Hai ngày qua, câu chuyện về một thầy giáo 53 tuổi người Anh hàng ngày cầm trên tay tấm bảng xin tiền đứng ở góc đường Võ Văn Kiệt - Nguyễn Tri Phương (quận 5) thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Người đàn ông ấy là J.D, 53 tuổi, vốn là thầy giáo dạy tiếng Anh trong các trung tâm Anh ngữ ở TP HCM. Tuy nhiên, vì dịch bệnh Covid-19 kéo dài, các trung tâm đóng cửa, tiền tiết kiệm đã cạn nên J.D đã phải bỏ hết sỹ diện của mình để làm việc cực chẳng đã đó.
Ngay khi hình ảnh người đàn ông ngoại quốc cầm biển xin tiền xuất hiện trên mạng xã hội, những tranh cãi lập tức nổ ra, xung quanh việc người đó có đáng được giúp đỡ hay không. Người thì cảm thương và kêu gọi giúp đỡ, song cũng có không ít người cho rằng, “chẳng ai hơi đâu đi giúp những người sức dài vai rộng như thế”.
Tuy nhiên, sau khi nhận được sự ủng hộ của nhiều người, J.D không tiếp tục nhận sự giúp đỡ nữa. Đồng thời, J.D gửi lại số tiền trên 36 triệu đồng cho người đã đăng thông tin kêu gọi giúp đỡ mình, nhờ người này chuyển số tiền trên đến giúp đỡ những người đang khó khăn khác ngoài xã hội.
Đây chắc hẳn là điều khiến nhiều người bất ngờ, bởi có lẽ ít ai nghĩ người đàn ông ngoại quốc kia sẽ hành động theo cách như vậy. Dường như việc làm này sẽ khiến những người đã từng ác cảm phải suy nghĩ lại về lòng tốt, về tình người, về sự sẻ chia trong lúc khó khăn, hoạn nạn.
Một câu chuyện khác, sau sáng kiến lập cây “ATM” gạo của một nhóm thanh niên ở TP HCM, phát gạo cho người nghèo giữa thời điểm khó khăn, đã có rất nhiều người trong xã hội hưởng ứng. Lần lượt sau đó, tại nhiều nơi khác như Hà Nội, Huế... cũng đã mọc lên những cây ATM gạo miễn phí, giúp người lao động nghèo vơi bớt phần nào khó khăn. Những nghĩa cử ấy nhanh chóng lan tỏa, lay động lòng người. Gần như ngay sau đó, rất nhiều nhà hảo tâm đã chung tay đóng góp, để những hạt gạo yêu thương không bao giờ ngừng tuôn chảy.
Hay như câu chuyện cậu bé Phạm Khắc Ngọc Bảo, học sinh lớp 2C trường Tiểu học Tam Cường, Vĩnh Bảo, Hải Phòng, mặc dù không được may mắn như bao trẻ em khác, bố mất khi em chưa tròn 1 tuổi, mẹ phải đi làm xa kiếm tiền nuôi em. Ở với ông bà ngoại, khó khăn bộn bề, nhưng với tấm lòng nhân ái, em đã dùng số tiền tiết kiệm cả năm trời của mình, với số tiền trên 2,8 triệu đồng để gửi tặng xã Tam Cường, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Đó là gì nếu không phải là tấm lòng sẻ chia, lá lành đùm lá rách, tấm lòng yêu thương, dù mới chỉ là một cậu bé 7 tuổi?
Và còn biết bao những câu chuyện cảm động khác giữa đời thường, san sẻ khó khăn với cộng đồng trong mùa dịch. Con số gần 1.000 tỷ đồng mà các cá nhân, đơn vị, tổ chức đã ủng hộ qua MTTQ Việt Nam đã phần nào nói lên điều đó. Ngoài những doanh nghiệp, doanh nhân - vốn đang lâm vào cảnh khó khăn chung, còn có cả những người dân có hoàn cảnh khó khăn sẵn sàng chung tay ủng hộ và dù số tiền chỉ vài trăm ngàn đồng. Đó là gì, nếu không phải là tấm lòng tương ái tương thân, là nghĩa cử cao đẹp và truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam?
Dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, kinh tế đất nước chắc chắn còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh. Thế nhưng, những hình ảnh đẹp, những hành động ý nghĩa lan tỏa sự yêu thương thì mãi mãi không bao giờ hết. Lòng tốt tự nhiên lan toả mà không cần định hướng, không cần kêu gọi, nó lấn át mọi chi phối trong cuộc sống.
Và giữa thời điểm khó khăn như hiện tại, chúng ta lại càng nhận ra: Người tốt trên đời này nhiều hơn chúng ta vẫn nghĩ!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận