Thế giới giao thông

Tân Tổng thống Mỹ sẽ làm gì để giải cứu Boeing?

16/11/2020, 06:29

Tân Tổng thống Mỹ sẽ có quyết sách gì để giúp Boeing phục hồi trong bối cảnh tập đoàn này đang gặp rất nhiều khó khăn?

img
Tập đoàn Boeing là công ty hàng không vũ trụ lớn nhất thế giới và là nhà xuất khẩu lớn nhất của Mỹ

Boeing là rường cột, là “hàn thử biểu” của nền kinh tế Mỹ nên việc hãng lâm nguy vì 737 Max bị cấm bay và ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng đồng nghĩa tăng trưởng nước này bị đe dọa. Tân Tổng thống Mỹ sẽ có quyết sách gì để giúp Boeing phục hồi?

Vừa vượt khó, vừa phát triển

Tập đoàn Boeing là công ty hàng không vũ trụ lớn nhất thế giới và là nhà xuất khẩu lớn nhất của Mỹ, chuyên lắp ráp máy bay thương mại, sản phẩm quốc phòng, chế tạo bộ phận hàng không vũ trụ, tạo công việc cho hơn 143.000 nhân viên phủ khắp 50 bang ở Mỹ.

Nhưng từ khi dòng máy bay được đánh giá bán chạy nhất thế giới 737 Max của Boeing gặp sự cố liên quan tới 2 vụ tai nạn cướp đi sinh mạng của 346 người, buộc mẫu máy bay này phải dừng hoạt động, Boeing đã và đang trượt sâu vào khủng hoảng chưa từng có.

Tính đến đầu năm nay, hãng bị hủy 400 đơn hàng. Trong tương lai, nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới này dự tính cắt giảm 30.000 công việc tính đến cuối năm 2021. Chưa kể, Liên minh châu Âu vừa thông báo áp mức thuế 15% trên máy bay Boeing. Vấn đề tại Boeing đã góp phần kéo theo thực trạng giảm sản xuất tại các nhà máy tại Mỹ.

Sau nhiều tháng ròng chờ đợi kết quả điều tra, rất có thể đầu tuần này, Boeing sẽ nhận được “cái gật đầu” từ Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), chấp thuận cho hãng đưa máy bay 737 Max quay trở lại bầu trời - hãng tin Reuters dẫn 3 nguồn tin độc quyền cho biết. Xét trên quy mô lớn, sự kiện này không chỉ là tin vui với riêng Boeing mà còn cả toàn nền kinh tế Mỹ.

Song, để thực sự khôi phục thị trường cổ phiếu lao dốc do tai nạn của 737 Max và tác động từ dịch bệnh trên toàn cầu, nhà sản xuất máy bay của Mỹ phải đối mặt với rất nhiều thách thức lớn.

Không chỉ vậy, tại một hội nghị thượng đỉnh gần đây được tổ chức tại Thượng Hải (Trung Quốc), công ty hàng không vũ trụ Thales còn chỉ ra, ngành công nghiệp này cần phát triển theo hướng “xanh” hơn, số hóa hơn trước.

Lúc này, Boeing không chỉ phải tập trung vào mục tiêu phát triển máy bay Boeing 737 và bù lỗ, mà còn phải chịu thêm áp lực phải bắt kịp xu hướng nâng cấp không ngừng trong ngành hàng không Mỹ và khôi phục niềm tin thị trường bằng cách cải tiến thêm nhiều công nghệ tinh vi.

Áp lực cho nhiệm kỳ mới của Tổng thống Mỹ

Tuy những vấn đề kể trên mà Boeing hay ngành hàng không Mỹ đang phải đối mặt chưa phản chiếu toàn bộ thách thức của ngành sản xuất nước này nhưng phần nào bộc lộ những điểm yếu chí cốt mà ngành này đang phải đối mặt, buộc các đời Tổng thống Mỹ kế cận phải giải quyết.

Từ thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, chính quyền nước này đã nhắc tới cụm từ “tái công nghiệp hóa nước Mỹ” (đưa lại công việc sản xuất từ nước ngoài về Mỹ) nhưng giới chức Washington nhận thấy họ không còn ở vị trí để đưa trở lại những hoạt động sản xuất cấp thấp mà buộc phải tiến về phía trước, chuyển đổi và sản xuất hàng hóa cấp cao.

Tiếp đó, đến thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông nhấn mạnh hơn việc cần phải đưa công việc trong ngành sản xuất từ nước ngoài quay trở lại, sử dụng mọi phương thức chính trị để đạt được. Boeing chính là một cái tên trong danh sách dài các tập đoàn hàng đầu của Mỹ chuyển dần sản xuất về nội địa. Song, kết quả chưa được như mong đợi.

Ngoài ra, chính từ dịch bệnh, ngành sản xuất Mỹ nhận ra sự thật đau đớn đó là, họ đã đưa phần lớn hoạt động sản xuất ra ngoài, dồn vào một khu vực trên thế giới đó là Trung Quốc đại lục. Nay khi dịch bệnh nổ ra, bản thân nền sản xuất công nghệ cao của Mỹ không đủ khả năng làm ra máy thở, khẩu trang và cũng phải nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận ở các lĩnh vực khác như sản xuất thép, màn hình LCD, chip cho phần cứng viễn thông…, ông David Adler, tác giả cuốn sách “The New Economics of Liquidity and Financial Frictions” chia sẻ trên tờ Barrons Daily.

Như vậy, mọi thách thức từ khôi phục sau khủng hoảng, nâng cấp công nghệ, chuyển đổi theo hướng thân thiện môi trường sinh học, đa dạng hóa nguồn cung… trong ngành sản xuất sẽ tiếp tục dồn lại nhiệm kỳ tới của tân Tổng thống Mỹ.

Kể cả khi máy bay 737 Max được FAA và cả các tổ chức hàng không trên toàn thế giới chấp nhận cho phép quay trở lại hoạt động, nhu cầu mua máy bay vẫn thấp vì ngành hàng không toàn cầu đang bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch.

Đây chính là khó khăn chung mà cả ngành hàng không, các nhà sản xuất máy bay, phụ tùng và một số cơ quan quan trọng chuỗi ngành công nghiệp hàng không đang phải đương đầu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.