Tân Tổng thống Philippines muốn tạo dựng quan hệ với Trung Quốc |
Hôm nay (16/5) Tổng thống mới được bầu chọn của Philippines - Rodrigo Duterte thông báo, sẽ gặp 3 đại sứ đầu tiên, một trong số đó sẽ là Đại sứ Trung Quốc tại Manila.
Tại cuộc họp báo ở TP. Davao, khi được hỏi, ông có muốn xây dựng mối quan hệ thân thiết hơn với Trung Quốc, tân Tổng thống cho biết: “Những mối quan hệ tốt đẹp sẽ không bao giờ nguội lạnh. Tôi muốn làm bạn với tất cả mọi người”.
Vị Tổng thống mới đắc cử cũng xác nhận sẽ tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp giữa hai nước để giải quyết tranh chấp lãnh thổ nếu các cuộc đàm phán khác không thành. Dự kiến, ngày 30/6 tới, ông Rodrigo Duterte sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Philippines.
Biển Đông là một trong những vấn đề được quan tâm nhất khi người dân cầm lá phiếu để bầu chọn Tổng thống cùng bộ máy quan chức Philippines.
Trong 6 năm dưới thời Tổng thống Benigno Aquino, mối quan hệ Trung Quốc và Philippines lạnh nhạt vì xung đột xung quanh vấn đề Biển Đông, một trong những tuyến đường thuỷ quan trọng chiến lược nhất thế giới. Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ khu vực Biển Đông bao trùm cả những khu vực mà Philippines, Việt Nam và một số nước Đông Nam Á khác cùng tuyên bố chủ quyền.
Để tăng cường cho những tuyên bố này, nhiều năm gần đây, Trung Quốc gia tăng bồi đắp, cải tạo trái phép đảo nhân tạo và xây dựng các đường băng quân sự tại đây. Năm 2012, Trung Quốc tiếp tục chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough – khu vực đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Chính quyền Tổng thống Aquino phản ứng bằng cách ký một thoả thuận với Mỹ đồng thời đệ đơn kiện Trung Quốc lên Toà trọng tài Liên Hợp Quốc. Philippines cũng đưa vấn đề này ra các sự kiện đa phương quốc tế như các Hội nghị Thượng Đỉnh của Hiệp hội ASEAN.
Trung Quốc nhiều lần phản ứng tức giận với chiến lược trên, yêu cầu Philippines đàm phán trực tiếp nhưng khăng khẳng không từ bỏ tuyên bố chủ quyền.
Về phía Philippines, ông Aquino bác bỏ đề nghị đàm phán trực tiếp với quan điểm, nếu Trung Quốc khăng khẳng không có gì để đàm phán thì chẳng có gì phải nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận