Thông tư số 73/2024 của Bộ Công an quy định công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ của cảnh sát giao thông (CSGT) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Tại Điều 15 của thông tư này, cơ quan chức năng đề ra nhiều quy định về việc phát hiện vi phạm hành chính thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để xử phạt sau đó (phạt nguội).
Theo đó, cán bộ CSGT sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện, thu thập hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Người điều khiển phương tiện có trách nhiệm hợp tác theo yêu cầu kiểm tra, kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị này.
Kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ gồm: Bản ảnh, hình ảnh, phiếu in, chỉ số đo, dữ liệu lưu trong bộ nhớ của các thiết bị được thống kê, lập danh sách, in thành bản ảnh hoặc bản ghi thu về hành vi vi phạm và lưu trữ trong hồ sơ vụ việc.
Khi phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được thông tin, hình ảnh về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông, cán bộ chức năng tổ chức lực lượng dừng phương tiện giao thông để kiểm soát, xử lý theo quy định.
"Trường hợp người vi phạm đề nghị được xem thông tin, hình ảnh, kết quả thu thập được về hành vi vi phạm, tổ CSGT cho xem tại nơi kiểm soát", Điều 15 Thông tư số 73/2024 nêu.
Nếu chưa có thông tin, hình ảnh, kết quả tại nơi kiểm soát, lực lượng chức năng sẽ hướng dẫn người vi phạm xem thông tin, hình ảnh, kết quả khi đến xử lý vi phạm tại trụ sở đơn vị.
Đáng chú ý, trường hợp không dừng được phương tiện giao thông vi phạm để kiểm soát, xử lý vi phạm thì thực hiện theo quy định tại Điều 24 thông tư này.
Cụ thể, Điều 24 quy định, trong vòng 10 ngày kể từ ngày phát hiện vi phạm, cán bộ chức năng nơi phát hiện vi phạm xác định thông tin về người và phương tiện liên quan thông qua cơ quan đăng ký xe, qua cơ sở dữ liệu quốc gia...
Tiếp đó, CSGT gửi thông báo phạt nguội để yêu cầu chủ phương tiện hoặc người liên quan đến trụ sở cơ quan công an nơi phát hiện vi phạm để giải quyết vụ việc. Đồng thời, cập nhật thông tin của phương tiện vi phạm trên trang web của Cục CSGT, phần mềm VNeTraffic để chủ xe và người liên quan tra cứu.
Quá thời hạn 20 ngày kể từ ngày gửi thông báo vi phạm, chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm không đến giải quyết, hoặc đơn vị nơi phát hiện vi phạm chưa nhận được thông báo của công an cấp xã/huyện thì CSGT gửi thông tin vi phạm cho cơ quan đăng kiểm đối với xe ô tô.
Với xe máy, công an nơi phát hiện vi phạm tiếp tục gửi thông báo cho công an địa phương nơi chủ xe hoặc người liên quan cư trú/đóng trụ sở để chuyển thông tin vi phạm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận