Thị trường

Tái cơ cấu ngành Công thương: Loại bỏ bao cấp, độc quyền ngành năng lượng

01/03/2023, 09:49

Đề án tái cơ cấu ngành Công thương đến năm 2030 nêu rõ, kiên quyết loại bỏ bao cấp, độc quyền, thiếu minh bạch ngành năng lượng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 165/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030.

Mục tiêu tổng quát của Đề án là tái cơ cấu ngành Công thương nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành...

Với mục tiêu này, Bộ Công thương cũng được đề ra từng nhiệm vụ cụ thể, bao gồm: Tái cơ cấu ngành công nghiệp, tái cơ cấu ngành năng lượng, tái cơ cấu lĩnh vực xuất nhập khẩu, tái cơ cấu thị trường trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

img

Cần xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện tách bạch với độc quyền nhà nước về truyền tải điện

Loại bỏ bao cấp, độc quyền ngành năng lượng

Trong đó, nhiệm vụ tái cơ cấu ngành năng lượng có nhiều điểm đáng chú ý. Chính phủ nhấn mạnh nhiệm vụ khuyến khích kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tham gia phát triển năng lượng.

“Phấn đấu đến năm 2030, đảm bảo tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 175 - 195 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng đạt khoảng 105 - 115 triệu TOE”, đề án nêu.

Bên cạnh đó, sẽ cơ cấu lại các nguồn năng lượng theo hướng phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng.

Trong đó, ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch. Đẩy mạnh tìm kiếm và phát triển các loại năng lượng sạch mới.

“Đảm bảo tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% năm 2030”, theo Đề án.

Điểm nhấn trong Đề án tái cơ cấu ngành Công thương đến năm 2030 đặc biệt chú trọng đến việc hình thành hệ thống thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hoá hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh, có sự tham gia của các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân với lộ trình phù hợp.

“Kiên quyết loại bỏ bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng. Tiến tới áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng”, Chính phủ giao nhiệm vụ.

Riêng với ngành điện cũng được yêu cầu xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện tách bạch với độc quyền nhà nước về truyền tải điện.

Để thị trường quyết định giá bán lẻ điện

Việc hình thành và phát triển các trung tâm năng lượng, đặc biệt là các trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và các địa phương có lợi thế gắn với đảm bảo cân đối cung - cầu theo vùng, miền cũng được Chính phủ đặt ra, cùng với việc khuyến khích phát triển các dự án đầu tư hệ thống tích trữ năng lượng.

Thực tế, năng lượng tái tạo thời gian qua phát triển bùng nổ, tuy nhiên, việc huy động các nguồn điện này đang lãng phí do chủ yếu phát triển tập trung ở miền Trung và miền Nam, trong khi công suất đỉnh lại ở miền Bắc. Hệ thống lưu trữ và đường dây truyền tải là thách thức vận chuyển điện ra Bắc.

img

Điện mặt trời mái nhà có công suất từ 100 kWp trở lên phải lắp đặt hệ thống giám sát, điều khiển từ xa, kết nối với EVN

Thời gian tới, Chính phủ cũng yêu cầu hoàn thiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh theo thiết kế đã được phê duyệt. Hoàn thành về pháp lý, cơ sở hạ tầng,… thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, trong đó thực hiện thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa nhà máy điện và khách hàng sử dụng điện từ nay đến năm 2025.

Bên cạnh đó, cần tách bạch hoạt động phân phối điện (độc quyền tự nhiên) với hoạt động kinh doanh bán lẻ điện (mang tính cạnh tranh) nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong lĩnh vực điện lực.

Giá bán lẻ điện cũng phải cải cách phù hợp với các cấp độ thị trường điện, đồng bộ với giá phát điện, bán buôn điện, sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm.

“Tách bạch rõ chi phí cho các hạng mục hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo”, Đề án nêu.

Trong đề án này cũng đề ra nhiệm vụ: Ban hành các quy định, quy chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng và phát triển các dự án điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN), đặc biệt các dự án ĐMTMN có công suất từ 100 kWp trở lên phải lắp đặt hệ thống giám sát, điều khiển từ xa, kết nối với hệ thống điều độ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam để các chủ đầu tư phối hợp vận hành hệ thống điện.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.