Nếu đết hết tháng 8/2019 mà vẫn không có nguồn vốn để giải ngân, khả năng dự án bị chậm tiến độ rất lớn”, ông Thủy nói và cho biết, hiện nay, nhà đầu tư đã ứng ra gần 2.500 tỷ đồng, tỉnh Tiền Giang cũng đã ứng trước gần 200 tỷ đồng để triển khai thi công dự án.
Trong diễn biến mới nhất, hôm 12/6, Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã tổ chức đại hội cổ đông để cơ cấu lại các cổ đông tại doanh nghiệp dự án. Theo đó, các cổ đông Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh, Công ty CP Tập đoàn Thắng Lợi và Công ty CP Hoàng An đã bị loại bỏ do không còn sở hữu vốn tại doanh nghiệp dự án theo ý kiến của thanh tra thuế, cơ quan công an và yêu cầu của ngân hàng tài trợ vốn. Hiện tại, doanh nghiệp dự án chỉ còn lại 3 cổ đông gồm: Công ty CP Đầu tư cầu đường CII, Công ty CP Đầu tư và xây dựng Tuấn Lộc và Công ty CP Đầu tư xây dựng B.M.T.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được thực hiện theo hình thức BOT, có tổng chiều dài 51,1km. Điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TP HCM - Trung Lương), điểm cuối giao với QL30 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, Tiền Giang). Dự án có tổng mức đầu tư phê duyệt năm 2014 là 14.678 tỉ đồng và năm 2017 được điều chỉnh là 9.668 tỷ đồng. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận