Trong khi đó, nếu được tận thu để sử dụng vào mục đích khác như làm đất trồng cây, làm gạch, vấn đề bãi đổ thải sẽ được giải quyết.
Thiếu vị trí đổ thải, công trường thành bãi chứa
Những ngày cuối năm 2021, không khí thi công trên công trường cao tốc Bắc - Nam đoạn QL45 - Nghi Sơn diễn ra hối hả.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, giám đốc điều hành dự án (thuộc Ban QLDA 2, Bộ GTVT) không khỏi lo lắng cho tiến độ dự án khi vị trí đổ vật liệu thải đến giờ này vẫn chưa được địa phương bố trí đủ so với yêu cầu.
Chỉ tay về những đống đất, đá thải đang phải tập kết tạm dọc hai bên tuyến đường dự án, ông Quỳnh nói: “Theo tính toán, khối lượng đất phải bóc trên toàn tuyến QL45 - Nghi Sơn ước khoảng 100.000m3 đất. Nhu cầu cần đổ thải khoảng 1,5 triệu m3”.
Đất thải được san gạt sang 2 bên dự án ở gói XL01 thuộc đoạn QL45 - Nghi Sơn. Ảnh: Phúc Tuấn
Để giải quyết vấn đề này, Ban QLDA2 đã cùng các đơn vị nhà thầu khảo sát và trình xin khoảng 30 vị trí đổ thải. Tuy vậy, đến nay, UBND tỉnh Thanh Hóa mới chấp thuận cho 4 vị trí.
Hiện nay các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng như nhà máy gạch vẫn kết nối với địa phương để tiếp nhận các nguồn đất đảm bảo. Còn những cơ sở sản xuất nông nghiệp khi họ có nhu cầu sử dụng, địa phương vẫn tạo điều kiện, khuyến khích để họ làm.
Ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa
“Có một số vị trí đổ thải đã được khảo sát và Ban đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được xem xét chấp thuận do ngành nông nghiệp của tỉnh cho rằng nằm trong vùng đất rừng sản xuất, lòng hồ Yên Mỹ”, ông Quỳnh chia sẻ.
Riêng tại gói thầu XL01 dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn QL45 - Nghi Sơn, do Công ty CP Tập đoàn Thành Huy đang thi công, ông Võ Đại Thạch, chỉ huy trưởng công trường cho biết, hiện, khối lượng vật liệu đã bóc lên khoảng 80.000m3.
Tuy nhiên, do địa phương chưa bố trí được vị trí đổ thải nên nhà thầu phải tập kết vật liệu tạm trong hành lang GPMB của phân kỳ giai đoạn 2; Đồng thời, thuê 5 vị trí đất trống của người dân với tổng diện tích 6,5 nghìn m2 để đổ tạm với giá thuê là 15 nghìn đồng/m2/năm.
Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45, ông Lương Văn Long, Giám đốc điều hành dự án cho biết, ước tính, nhu cầu đổ thải trên tuyến ở Ninh Bình là 1 triệu m3, Thanh Hóa là 2,5 triệu m3.
Thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng địa phương mới chấp thuận một số bãi đáp ứng khối lượng gần 2 triệu m3.
Chung cảnh ngộ với các dự án trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nhà thầu thi công tại dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu cũng đang “dở khóc, dở cười” với khối lượng lớn đất phong hóa đã bóc lên nhưng chưa có điểm đổ thải.
Theo kỹ sư Nguyễn Kim Quỳnh, Đội trưởng phụ trách thi công mũi số 1 thuộc nhà thầu Vinaconex, hiện, khối lượng đất đã bóc phong hóa và đào xử lý nền đất yếu trong phạm vi gói thầu khoảng 70.000m3.
Tuy nhiên, do chưa có bãi đổ nên số đất này đang phải đổ tạm sang phần công địa của giai đoạn 2.
“Theo kế hoạch, số đất này sẽ được đưa về 11 vị trí đổ thải địa phương dự kiến xây dựng nhà văn hóa. Thế nhưng, đường vào bãi thải hầu hết là đường làng, đường xóm, xe tải không thể vào hoặc có vào được người dân lại ngăn cản”, ông Quỳnh nói.
Kỹ sư Phạm Văn Đua, Cán bộ Ban QLDA 6 cho biết, theo tính toán sơ bộ, lượng đất đào bóc hữu cơ của 4 gói thầu dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu khoảng hơn 1 triệu m3.
Qua 4 tháng thi công, tới nay, địa phương mới bố trí được 4 bãi đổ thải. Trong đó, 2 bãi ở huyện Quỳnh Lưu đã đủ điều kiện tiếp nhận, còn 2 bãi thải ở xã Diễn Lâm (huyện Diễn Châu) đường vào là đường dân sinh, người dân nhất quyết không cho xe vào vì sợ hỏng đường và ô nhiễm.
Có thể tận thu?
