Quản lý

Tân Sơn Nhất giảm chậm chuyến nhờ phương thức bay mới

10/11/2016, 13:08
image

Các chuyến bay đi đến sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đúng giờ hơn khi áp dụng phương thức bay mới.

IMG_4256

Lãnh đạo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam chứng kiến nhân viên kiểm soát không lưu điều hành bay theo phương thức mới RNAV 1. Ảnh: Phan Tư

Sáng 10/11, tập thể lãnh đạo Tổng công ty quản lý bay Việt Nam đã có mặt tại TP.HCM để chứng kiến một sự kiện quan trọng, đưa vào khai thác phương thức bay và khai thác RNAV 1 tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Đúng 7h05 sáng 10/11, sân bay Tân Sơn Nhất đón chuyến bay VN30 của Vietnam Airlines từ Frankfurt (Đức) về TP.HCM. Đây là chuyến bay đầu tiên mà cơ trưởng được kiểm soát không lưu (Công ty Quản lý bay miền Nam) hướng dẫn hạ cánh theo phương thức bay mới SID/STAR RNAV 1. 

Ông Trần Minh Bảo, Trưởng trung tâm kiểm soát tiếp cận tại sân (Công ty QLB miền Nam), giải thích về những lợi ích của việc áp dụng phương thức bay mới này. Cụ thể, trước đây, vào thời điểm bình thường, tàu bay bay thẳng để hạ cánh xuống sân bay.

Tuy nhiên vào thời gian cao điểm, kiểm soát không lưu phải xem xét tình hình, sau đó trao đổi với cơ trưởng. Trường hợp ở dưới đất chưa có vị trí để hạ cánh thì tàu bay phải bay vòng để chờ. Kiểm soát viên không lưu phải liên tục điện đàm trao đổi với cơ trưởng hướng dẫn bay.

Có thời điểm nhiều chuyến bay vào vùng hạ cánh cùng một lúc khiến việc trao đổi giữa kiểm soát viên không lưu với cơ trưởng gặp khó khăn, có lúc bị “nghẽn mạng”, nhiễu thông tin. Đây là một điều nguy hiểm vì tiềm ẩn rủi ro về an toàn. Kiểm soát viên không lưu cũng bị căng thẳng do phải làm việc liên tục.

IMG_4260

Việc áp dụng phương thức bay mới RNAV 1 sẽ giảm căng thẳng cho kiểm soát viên không lưu, giúp việc điều hành bay tốt hơn. Ảnh: Phan Tư

Theo thống kê, tại Tân Sơn Nhất trung bình một ngày có khoảng 600 lần chuyến cất/hạ cánh, ngày cao nhất lên tới 720 lần chuyến cất/hạ cánh. Tình trạng quá tải thường xuyên diễn ra khiến cho công tác điều hành bay gặp nhiều khó khăn.

Giờ đây được trang bị hệ thống SID/STAR RNAV 1, khi tàu bay vào vùng kiểm soát Tân Sơn Nhất, nếu quá tải, kiểm soát viên chỉ thông báo một lần với cơ trưởng áp dụng phương thức bay SID/STAR RNAV 1, tàu bay sẽ tự động bay theo sơ đồ đã vạch sẵn mà không cần trao đổi qua lại giữa hai bên, hạn chế tình trạng nhiễu thông tin.

“Cứ hiểu đơn giản là khi đi qua một cánh cửa hẹp, nếu bình thường ít người có thể đi thẳng qua cửa. Nhưng khi đông người thì phải căng các dây để mọi người xếp hàng đi theo sơ đồ một cách trật tự, an toàn mà không cần phải chỉ dẫn nhiều”, ông Bảo nói.

IMG_4242

Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam sẽ áp dụng phương thức quản lý bay mới này tại Nội Bài, Đà Nẵng trong năm 2017. Ảnh: Phan Tư

Phương thức bay mới này còn hạn chế tối đa các luồng tàu bay đi/đến hội tụ về cùng một điểm và giảm thiểu số điểm giao cắt, giúp kiểm soát viên duy trì độ giãn cách tiêu chuẩn chính xác hơn, an toàn hơn. Đồng thời tối ưu hóa năng lực, khả năng thông qua tại vùng trời và tăng năng lực tổng thể từ 10 đến 15% so với phương thức bay cũ.

Với các hãng hàng không, khi được hướng dẫn bay theo phương thức mới sẽ giúp tàu bay không phải bay vòng chờ, giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu, giảm bớt lượng khí thải phát ra môi trường và tăng hiệu quả kinh tế. Tàu bay khi được hướng dẫn bay theo phương thức mới này cũng sẽ xác định thời gian hạ cánh chính xác, hạn chế tình trạng trễ chuyến làm ảnh hưởng đến tâm lý hành khách.

Để vận hành hệ thống bay theo phương thức mới, Công ty Quản lý bay miền Nam đã mất gần 3 tháng chuẩn bị, huấn luyện cho cán bộ kiểm soát không lưu sử dụng thành thạo các trang thiết bị.

Lãnh đạo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cho biết, đầu năm 2017 đơn vị sẽ áp dụng phương thức bay mới này tại sân bay Nội Bài, cuối năm 2017 thực hiện tại Đà Nẵng.  Sau đó, sẽ triển khai rộng rãi tại tất cả các Cảng hàng không trong toàn quốc trước năm 2020.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.