Một buổi sáng đầu năm mới 2024, trời Hà Nội mưa phùn dày và đổi gió lạnh nhưng cuộc trao đổi giữa PV Báo Giao thông và nguyên Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Tây Ban Nha Trương Triều Dương lại vô cùng nồng ấm bởi cả đôi bên đều nhắc tới những kỳ tích, những con số chưa từng có của ngoại giao Việt Nam.
Vừa trở về sau chuyến công tác tại TP.HCM, rất bận rộn nhưng vị cựu đại sứ đã chủ động kéo dài cuộc trò chuyện gấp đôi thời lượng dự tính, bởi ông nói mình "ngả mũ kính phục" trước khối lượng công việc đồ sộ mà ngành ngoại giao và các bộ, ngành khác đã thực hiện trong năm qua.
Đại sứ Trương Triều Dương.
50 chuyến thăm cấp Nhà nước là điều chưa từng có
Tổng kết hoạt động ngoại giao Việt Nam 2023, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn cho biết, riêng năm 2023, Việt Nam đã tổ chức 22 chuyến thăm của lãnh đạo chủ chốt ra nước ngoài và đón 28 chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao các nước đến Việt Nam. Ông có thể nói gì về những con số này?
Nghe con số này, tôi sửng sốt!
Thời tôi, một năm ta trung bình tổ chức không đến 10 sự kiện như vậy.
Năm 2023, có tới 50 đoàn cấp cao đến và đi. Trung bình cứ 1 tuần ta lại chuẩn bị cho một sự kiện.
Tôi là dân đa phương, từng phụ trách các vấn đề Liên hợp quốc, Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu (ASEM), ASEAN, tham gia đón đoàn, chuẩn bị cho đoàn đi rất nhiều nên hiểu rõ đó là khối công việc khổng lồ.
Từ thủ tục mời, chuẩn bị thu xếp lịch trình, chuẩn bị nội dung cho các cuộc gặp gỡ, các nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao đi đâu gặp ai, nói gì và thỏa thuận những gì, nội dung ra sao, công tác đón tiếp thế nào, phải cực kỳ tỉ mỉ, chi tiết.
Nhiều trường hợp để thống nhất được nội dung của hai bên cũng rất khó khăn, căng thẳng. Nhưng ta làm được, có thể khẳng định đó là kỳ tích.
Các bộ, ngành đã phối hợp rất tốt.
Một Việt Nam thanh bình đang chào đón
Theo ông, sự sôi động của những chuyến ngoại giao con thoi và những hoạt động giao lưu, tiếp xúc bên lề chương trình nghị sự cấp cao như cùng ăn sáng, uống cà phê, dạo Hồ Gươm… có ý nghĩa thế nào tới hình ảnh Việt Nam trên quốc tế?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đón Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Hình ảnh các nguyên thủ, lãnh đạo các quốc gia có thể dạo chơi, trải nghiệm ẩm thực ngay trong các quán bình dân thể hiện Việt Nam là đất nước an toàn, rất đáng tin cậy, người dân yêu chuộng hòa bình.
Làm ngoại giao, an ninh an toàn của mỗi chuyến thăm luôn được đặt lên hàng đầu.
Tôi đã không ít lần dự hội nghị cấp cao như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), rất nhiều nơi người dân biểu tình rầm rộ khi có sự xuất hiện của nguyên thủ các cường quốc.
Thậm chí, có hội nghị của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ở Seatlle, Mỹ vào tháng 11/1999, người dân biểu tình đông và bạo động nổ ra đến mức Hội nghị cuối cùng đã phải hủy bỏ.
Dẫn lại ví dụ đó để thấy, vấn đề an ninh rất quan trọng, không phải nước nào, các lãnh đạo cấp cao cũng có thể dạo bước thoải mái trên phố.
Những hoạt động bên lề các chuyến thăm cấp cao sẽ giúp thế giới thấy Việt Nam là đất nước của tự do, hòa bình, các bạn hãy đến với Việt Nam!
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Những người từng thù địch với Việt Nam, chỉ nghĩ Việt Nam gắn liền với chiến tranh sẽ có suy nghĩ khác. Hóa ra Việt Nam đẹp, thanh bình như thế này sao? Cà phê, bánh mỳ của Việt Nam ngon vậy sao?
Nói về hoạt động đối ngoại của Việt Nam năm 2023, nhiều chuyên gia đã dùng hai từ chủ động và linh hoạt. Còn ông, ông sẽ chọn tính từ gì để mô tả?
Tôi nhất trí với hai từ chủ động và linh hoạt. Chúng ta đã chủ động xử lý nhiều tình huống, chủ động đưa ra sáng kiến ở các diễn đàn đa phương khác nhau từ ASEAN đến APEC, Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Bên cạnh đó là linh hoạt. Tùy tình hình chúng ta có đối sách phù hợp. Chẳng hạn như trong chiến sự Nga - Ukraine hay Israel - Hamas, Việt Nam đưa ra quan điểm không chọn bên mà chọn chính nghĩa đồng thời quan tâm nhất về vấn đề nhân đạo. Đó chính là sự linh hoạt.
Thế nhưng, tôi bổ sung thêm hai từ sáng tạo.
Tính sáng tạo của ngoại giao Việt Nam thời gian qua chính là việc tìm ra những phương thức mới nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế, tạo mọi điều kiện quốc tế thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước, góp phần quan trọng nâng cao vị thế và gia tăng thế lực cho đất nước.
Đáng chú ý là việc thực thi chính sách ngoại giao cây tre Việt Nam. Sự sáng tạo nằm ở cách chúng ta hình tượng hóa cây tre thân thương của Việt Nam thành phương cách chèo chống đường lối đối ngoại một cách khôn ngoan và có lợi nhất cho đất nước, cho dân tộc.
Chúng ta biết nhìn cây tre theo hướng phải có gốc vững chắc bắt nguồn từ tư tưởng Hồ Chí Minh, gió thế nào cũng không suy chuyển.
Ở phần thân, chúng ta vươn lên mạnh mẽ nhưng cành lá có thể uốn theo lợi ích đất nước để làm sao lá không rụng, cành không gãy, gốc vẫn chắc, tồn tại một cách mạnh mẽ, tự nhiên và phát triển.
Sự sáng tạo này là bước phát triển tuyệt vời từ tư tưởng Hồ Chí Minh.
Từ kỳ vọng đến thực tế
Sau hai chuyến thăm đặc biệt quan trọng của Tổng thống Mỹ và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc tới Việt Nam trong năm 2023, dư luận kỳ vọng sẽ mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội lớn. Theo ông, cần làm gì để từ kỳ vọng biến thành thực tế?
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Ảnh: Nguyễn Hồng.
Dùng hai chữ "kỳ vọng" là đúng vì từ kỳ vọng đến thực tế không hề đơn giản nhưng chúng ta có lý do để hy vọng.
Qua những chuyến đi như vậy, các lãnh đạo cấp cao nhất của mỗi nước có cái nhìn rõ hơn về Việt Nam.
Khi cấp cao nhất đã thấu hiểu, biết rõ điều kiện tiềm năng có thể phát triển mạnh và có tình cảm tốt ở Việt Nam, tất nhiên sẽ mở ra những dòng đầu tư lớn vào đất nước.
Nhưng chúng ta phải biết cách khai thác cơ hội. Theo tôi, chúng ta cần phải xây dựng hạ tầng giao thông tốt, đồng bộ nhất là phát triển mạnh về cảng biển để trở thành trung tâm trung chuyển từ phía Bắc bán cầu sang Nam bán cầu.
Để thu hút được đầu tư nước ngoài lớn hơn nữa, ta còn phải cải cách hành chính để gỡ bỏ hết các nút thắt về thủ tục.
Song ở đây, tôi muốn nhấn mạnh cởi mở không có nghĩa là chúng ta dễ dãi để các nhà đầu tư mặc sức khai thác. Đơn cử, Việt Nam hiện được đánh giá có nguồn đất hiếm lớn thứ hai trên thế giới nhưng để tận dụng tốt nhất cần chính sách vừa hài hòa lợi ích giữa các bên vừa phải thật sự chặt chẽ, bảo vệ môi trường bền vững.
Một yếu tố quan trọng khác là nội lực. Ta có nguồn lao động dồi dào nhưng còn thiếu lực lượng tay nghề cao, công nhân lành nghề.
Mặt khác là ngoại ngữ, chúng ta cần phải đẩy mạnh hơn nữa để người nước ngoài sinh sống, làm việc tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội dễ dàng giao tiếp, làm việc.
Nhìn từ nhiều nước trên thế giới có mối quan hệ thân cận với Mỹ, họ được tạo điều kiện đầu tư rất nhiều nhưng không phải quốc gia nào cũng tận dụng tốt và phát triển. Qua đó, có thể thấy, quan trọng nhất vẫn chính là quyết sách của mỗi nước và nói rộng hơn là yếu tố con người.
Qua truyền thông, mạng xã hội, tôi rất mừng khi thấy các bạn trẻ của chúng ta đã có nhiều bước phát triển, nỗ lực nhưng đó mới chỉ là một bộ phận. Ta cần giúp đa phần giới trẻ có khát vọng học tập, có khát vọng vươn lên để sẵn sàng bứt phá khi cơ hội đến. Làm giàu cho chính mình và cống hiến cho xã hội.
Ngoại giao không còn thế thủ
Tại hội nghị ngoại giao lần thứ 32, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận định, hiện nay thế và lực của Việt Nam đã khác, cần xác định tâm thế mới trong quan hệ với các đối tác quốc tế. Vậy theo ông tâm thế đó là gì?
Thủ tướng thăm chính thức Trung Quốc, dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt tay Thủ tướng Lý Cường trước khi vào phòng hội đàm). Ảnh: Nguyễn Hồng.
Với các mối quan hệ quốc tế của ta hiện nay, các quốc gia trên thế giới phải nể trọng Việt Nam. Không chỉ cán bộ ngoại giao mà cả người dân phải xác định tâm thế chúng ta không còn là đất nước nghèo khó, vừa trải qua chiến tranh nữa mà là đất nước đang trên đà phát triển, có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới, hàng hóa sản xuất ở Việt Nam xuất hiện trên khắp các châu lục.
Ở ASEAN, APEC hay Liên hợp quốc, Việt Nam đã đưa ra rất nhiều sáng kiến. Chúng ta cũng là thành viên của Hội đồng Nhân quyền của LHQ.
Nếu như ngoại giao ở những năm 80 của thế kỷ 20, về cơ bản ta có thể còn ở trong thế thủ thì nay là ở thế chủ động. Ngoại giao của ta bây giờ là ngoại giao xây dựng, giúp đỡ và đưa giải pháp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam dự Lễ Khai trương phố Việt Nam tại Thái Lan. Ảnh: Quốc hội.
Bước sang năm mới 2024 với biến động khó lường, theo ông Việt Nam cần làm gì để tiếp tục vượt gió ngược, rẽ sóng lớn?
Năm 2024 sẽ là một năm thế giới tiếp tục có những biến động phức tạp và khó lường. Xung đột ở châu Âu, Trung Đông dự kiến sẽ còn kéo dài và lan rộng, kéo theo những hậu quả rất nghiêm trọng khôn lường. Việc đầu tiên mà chúng ta phải làm là phải có những dự đoán chính xác, từ đó đưa ra những đối sách phù hợp, có lợi nhất cho Việt Nam. Không nên để phải lâm vào tình trạng bị động đối phó.
Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của các mối quan hệ đối ngoại cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, quốc phòng đang nở rộ hiện nay, tôi nghĩ việc quan trọng cần làm ngay là nhìn lại tất cả các mối quan hệ mà chúng ta đã xây dựng, qua đó đánh giá, thống kê những nội dung nào ta đã làm được, làm như thế nào, điều gì còn chưa thực hiện, những gì có thể tiếp tục thúc đẩy trong thời gian tới để đưa các mối quan hệ vào thực chất.
Tôi xin nhấn mạnh, đừng để các thỏa thuận chỉ ở trên giấy mà cần phải hiện thực hóa một cách tốt nhất, qua đó đưa kết quả vào phục vụ đời sống và sự phát triển cả đất nước.
Cảm ơn ông!
Đại sứ Trương Triều Dương từng là Vụ trưởng Vụ Hợp tác Kinh tế Đa phương (Bộ Ngoại giao), thành viên Thường trực Đoàn đàm phán Chính phủ về Kinh tế - Thương mại; Trưởng Đại diện Quan chức Cao cấp của Việt Nam tại Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (Trưởng SOM ASEM), Thống đốc Quỹ Á - Âu của Việt Nam.
Ông là Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Tây Ban Nha nhiệm kỳ 2010 - 2013, Đại sứ Việt Nam tại Philippines kiêm nhiệm CH Palau nhiệm kỳ 2013 - 2017.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận