Những ngày này, cả nước đều đang hướng về các tỉnh phía Bắc, đau đáu dõi theo những thông tin, hình ảnh về tình hình lũ lụt. Song song đó, tinh thần tương thân tương ái của người dân cũng được lan tỏa mạnh mẽ, thể hiện qua việc đồng lòng quyên góp, hỗ trợ để tiếp sức cho đồng bào miền Bắc đang gánh chịu thiệt hại nặng nề từ bão lũ.
Các đoàn thể, tổ chức, cá nhân tại TP.HCM đồng lòng hướng về miền Bắc. Clip: M.Q
Tại TP.HCM, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM đã ủng hộ 120 tỷ đồng cho đồng bào chịu ảnh hưởng bởi đợt mưa lũ.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM kêu gọi và vận động nhân dân thành phố phát huy tinh thần đoàn kết, "tương thân, tương ái", "mỗi trái tim - một tấm lòng"; mỗi cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ các lực lượng vũ trang tham gia đóng góp tiết kiệm từ một ngày lương để giúp đồng bào miền Bắc.
Theo ghi nhận, những ngày qua, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tích cực tham gia vào các chiến dịch quyên góp, từ tiền mặt đến nhu yếu phẩm thiết yếu như gạo, nước uống, thực phẩm khô, thuốc men, quần áo... Các nhóm tình nguyện và hội nhóm cộng đồng đã tổ chức nhiều hoạt động gây quỹ và thu gom hàng hóa, đảm bảo rằng sự hỗ trợ gửi đến tay người dân miền Bắc một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Anh Nguyễn Vương Trường Thành, trưởng nhóm thiện nguyện Đêm Sài Gòn cho biết, bão, lũ quét khiến miền Bắc bị thiệt hại nặng nề, nhiều người mất mạng, mất hết tài sản, đối mặt với hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Chính vì vậy, nhóm phát tâm kêu gọi ủng hộ với mong muốn phần nào hỗ trợ được bà con trong lúc hoạn nạn.
Tại TP.HCM, nhóm có khoảng 5 - 7 tình nguyện viên tham gia nhận hàng, đóng gói rồi chuyển ra miền Bắc. Tại đây, các thành viên hỗ trợ sẽ phối hợp với chính quyền địa phương trao cho người dân.
Anh Thành thông tin thêm, trong ngày 10/9, nhóm đã vận chuyển 1.400 áo phao, 1,5 tấn lương khô đến với bà con. Trong ngày 11/9, nhóm tiếp tục vận chuyển 700 áo phao cùng các nhu yếu phẩm như bánh, kẹo, thuốc men, đèn pin, sữa… đến với người dân vùng lũ ở các tỉnh phía Bắc như Thái Nguyên, Lào Cai, Tuyên Quang…
Tương tự, anh Hoàng Tuấn Anh, người sáng chế máy ATM gạo trong mùa dịch Covid-19 cũng cùng nhân viên tìm mua xuồng máy, áo phao và vận động quyên góp để hỗ trợ cho bà con chịu ảnh hưởng của bão. Trong đêm 10/9, anh huy động 15 chiếc xuồng máy và 500 áo phao cứu hộ cùng lương thực, thực phẩm... đưa ra phía Bắc.
Các phương tiện, nhu yếu phẩm sau khi tập kết sẽ phối hợp với các Tỉnh đoàn, Thành đoàn phía Bắc hỗ trợ người dân.
"Lần này thiên tai khắc nghiệt, đội sẽ phối hợp với lực lượng chức năng địa phương dùng những xuồng máy đi cứu hộ tại những địa điểm đang bị lũ lụt nặng. Ngoài cứu hộ sẽ tiếp tế thêm lương thực và đưa người dân bị cô lập đến nơi an toàn", anh Tuấn Anh cho biết.
Tại ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, đơn vị tổ chức đợt quyên góp từ ngày 12 - 14/9, thu nhận ủng hộ từ sinh viên nội trú và các cơ sở kinh doanh dịch vụ tại đây để hỗ trợ đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cũng đã phát động vận động ủng hộ đồng bào miền Bắc, kêu gọi cán bộ, giáo viên, học sinh và sinh viên trên địa bàn thành phố tham gia. Theo đó, các trường học từ mầm non đến THPT công lập và ngoài công lập cũng đã hưởng ứng tích cực.
Tương tự, nhiều trường đại học trên địa bàn TP cũng đã phát động, kêu gọi toàn thể viên chức, học viên và sinh viên chung tay hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3.
Một số trường kêu gọi viên chức, người lao động đóng góp tối thiểu một ngày lương; sinh viên và cựu sinh viên có thể ủng hộ tại các thùng quyên góp hoặc qua chuyển khoản.
Một số hình ảnh về tinh thần tương thân tương ái của người dân TP.HCM hướng về miền Bắc:
Những bao nhu yếu phẩm được nhóm thiện nguyện Đêm Sài Gòn chuẩn bị để vận chuyển ra Bắc.
Theo Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão, các địa phương đã thống kê bước đầu một số thiệt hại tính đến 13h30 ngày 11/9, có 296 người chết, mất tích (155 người chết, 141 người mất tích); tăng 4 người chết, mất tích (tại tỉnh Yên Bái) so với báo cáo lúc 11h ngày 11/9.
Ngoài ra, do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm nhiều nhà dân, cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gẫy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gẫy đổ la liệt trên các tuyến đường tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận