Chị Nguyễn Thị Phòng thắp hương cho chồng |
Gặp chị, đôi mắt sâu trũng, đượm buồn nhưng ánh lên nét tự hào, rạng rỡ khi nhắc lại câu chuyện đầy nhân văn về chồng - người tình nguyện hiến xác cho y học.
5 năm nữa anh sẽ lại về bên mẹ con chị
Chúng tôi tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Phòng (thôn Đồng Trạng, xã Cổ Đông, TX Sơn Tây, Hà Nội) vào một ngày cuối năm lạnh, mưa phùn rả rích. Trong căn phòng hơi ẩm, tối mờ, chị Phòng trải lòng về người chồng đã khuất - anh Nguyễn Xuân Trường: “Mặc dù anh đã ra đi được gần 5 tháng, nhưng tôi có cảm nhận hơi ấm của anh vẫn quẩn quanh đâu đó trong ngôi nhà này”.
Trên bàn thờ vương vấn hương khói, cạnh tấm hình của anh, chị vẫn trân trọng cất giữ bức thư cảm ơn của Ngân hàng Mắt, nơi đã tiếp nhận một phần mô, tạng của chồng chị, sau khi anh nằm xuống.
"Ngoài giác mạc của anh Nguyễn Văn Trường đã dùng để cấy ghép thành công cho hai bệnh nhân, các bộ phận khác như gân, xương, sụn cũng sẽ dùng để cấy ghép cho các bệnh nhân khác mang lại sức khỏe và sự sống cho họ. Riêng xác của anh Trường sẽ thực hiện làm công tác nghiên cứu khoa học y khoa. Những người làm trong ngành Y như chúng tôi hy vọng ngày càng có nhiều người có suy nghĩ tích cực và nhân văn như anh Trường để khắc phục được phần nào sự khan hiếm của nguồn mô, tạng nước ta, giúp cứu sống được nhiều người hơn nữa”. PGS. TS. Trần Ngọc Anh |
Chị Phòng chia sẻ: “Anh nằm xuống, cả cơ thể của anh được hiến tặng cho y học để tiếp tục nghĩa vụ thiêng liêng và nhân văn là mang đến sự sống cho nhiều bệnh nhân khác và nghiên cứu khoa học y khoa. 5 năm nữa, tôi và các cháu sẽ lại đón anh về”.
Chị bảo, suốt 30 năm vợ chồng gắn bó với nhau, 4 đứa con lần lượt ra đời và được vợ chồng chị tần tảo sớm tối nuôi dạy nên người. Vài năm gần đây, anh dừng công việc chạy xe, lui về chăm lo con cái, nhà cửa và hỗ trợ chị việc buôn bán xe tải.
Vào khoảng tháng 7/2017, anh bỗng chia sẻ với chị về “mong muốn được hiến tạng sau khi mình nằm xuống”. Lúc đó không chỉ chị mà cả gia đình cùng đồng loạt phản đối. Chị từng bảo anh: “Các cụ nói rồi, có chết phải toàn thây”. Song, “mưa dầm thấm lâu”, cứ mỗi ngày anh lại rủ rỉ bên tai chị, khi là câu chuyện của một ca bệnh nhân được cứu sống nhờ trái tim được hiến bởi một người vừa ngừng tim, lúc lại là một ca sáng mắt nhờ giác mác hiến nơi Ngân hàng Mắt… “Anh Trường luôn nói với tôi rằng, chết đi cơ thể này vùi xuống 3 tấc đất thì cũng thành bùn hết. Nếu mình chết đi mà hiến tạng thì có thể cứu được biết bao người. Chết mà vẫn là được sống”, chị Phòng nói.
Cứ như vậy, từ phản đối, chị Phòng cùng các con chuyển sang ủng hộ anh. Thế nhưng không chỉ đăng ký hiến tạng, anh Trường còn nhất quyết hiến xác mình cho y học.
Rồi sau đó ít lâu, anh Trường được mời đến một buổi tri ân người hiến tạng và gia đình những người đã hiến tạng cứu người tại một ngôi chùa cổ. Ra về từ buổi tri ân ấy, anh Trường vẫn giữ nguyên lập trường “sẽ hiến xác cho khoa học”. Anh rủ rỉ: “Họ làm lễ chu đáo lắm, sau này họ thiêu luôn cho sạch sẽ. Mẹ mày cứ để anh ra đi như vậy không phải lăn tăn đâu, ở đấy còn sướng hơn ở nhà, lại mát mẻ nữa”.
Và chỉ ít lâu, khi thủ tục giấy tờ để đăng ký hiến xác còn chưa kịp hoàn thiện thì anh Trường đổ bệnh. Suốt thời gian ngắn nằm viện, anh Trường vẫn liên tục căn dặn vợ con và gia đình nhớ thực hiện tâm nguyện hiến xác của mình.
Bước qua những điều đơm đặt để hãnh diện, tự hào
Ít phút trước khi bác sĩ thông báo anh không thể qua khỏi, nghĩ đến ý nguyện của anh, chị Phòng đã nhấc điện thoại gọi về Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người. Chị Phòng nhớ lại: “Lúc đó lòng tôi vẫn ngổn ngang lắm. Dù vẫn biết đó là di nguyện của anh nhưng sống ở làng quê như gia đình tôi thì việc thực hiện quyết định này vẫn khó chấp nhận”.
Đúng như chị nghĩ, khi nghe thông tin mẹ con chị làm theo di nguyện của chồng, của bố, ngay trong dòng họ đã không ít lời ra tiếng vào, phản đối không cho phép chị “đối xử tàn nhẫn với anh, người vừa nằm xuống”. Tuy nhiên, sau khi nghe chị giải thích đó là nguyện vọng hiến tạng, hiến xác với mong muốn dù có nằm xuống vẫn có ý nghĩa cuộc sống của anh Trường, cả họ đã đồng tình. Thi thể của anh Trường được chuyển về Học viện Quân y.
Thế nhưng chính chị và gia đình mình cũng không ngờ hành động đầy nhân văn đó lại nhận về bao lời dèm pha, xúc xiểm từ không ít người làng trên, xóm dưới. Không chỉ thì thào sau lưng mà có người đến tận nhà gặp chị, bảo “chị bán xác chồng chắc được nhiều tiền lắm”. Nhắc đến chuyện này, đôi mắt chị lại ngấn lệ. Có ai hiểu anh ra đi đột ngột để lại cho chị, cho tổ ấm nhỏ bao sự trống vắng. Đau đớn khôn cùng khi mất đi người chồng, lại còn nghe những lời thị phi, chị tự nhủ với lòng mình, phải mạnh mẽ vượt lên. Chị bảo: “Tôi tin chắc một điều, chồng tôi rất mãn nguyện, thanh thản mỉm cười ở suối vàng vì di nguyện của anh đã được thực hiện”.
Tay lần giở tấm lịch, chị Phòng lẩm nhẩm, vào dịp này năm ngoái anh vẫn còn đang cằn nhằn chị chuyện sắm sửa cho ngày Tết, bởi chị ngập đầu với việc bán hàng đến tận chiều 30 Âm lịch. Mọi việc trong nhà, lo cho con, cho mấy ngày Tết đều một tay anh Trường làm cả. Cũng vì thế, mà chị càng thêm nhớ anh quay quắt. Hơn nữa, sau khi anh mất, mỗi đứa con cũng có cuộc sống riêng tư, còn lại mình chị trong ngôi nhà trống trải. Mới đây, chị đón cô con gái mới sinh cháu về ở cùng nhà cho vui vầy, khuây khỏa. Song ngày ngày chị vẫn thắp hương rồi rủ rỉ câu chuyện với anh, như thể anh vẫn đâu đây, như đang ra vườn bón cho gốc đào để kịp nở vào dịp Tết, hay vừa mới chạy sang hàng xóm ngồi uống trà, kể chuyện sắm Tết. “Sau 5 năm cống hiến cho khoa học, tôi sẽ đón anh về, xây cho anh ngôi nhà ấm áp”, chị Phòng bảo vậy.
Chia tay trong chiều đông heo hắt gió lạnh, nắm tay chúng tôi thật chặt, chị Phòng chia sẻ: “Sau này, nếu nhắm mắt xuôi tay, tôi cũng sẽ hiến tạng cứu người và hiến xác cho y học như anh”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận