Để tái thiết Syria cần ít nhất 400 tỷ USD |
Trong khi Mỹ và EU đóng băng các khoản tài chính thì Trung Quốc lại sẵn sàng “chìa sổ séc” dồi dào cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Trung Quốc lấp đầy khoảng trống của Mỹ, EU
Khi cuộc chiến Syria đang đi vào giai đoạn kết thúc mà phần thắng nghiêng về phía chính quyền Tổng thống Assad, viễn cảnh tái thiết đất nước Trung Đông này đang được nhiều quốc gia quan tâm.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), dù có sự quan tâm mạnh mẽ từ Nga, Lebanon và Iran, nhưng không có quốc gia nào sở hữu tiềm lực tài chính đủ mạnh để có thể trợ giúp cho Syria thời hậu chiến ngoại trừ Trung Quốc. Và Bắc Kinh cũng đang nắm bắt tốt cơ hội này để tiếp cận nền kinh tế Syria và củng cố mối quan hệ địa chính trị thuận lợi cho tương lai.
Hội chợ Quốc tế Damascus lần thứ 60 tổ chức tháng 9 vừa qua đã thu hút sự tham gia của hơn 200 công ty Trung Quốc, trong khi Hoa Kỳ và các nước EU không được chào đón tại sự kiện.
Gặp phải tương đối ít cạnh tranh, các công ty Trung Quốc đã ký kết những thỏa thuận sản xuất ô tô tại Syria, xây dựng các bệnh viện di động; Đồng thời, tái khẳng định tham vọng tham gia quá trình tái phát triển hạ tầng cơ sở Syria thời hậu chiến.
Tuy nhiên, theo hãng tin AP, các nước EU và Mỹ đã được phép tham dự Triển lãm Thương mại quốc tế về tái thiết Syria lần thứ 4, kết thúc ngày 6/10. Dù vậy, có vẻ như các đại diện từ phương Tây không được chào đón. Một nhà quản lý người Syria của một công ty sản xuất vật liệu chia sẻ: “Tôi không hy vọng phương Tây sẽ đến đây, bởi vì họ đóng một vai trò lớn trong cuộc chiến chống lại đất nước của chúng tôi”.
Cùng thời điểm này, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley đã nhấn mạnh rằng, Washington không quan tâm việc giúp tái thiết Syria. Trên thực tế, Mỹ đã tăng cường việc áp đặt trừng phạt lên chính quyền của Tổng thống Assad, các chính phủ đồng minh và các tổ chức tài chính thân cận với Damascus.
Tham vọng địa chính trị kết nối Trung Quốc - Tây Á
Đối nghịch với Mỹ, trong Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - các nước Arab hồi tháng 7 vừa qua, Bắc Kinh đã cam kết nới tay với khoản vay 20 tỷ USD phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng, cùng với gói tài chính gần 100 triệu USD để viện trợ nhân đạo cho Syria và Yemen.
Chuyên gia về Đông Á Logan Pauley từ Trung tâm Nghiên cứu Stimson (Mỹ) chỉ ra rằng, trong khi bề ngoài tham vọng của Trung Quốc xuất phát từ các lợi ích kinh tế, thì ẩn sâu bên trong, Bắc Kinh đang hướng tới những lợi ích địa chính trị nếu việc tái thiết mang tới một mối quan hệ hợp tác sâu sắc hơn với một Syria ổn định thời hậu chiến.
Với sự hỗ trợ của Tổng thống Assad, Bắc Kinh có thể liên kết Damascus vào hành lang kinh tế Trung Quốc - Trung Á và Tây Á như là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường và đạt được một thỏa thuận phát triển và tiếp cận cảng Tartus của Syria.
Trang The Diplomat dẫn lời giới chức Mỹ cho rằng, những tham vọng này không xa thực tế. Một con tàu chở 10.000 container hàng hóa đã cập cảng Tripoli của Lebanon ngày 9/10, khai trương tuyến đường biển giữa Bắc Kinh và một hải cảng chỉ cách biên giới với Syria chưa đầy 30km. Một ngày sau đó, Trung Quốc công bố trao tặng 800 máy phát điện trong buổi lễ tổ chức tại thành phố cảng lớn Latakia của Syria.
Và sắp tới, Tuần lễ tái thiết Syria (tổ chức từ 12-15/11) được cho là sẽ trở thành sự kiện nơi lộ rõ những quốc gia giữ vai trò chủ đạo trong quá trình tái hồi sinh đất nước Syria. Trong đó, theo giới quan sát, sự “mờ nhạt” của phương Tây sẽ được bù đắp bằng túi tiền nặng đô và sự nhiệt tình của Trung Quốc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận