Thế giới

Thủ tướng tương lai của Đức Friedrich Merz lần đầu nêu quan điểm về quan hệ với Mỹ, NATO

24/02/2025, 10:40

Theo kết quả thăm dò của Đài Truyền hình Đức (ZDF), Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của ông Friedrich Merz giành được khoảng 29% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử sớm diễn ra ngày 23/2, giúp ông Merz có thể trở thành Thủ tướng.

Chỉ trích bình luận từ Mỹ 

Phát biểu sau khi kết quả thăm dò bầu cử được công bố, ông Friedrich Merz thẳng thắn chỉ trích những bình luận từ Washington trong suốt thời gian qua và cho là "vô cùng thái quá".

Người sẽ trở thành Thủ tướng Đức khẳng định ông Trump đã cho thấy chính quyền Mỹ hiện tại hầu như không quan tâm đến số phận của châu Âu.

Thủ tướng tương lai của Đức Friedrich Merz lần đầu nêu quan điểm về quan hệ với Mỹ, NATO- Ảnh 1.

Ông Friedrich Merz, người đứng đầu liên minh CDU - CSU, sẽ thành Thủ tướng tiếp theo của Đức (Ảnh: Reuters).

"Chúng tôi đang chịu áp lực nặng nề từ cả hai phía. Chính vì thế ưu tiên hàng đầu của tôi hiện nay là đạt được đoàn kết ở châu Âu càng nhanh càng tốt để có thể từng bước độc lập với Mỹ. Điều đó là hoàn toàn khả thi", ông Merz nhấn mạnh.

Thậm chí, ông Merz đặt câu hỏi - liệu Hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của NATO, liên minh quân sự vốn được coi là nền tảng đảm bảo an ninh cho châu Âu trong nhiều thập kỷ qua, có còn duy trì được hình thức hiện tại của mình hay không?

Đáng chú ý, bình luận trên được ông Merz đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công khai hoan nghênh kết quả bầu cử của ông.

Những thách thức trong việc thành lập liên minh cầm quyền

Thách thức hàng đầu hiện nay đối với ông Merz là việc thành lập liên minh cầm quyền tại Đức.

Theo kết quả thăm dò từ đài ZDF, Đảng dân túy cực hữu Sự Lựa chọn vì nước Đức (AfD) đứng thứ hai với gần 20% số phiếu. Đây là mức phiếu cao kỷ lục kể từ sau Thế chiến thứ 2 cho một đảng cực hữu.

Trong khi đó đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng sắp mãn nhiệm Olaf Scholz chỉ giành được 16,4% số phiếu.

Đảng Xanh, nằm trong liên minh cầm quyền của ông Scholz, nhận được hơn 12% số phiếu, trong khi Đảng Cánh tả (Die Linke) đạt gần 9%.

Để thành lập đảng cầm quyền, CDU/CSU sẽ cần liên minh với các đảng để đạt được đa số tuyệt đối (trên 50% số phiếu).

Kết quả thăm dò nói trên cho thấy ông Merz ít có cơ hội thành lập Chính phủ liên minh nếu không có sự tham gia của Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng sắp mãn nhiệm Olaf Scholz.

Bởi mặc dù có được tỷ lệ hơn 20% người ủng hộ nhưng đảng cực hữu AfD sẽ không có mặt trong liên mình cầm quyền bởi điều này được coi là cấm kỵ ở Đức.

Tại nước này, các chính đảng sẽ không công khai ủng hộ hay hợp tác với các đảng cực hữu. Trong các tuyên bố mới đây, ông Friedrich Merz cũng khẳng định sẽ không hợp tác với AfD và cam kết sẽ ngăn chặn sức ảnh hưởng của phe cực hữu tại nước này.

Vấn đề đặt ra là liệu ông có cần thêm một đảng thứ ba tham gia vào liên minh cầm quyền trong tương lai hay không.

Hiện có 2 đảng khác đang nhận được gần 5% số phiếu bầu trên toàn nước Đức - mức tối thiểu để được có ghế trong Quốc hội Đức, đó là Đảng Tự do Dân chủ (FDP) và Đảng cánh tả Bündnis Sahra Wagenknecht (BSW).

Nếu cả 2 đảng này vượt qua ngưỡng 5%, mục tiêu đạt được đa số ghế trong Quốc hội của ông Merz sẽ trở nên khó khăn hơn và ông phải mời thêm đảng Xanh hoặc đảng Dân chủ Tự do (FDP) tham gia.

Trong trường hợp SPD trở thành đối tác mới trong liên minh cầm quyền, ông Merz sẽ phải nhượng bộ các cam kết về việc cắt giảm thuế quan.

Trước đó, ông Merz từng đề xuất giảm thuế doanh nghiệp từ mức tổng thể 30% xuống còn 25% và giảm gánh nặng thuế cho các hộ gia đình. Ở chiều ngược lại, cả 2 đảng SPD và đảng Xanh cam kết tăng thuế đối với người có thu nhập cao.

Còn nếu FDP tham gia liên minh, họ có thể sẽ tiếp tục yêu cầu giảm thuế, giống như khi từng hợp tác với chính quyền của Thủ tướng Scholz. Đảng này cũng có thể phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm cải cách quy định hạn chế nợ công của Đức, vốn áp đặt giới hạn nghiêm ngặt đối với việc vay nợ của Chính phủ.

Bên cạnh đó, các cuộc đàm phán thành lập liên minh sẽ càng trở nên phức tạp hơn do sự trỗi dậy của các đảng cực đoan ở cả hai phía trong chính trường Đức là đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) và đảng Cảnh tả Die Linke.

Trong vấn đề đối ngoại, ông Merz từ lâu đã ủng hộ việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine đồng thời có quan điểm cứng rắn về việc châu Âu cần tăng ngân sách quốc phòng cũng như đoàn kết hơn để đối mặt với những thách thức từ Nga và quan điểm thiếu thân thiện từ Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Điều này có thể giúp ông Merz nhận được sự ủng hộ từ đảng Xanh, song nhiều khả năng ông sẽ phải gây sức ép với đảng SPD để đạt được sự đồng thuận trong việc cung cấp viện trợ quân sự mạnh mẽ hơn cho Ukraine.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.