Bạn cần biết

Tan máu cấp nghi ăn thịt bò khô nhuộm phẩm màu

31/01/2018, 08:25

Khoa Nhi, BV Bạch Mai vừa cấp cứu thành công bệnh nhi Dư Gia H. bị tan máu cấp nặng...

20

Bệnh nhi bị tan máu cấp nặng, nghi do ngộ độc thực phẩm

Màu thực phẩm dễ như mua rau

Theo lời người nhà cho biết, cháu H. trước đó hoàn toàn khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh lý, không đi đâu chơi xa, không dùng thuốc gì và xung quanh không có bệnh dịch đặc biệt. Tuy nhiên, trong ngày 16/1, H. cùng chị họ ăn thịt bò khô có nhuộm phẩm màu không rõ nguồn gốc. Sau ăn 1 ngày, trẻ xuất hiện triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, sốt nhẹ, rét run, ăn uống kém, thỉnh thoảng kêu đau đầu. Đến ngày thứ 2, cháu H. có biểu hiện sốt cao, đi tiểu màu đỏ, da nhợt nhạt, nôn nhiều. Được biết, người chị họ ăn thịt bò khô cùng H. cũng bị đi tiểu đỏ nhưng tình trạng nhẹ hơn. Sau thăm khám, xét nghiệm, bác sĩ nhận thấy đây là trường hợp cơn tan máu điển hình, nghi ngờ do nhiễm độc.

"Để phòng ngừa tác hại của thực phẩm có nhuộm phẩm màu, người tiêu dùng cần chú ý sử dụng các chất màu tự nhiên (gấc, cà chua, ớt, cà rốt, dành dành, dâm bụt chua, nghệ, lá dứa thơm…). Các chất màu tự nhiên ngoài tác dụng tạo màu, còn có tính chống oxy hóa nên rất tốt cho sức khỏe”.

TS. Phan Thị Sửu
Giám đốc Trung tâm Kỹ thuậtan toàn thực phẩm, Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn thực phẩm VN

Theo tìm hiểu, hiện trên thị trường có nhiều loại màu thực phẩm dạng bột hoặc nước. Chúng được bày bán công khai tại hầu hết các sạp hàng khô ở các chợ dân sinh. Tại một sạp hàng khô chợ Cầu Diễn (Nam Từ Liêm, Hà Nội), khi có khách hỏi màu thực phẩm, bà chủ liền chỉ vào đống gói bột màu đỏ, vàng, cam. Tỏ ý muốn mua phẩm màu cho món thịt bò khô, chủ hàng liền giới thiệu và đưa cho chúng tôi một bịch to có tên “Hiên Nhật”, trong đó là hàng chục gói bột nhỏ màu đỏ cam đã được chia sẵn và buộc lại sơ sài bằng một sợi dây. Tất cả đều không ghi nguồn gốc, địa chỉ sản xuất cũng như hướng dẫn sử dụng. Mỗi gói nhỏ chứa khoảng 100g bột màu được bán với giá 10 nghìn đồng. “Một gói này phải dùng được cả trăm cân thịt bò, mỗi lần làm vài cân thì ang áng lấy một thìa nhỏ rồi điều chỉnh độ đậm nhạt theo ý của mình”, chủ quán hướng dẫn.

Trên công cụ tìm kiếm Google, chỉ cần gõ từ khóa “bán màu thực phẩm”, hàng loạt địa chỉ được mở ra, song khách hàng khó có thể nhận biết đâu là màu thực phẩm tự nhiên và đâu là màu thực phẩm hóa học. Cụ thể, với lời rao bán “màu thực phẩm tổng hợp”, giá sản phẩm cũng khá đa dạng từ 50-500 nghìn đồng/kg, tùy từng loại màu và hãng sản xuất. Theo các chuyên gia, phẩm màu tổng hợp thực chất được tạo ra bằng phản ứng tổng hợp hóa học như: Amaranth (đỏ), brilliant blue (xanh), sunset yellow (vàng cam), tartazine (vàng chanh)… Hiện, loại màu này vẫn được dùng khá phổ biến trong một số thực phẩm cho trẻ em như: Thạch, nước trái cây, đồ ăn nhanh, kẹo bánh… bởi chúng có độ bền màu cao và rẻ hơn rất nhiều so với phẩm màu tự nhiên. Tuy nhiên, theo PGS. TS. Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia công nghệ thực phẩm, đối với thực phẩm, việc quy định chất tạo màu vô cùng nghiêm ngặt, trong đó, chỉ được sử dụng với các loại màu thực phẩm đã được cơ quan chức năng cho phép. Tuy nhiên, trên thực tế, có không ít trường hợp, vì lợi nhuận đã sử dụng chất màu công nghiệp để thay thế, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng. Ông Thịnh dẫn chứng, Rhodamine B vốn là màu được dùng trong ngành thủy văn để phát hiện dòng thủy lưu, nhưng chất này lại được lạm dụng để tạo màu cho bột ớt hay hạt dưa. Kết quả là sản phẩm lên màu rất đẹp nhưng khi ăn vào dễ xảy ra ngộ độc.

21

Bột màu thực phẩm “ba không” được bày bán trên thị trường

Nguy hại phẩm màu hóa học

Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS. Trần Hồng Côn cho biết: Tất cả các loại phụ gia nói chung hay màu thực phẩm nói riêng, đều phải được sử dụng trong giới hạn của tiêu chuẩn cho phép. “Những thức ăn có chứa phẩm màu trong danh mục được phép sử dụng làm phụ gia thực phẩm của Bộ Y tế, dưới mức giới hạn dư lượng cho phép thì không gây ảnh hưởng cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu lạm dụng phẩm màu hoặc chạy theo lợi nhuận, sử dụng các phẩm màu ngoài danh mục cho phép để chế biến thực phẩm (đặc biệt là các phẩm màu tổng hợp) sẽ rất hại, có thể gây ngộ độc cấp tính, tích luỹ lâu dài có thể dẫn đến ung thư", ông Côn nhận định.

Theo tìm hiểu, một số màu thực phẩm tổng hợp độc hại đã bị Cơ quan Quản lý thuốc và Thực phẩm Mỹ cấm từ lâu như: Blue1, 2; Red 3; Green 3; và Yellow 6… Đây đều là những chất có thể gây ung thư khi thí nghiệm ở động vật. Đáng chú ý, theo các nghiên cứu nước ngoài, ngay cả những nhóm chất tạo màu tổng hợp nằm trong danh mục được phép sử dụng nhưng vẫn có nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng. Chẳng hạn, chất tạo màu đỏ cam 2 (Citrus 2), là chất được phép sử dụng làm đẹp vỏ cam, quýt lại gây ngộ độc cho chuột. Hay chất tạo màu đỏ 40 (Red 40), là chất tạo màu được sử dụng nhiều nhất song lại có khả năng gây ung thư hệ miễn dịch, gây mẫn cảm với một số ít người và đặc biệt là gây tăng động cho trẻ nhỏ.

“Việc sử dụng hóa chất tạo màu tổng hợp đa số đem lại rủi ro cho người tiêu dùng, đặc biệt là khả năng gây ung thư cũng như một số chất có thể gây chứng tăng động, rối loạn hành vi ở trẻ. Chính vì thế, trong chế biến, sản xuất thực phẩm, cơ quan vệ sinh an toàn thực phẩm các nước đều khuyến cáo nhà sản xuất không nên lạm dụng màu tổng hợp mà hãy thay thế bằng màu tự nhiên”, PGS. Trần Hồng Côn nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.