Nhà thầu thi công hầm chui QL45 phải mượn phần đất của dân để đổ tạm đất thải trong khi chờ bãi thải
Đề cập tới việc tìm vị trí đổ thải cho dự án, ông Phạm Văn Minh, Phó giám đốc Ban QLDA 6 cho rằng đây là câu chuyện “cười ra nước mắt” khi công tác bố trí điểm đổ thải chậm, đất, đá bóc lên ngổn ngang ở công trường.
Dù vậy nhưng có cán bộ huyện xin xe đất về đổ vườn trồng rau, ban điều hành cũng chẳng dám cho vì sợ vi phạm quy định về khai thác khoáng sản, tài nguyên môi trường.
Thủ tục đổ thải đã được thực hiện ở bước dự án nhưng khi dự án bắt đầu triển khai, một số thôn, xã đăng ký trước đó lại từ chối sử dụng vật liệu từ các dự án đưa về do không còn nhu cầu. Đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu các bãi đổ thải, phát sinh thời gian tìm kiếm vị trí, thỏa thuận với địa phương.
Ông Phạm Minh Thiện, Trưởng phòng QLDA 1, Cục QLXD&CLCTGT
“Nếu Chính phủ và các bộ ngành, địa phương có cơ chế cho tận thu nguồn đất này để tái sử dụng hoặc đưa vào nguyên liệu sản xuất, chắc chắn sẽ gỡ được bài toán thiếu bãi đổ thải hiện nay”, ông Minh kiến nghị.
Giám đốc điều hành dự án QL45 - Nghi Sơn Nguyễn Ngọc Quỳnh cho rằng, việc đánh giá đất, đá thải có được sử dụng vào việc khác hay không là do cơ quan chuyên môn thẩm định, kết luận dựa trên các tiêu chí.
“Cá nhân tôi thấy, trong dự án, đất không đạt các chỉ tiêu cơ lý để làm đường cao tốc, song có thể làm vật liệu san lấp khu dân cư. Đất tốt thì có thể làm gạch, đất trồng cây”, ông Quỳnh nhận định.
Trước câu hỏi, đất, đá bóc lên được coi là vật liệu thải ở công trường có thể tận dụng, tận thu cho các mục đích khác, một cán bộ Phòng TN&MT ở Nghệ An nhận định, dự án cao tốc đi qua nhiều khu vực có địa chất khác nhau nên cần phải xét nhiều góc độ.
Nếu đất qua mỏ khoáng sản thì tận thu khoáng sản theo luật khoáng sản, nếu qua khu vực đồi rừng, đất nông nghiệp, lâm nghiệp thì phải tuân theo các quy định của luật tương ứng.
“Ví như đất ruộng khi múc lên thì nó là đất nông nghiệp, chỉ được sử dụng vào mục đích đất nông nghiệp, chứ không thể đưa vào làm nguyên liệu nhà máy gạch. Muốn tận dụng, trừ khi Chính phủ có cơ chế đặc thù thì lúc đó địa phương mới có thể cấp phép”, vị này nói.
Theo ông Phạm Minh Thiện, Trưởng phòng QLXD 1, Cục QLXD&CLCTGT (Bộ GTVT), vật liệu đào bóc ở các dự án có ảnh hưởng đến môi trường nhưng không gây nguy cơ.
Trong quá trình thi công, những vật liệu đủ tiêu chuẩn (cấp 2 trở lên) đã được nhà thầu tận dụng đắp nền. Một phần nhỏ đất hữu cơ, đất lẫn đá, đá xít phong hóa không thế tái tạo, tận dụng được thì phải mang đi đổ tại vị trí được địa phương cấp phép.
Những loại đất, đá này hoàn toàn có thể tận dụng để san lấp vùng trũng. Ví dụ như dự án cao tốc đoạn Mai Sơn - QL45, khi tiếp nhận yêu cầu bố trí vị trí đổ thải từ ban điều hành dự án, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã trực tiếp làm việc, đề nghị xem xét một số xã có nhu cầu mở rộng làm đường dân sinh sử dụng đắp nền.
“Tuy nhiên, việc đổ thải phải tuân theo đúng các vị trí cơ quan chức năng địa phương cấp. Quy định hiện hành nghiêm cấm việc mua, bán vật liệu thải từ các dự án, song, trường hợp một bên thứ 3 có nhu cầu sử dụng vật liệu này cho việc sản xuất, nhà thầu có thể cùng Ban QLDA trao đổi để xin ý kiến cấp thẩm quyền địa phương sở tại đánh giá, tìm phương án xử lý phù hợp nhất”, ông Thiện nói.
Ông Hoàng Đức Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Nguyên (có 2 chi nhánh sản xuất gạch ngói) cho biết, nguyên liệu đất cho sản xuất gạch ngói luôn rất thiếu. Dự án cao tốc có khối lượng đất sét lớn từ quá trình đào đất hữu cơ, bóc phong hóa. Loại đất này hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu sản xuất và đơn vị sẵn sàng mua lại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận