Nhà mạng Việt Nam đầu tư tuyến cáp quang biển mới thay thế cho AAG. Ảnh minh họa. |
Như Báo Giao thông đã đưa tin, chậm nhất đến ngày 14/6, tuyến cáp quang biển AAG có thể sửa chữa xong. Theo đó, việc kết nối internet đi quốc tế phải đến ngày 14/6 mới hết chập chờn, gián đoạn.
Việc tăng dung lượng, kết nối theo một số tuyến cáp trên đất liền được các nhà mạng thực hiện để nhằm khắc phục sự cố nói trên.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phạm Đình Trường, Phó TGĐ Tổng Công ty Mạng lưới Viettel cho biết, hiện tại Viettel sử dụng khoảng 30% lưu lượng kết nối từ tuyến cáp biển này.
Tuy nhiên, ông Trường cho biết, đơn vị này đang đầu tư xây dựng tuyến cáp quang mới để không bị phụ thuộc vào cáp quang biển AAG cũng như mở rộng đường truyền.
Hiện, đơn vị này cùng với một số nhà mạng khác đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư vào tuyến cáp quang biển châu Á – Thái Bình Dương APG (Asia Pacific Gateway, chiều dài hơn 11.000km, nối từ Việt Nam đi các nước châu Á và Mỹ). Tuyến cáp này được Thủ tướng chính phủ phê duyệt vào tháng 11/2009.
Tuyến cáp quang APG. |
Với thiết kế tổng dung lượng lên tới 54,8 Tbps thông qua công nghệ chuyển đổi quang 40 gigabit/giây (Gbps), hệ thống tân tiến với công nghệ DCD (digital coherent detection) và OADM (optical add-drop multiplexing) được ứng dụng, APG cho phép hệ thống trong tương lai có thể được nâng cấp lên 100G.
Hai nhà mạng khác của Việt Nam là VNPT và FPT Telecom cũng tham gia đầu tư xây dựng tuyến cáp APG nhằm hạn chế việc phụ thuộc vào AAG. Ngoài ra, APG được chờ đợi sẽ làm tăng độ an toàn và tránh các khu vực nguy hiểm thông qua hệ thống định tuyến ngầm thông minh.
Ngoài APG, Viettel cũng tham gia đầu tư xây dựng tuyến cáp quang biển AAE1 (Asia Africa Euro 1, chiều dài 25.000km) nối từ Việt Nam và các nước châu Á đến châu Âu, châu Phi.
Dự kiến, các tuyến cáp quang APG, AAE1 sẽ được đưa vào khai thác trong năm 2016 giúp nâng cao chất lượng kết nối internet từ Việt Nam đi quốc tế.
Việt Nam hiện có bốn tuyến cáp quang biển quốc tế cập bến gồm: AAG (Asia-America Gateway) và TGN-IA (TGN-Intra Asia Cable System) cập bến tại trạm Vũng Tàu, SMW3 (SEA-ME-WE 3) và APG (Asia Pacific Gateway) cập bến tại Đà Nẵng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận