Ồ ạt cấp phép tận thu
Trở lại các cánh đồng TX.Điện Bàn (Quảng Nam), các khu vực cấp phép cải tạo đất ruộng sôi động không khác gì “đại công trường”. Tìm hiểu của PV, dưới danh nghĩa cải tạo ruộng đồng, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành 9 quyết định cấp quyền khai thác khoáng sản, đất sét cho các doanh nghiệp tư nhân để tận thu đất bán cho các lò gạch. Thống kê, từ năm 2016 đến 2020, trên TX.Điện Bàn có 314 héc ta đất đồng ruộng được cải tạo. Trong đó, ở địa bàn xã Điện Hòa có 137 héc ta, Điện Thọ có 71,11 héc ta, Điện Tiến là 64,2 héc ta, Điện Nam Bắc 41,32 héc ta.
Đáng nói, số tiền Quảng Nam thu được từ các quyết định cho tận thu đất ruộng này lại rất ít ỏi so với mức chênh lệch doanh nghiệp bán lại cho các lò gạch. Điển hình, với quyết định 586/QĐ-UBND ngày 7/2/2018 của UBND tỉnh Quảng Nam, công ty TNHH XDTM và dịch vụ Thuyền Tùng được khai thác 76.078m3 đất sét trong quá trình cải tạo, chỉnh trang gần 40ha đồng ruộng tại thôn Phong Thử 2 (xã Điện Thọ, TX.Điện Bàn), nhưng chỉ phải nộp cho tỉnh gần 160 triệu đồng. Nhẩm tính với khối lượng trên, một m3 đất sét, đất ruộng màu mỡ doanh nghiệp chỉ phải “mua tận thu” với giá hơn 2.000 đồng, thậm chí chưa bằng giá một quả trứng gà.
Tương tự, Công ty TNHH MTV tổng hợp Quốc Thịnh được UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 2491/QĐ-UBND (ngày 13/7/2016), cho phép cải tạo hơn 14 ha đất ruộng tại thôn Đức Ký Bắc (xã Điện Thọ, TX.Điện Bàn). Trên cơ sở này, Công ty Quốc Thịnh được tận thu gần 52.000m3 đất sét để bán cho các lò gạch nhưng chỉ đóng cho Quảng Nam số tiền hơn 164 triệu đồng. Tính ra trung bình mỗi m3 đất sét, Quảng Nam chỉ thu được hơn 3.000 đồng…
Loạt bài Ồ ạt cấp phép tận thu giá bèo, bán đất cho các lò gạch, tận thu đất đồi san lấp dự án thương mại lấn sông... thu lợi khủng vừa được Báo Giao thông tập trung phản ánh, rất cần sự vào cuộc, làm rõ của ngành chức năng Quảng Nam nhằm ngăn chặn việc "chảy máu" tài nguyên, lợi ích nhóm khai thác khoáng sản dưới danh nghĩa tận thu hiện nay.
“Mua đất tận thu giá bèo” từ nhà nước, các doanh nghiệp ồ ạt bán cho nhà máy gạch với mức lời khủng. Điều tra của PV, đất sét từ các dự án cải tạo ruộng đồng nếu “bán tươi” ngay tại các cánh đồng cho các lò gạch đã có giá 52-60.000 đồng/m3. Thậm chí, một chủ doanh nghiệp khai thác thừa nhận: đó là giá bán không hóa đơn, còn nếu ghi trong hóa đơn sẽ là 80.000 đồng/m3.
Đặc biệt, đất sét từ cánh đồng này vận chuyển đến tận nhà máy sẽ có giá từ 99.000 đồng/m3 - 165.000 đồng/m3 (tùy cự ly). Trong đó, nếu bán cho các lò gạch trên địa bàn, khu vực lân cận mức giá giao động từ 99.000 đồng/m3 - 110.000 đồng/m3. Còn đất được chuyển qua các địa phương khác, như huyện như Quế Sơn thì bán với giá 165.000 đồng/m3.
Buông lỏng quản lý?
Tài nguyên vô tư được “rút ruột”, nhà nước thất thu, nhưng khi đặt câu hỏi về công tác quản lý, giám sát cải tạo ruộng đồng, ông Nguyễn Minh Hiếu - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn vẫn cho rằng: có quy trình giám sát đến tận cấp xã/phường và người dân. Theo đó, từ cơ quan chuyên môn như phòng Kinh tế, Tài nguyên và Môi trường thị xã Điện Bàn, đến cả người dân cùng giám sát. Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Giao thông, nhiều người dân khu vực dự án cải tạo ruộng đồng tỏ ra bất ngờ cho biết không được thông tin, thông báo về việc thực hiện cải tạo ruộng đồng đang diễn ra tại chính cánh đồng mình sản xuất, canh tác bao năm qua.
“Người dân chúng tôi không hề được chính quyền địa phương thông báo, thông tin về việc này. Khi thấy xe múc, xe ben chở tấp nập vào ra chở đất ruộng đi, người dân chúng tôi hỏi ra mới biết là họ chở đất bán cho các lò gạch trên địa bàn. Người dân chúng tôi không hiểu vì sao chính quyền lại lấy đất ruộng bán cho các lò gạch một cách vô lý như vậy?”, ông X.V.X - một người dân địa phương bức xúc.
Trong hành trình đi xác thực giá 1m3 đất khoáng sản mà các doanh nghiệp khai thác bán cho các lò gạch có giá bao nhiêu? Từ lãnh đạo UBND thị xã Điện Bàn, đến các phòng Kinh tế, phòng Tài nguyên và Môi trường, Chi cục thuế thị xã Điện Bàn đều không nắm rõ. Ông Nguyễn Minh Hiếu phỏng đoán: Các đơn vị khai thác bán đất khoáng sản cho các nhà máy gạch với giá nào thì tôi không biết. Nhưng có lẽ là theo giá trị thị trường, như giá thị trường bất động sản vậy.
Còn ông Nguyễn Văn Ánh - cán bộ Chi cục thuế thị xã Điện Bàn, cho rằng sẽ tiến hành thu theo quy định nhưng phụ thuộc việc kê khai của doanh nghiệp. Để biết, các đơn vị doanh nghiệp có thực hiện kê khai nộp thuế đúng hay không thì không phải dễ.
Dễ thấy, hoạt động cải tạo ruộng đồng dù nhằm mục đích hỗ trợ sản xuất của người dân nhưng với quy trình quản lý lỏng lẻo, quy chế giám sát cho có hiện nay... đã tạo kẽ hở để hợp thức hóa việc bán đất ruộng cho các lò gạch và mở đường cho doanh nghiệp tận thu hưởng lợi lớn.
>>> Xem thêm video mở đường đấu nối, tận thu đất ruộng vào lò gạch:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận